Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

1 năm bán tài sản quyết liệt của tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Markettimes 3 Tuần trước

Năm 2024, Tập đoàn Vingroup (VIC) mạnh tay thoái vốn tại nhiều đơn vị nhằm tập trung nguồn lực cho những mảng kinh doanh chủ chốt.

Bán VinBrain cho Nvidia

Mới nhất ngày 5/12/2024, Nvidia công bố đã mua lại công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực Healthtech của Vingroup là VinBrain, để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam. Giá trị thương vụ không được tiết lộ.

Tại thời điểm ngày 30/9, Vingroup đã đầu tư hơn 126 triệu USD vào VinBrain và ghi nhận đây là công ty liên kết với tỷ lệ sở hữu hơn 49,7%. 

Thông tin này thực tế đã được rò rỉ trước đó. Nguồn tin từ Business Times hồi giữa năm cho hay, Vingroup muốn bán cổ phần của mình tại hai công ty con trong mảng AI là VinBrain và VinAI.

Trong đó, VinAI được thành lập như một viện nghiên cứu của Vingroup. Sau đó, công ty này trở thành công ty con vào năm 2021 với số vốn là 425 tỷ đồng (17 triệu USD). Nguồn tin còn cho rằng Nvidia sắp xếp để giám đốc điều hành của mình là ông Jensen Huang đến thăm Việt Nam vào tháng 11 là để thương thảo cho các thương vụ này.

Sau khi bán VinBrain, Vingroup vẫn đang nắm trong tay hệ sinh thái nhiều doanh nghiệp công nghệ như: VinCSS, VinAI, VinBigdata, VinHMS... và một công ty mới thành lập là VinRobotics.

Bán Vincom Retail (VRE)

Ở mảng bất động sản bán lẻ, hồi đầu năm, Vingroup gây bất ngờ khi ký thỏa thuận bán phần vốn góp lên tới 100% vốn điều lệ trong công ty SDI – đơn vị đang sở hữu trên 99% vốn điều lệ của CTCP Kinh doanh Thương mại Sado - cổ đông lớn nắm 40,5% vốn điều lệ và 41,51% quyền biểu quyết của Vincom Retail.

Sau khi giao dịch này hoàn tất, Công ty SDI, Công ty Sado và Công ty Vincom Retail không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup.

Chia sẻ về thương vụ trên, ông Nguyễn Việt Quang, Tổng giám đốc Vingroup cho biết đây là thời điểm cần tập trung mọi nguồn lực để phát triển mạnh mẽ tập đoàn này và các thương hiệu trọng điểm, có tiềm năng tăng trưởng cao. 

Bán những công ty bất động sản tại Vũ Yên

Ở mảng bất động sản, Vingroup mới chuyển nhượng 80% vốn tại VYHT - công ty kinh doanh, vận hành một phần dự án bất động sản ở đảo Vũ Yên, Hải Phòng - cho đối tác nước ngoài.

Song song, Tập đoàn cũng chuyển nhượng 19,93% cổ phần còn lại cho CTCP Vinhomes. Sau giao dịch, VYHT không còn là công ty con của Tập đoàn Vingroup.

Được biết, Vingroup lập VYHT (trụ sở ở phường Thượng Lý, quận Hồng Bàng, Tp.Hải Phòng) nhằm là pháp nhân triển khai dự án Vinhomes Royal Island, đã được mở bán từ cuối tháng 3. Với quy mô 877 ha, Vinhomes Royal Island có tổng vốn đầu tư khoảng 2,4 tỷ USD nằm trọn trên đảo Vũ Yên.

Hồi tháng 5, Vingroup cũng đã chuyển nhượng toàn bộ cổ phần đang nắm giữ tại CTCP Phát triển NVY Việt Nam - một nhà đầu tư thứ cấp tại dự án Vũ Yên

screen-shot-2024-12-25-at-08.49.54.png

Những thương vụ thoái vốn mang về cho Vingroup khoản lãi tài chính đột biến 5.627 tỷ đồng trong quý 3/2024. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế quý 3 năm nay đạt hơn 2.015 tỷ đồng - tăng 255% so với cùng kỳ. Con số lợi nhuận luỹ kế 9 tháng hơn 4.068 tỷ đồng.

Ở hướng ngược lại, Vingroup góp thêm vốn vào Công ty cổ phần Di chuyển xanh và Thông minh GSM. Tháng 10, Tập đoàn ra mắt Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures với tổng tài sản 150 triệu USD. Trong đó 100 triệu USD là danh mục đã đầu tư kế thừa từ Vingroup và 50 triệu USD dự kiến giải ngân trong 3 - 5 năm tới.

Gần nhất, ngày 20/11, Vingroup thông báo thành lập CTCP Nghiên cứu Phát triển và Ứng dụng người máy VinRobotics với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Quá khứ "cắt bỏ" quyết liệt

Thực tế, trong quá khứ Vingroup được mệnh danh là doanh nghiệp tái cấu trúc quyết liệt. Thương vụ thoái vốn "đình đám" đầu tiên của Vingroup là việc tập đoàn bán toàn bộ cổ phần của Chứng khoán Vincom (VincomSC).

Đến cuối năm 2019, thị trường "chấn động" với thông tin Vingroup hoán đổi cổ phần công ty VinCommerce, đơn vị sở hữu chuỗi siêu thị VinMart và cửa hàng tiện lợi VinMart+ cho tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN), chính thức chia tay mảng bán lẻ.

Vingroup cũng bán luôn VinEco cho Masan Group trong thương vụ này. Ngoài việc bán VinCommerce hay VinEco cho Masan Group, công ty của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã quyết định đóng cửa chuỗi cửa hàng điện máy, công nghệ VinPro và sàn thương mại điện tử Adayroi.

Đầu năm 2020, Vingroup lại bất ngờ thông báo dừng dự án Vinpearl Air, rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không, nhằm tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp.

Quyết định được đưa ra sau chưa tới nửa năm tập đoàn công bố những bước đi đầu tiên và cũng chỉ cách gần 7 tháng để Vinpearl Air cất cánh, theo kế hoạch đã đưa ra từ trước.

Kể từ thời điểm 2009 đến nay, Vingroup đã mở ra và đóng lại rất nhiều dự án: VinDS (hệ thống cửa hàng quần áo, giày dép trong trung tâm thương mại Vincom), Vinlink, VinExpress (lĩnh vực logistics), Emigo (công ty thời trang VinFashion)...

Xem bản gốc