Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

10 người giàu nhất sàn chứng khoán 2024: Hai ‘lão tướng’ U70 gây ấn tượng, khoảng cách giữa tỷ phú Phạm Nhật Vượng và phần còn lại bị thu hẹp

Markettimes 2 Tuần trước

Tổng giá trị tài sản của top 10 năm nay đạt 269.362 tỷ đồng, tăng hơn 6.500 tỷ đồng so với năm ngoái. Trong danh sách, chỉ có 2 người ghi nhận tài sản giảm trong khi 8 người ghi nhận tài sản tăng so với năm trước. Top 10 năm nay có 2 ‘lão tướng’ U70 và cả 2 đều gây ấn tượng. Trong đó, một người lần đầu tiên góp mặt trong top người giàu và người còn lại ghi nhận tài sản tăng vọt tới hơn 80%.

Dưới đây là 10 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam năm 2024.

1pnv(1).png

Vị trí người giàu nhất vẫn không có gì thay đổi khi tỷ phú Phạm Nhật Vượng tiếp tục bỏ xa các doanh nhân khác với khối tài sản hơn 84.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, khoảng cách giữa ông Vượng và những người phía sau đang ngày càng bị thu hẹp khi ông Vượng năm nay mất hơn 8.400 tỷ đồng. Tài sản của nhà sáng lập VinFast giảm trong bối cảnh hãng xe điện này vẫn đang trong giai đoạn phát triển và chưa có lợi nhuận.

Mặc dù vậy, nhiều điểm sáng đã xuất hiện. VinFast năm qua đã trở thành hãng xe bán chạy nhất Việt Nam khi doanh số 11 tháng đạt hơn 67.000 xe tại thị trường nội địa, trong đó riêng tháng 11 vừa qua bàn giao hơn 16.000 xe, tương ứng mỗi ngày bàn giao hơn 530 ô tô điện.

Doanh số VinFast tăng cao một phần cũng nhờ những động thái thể hiện quyết tâm của tỷ phú Phạm Nhật Vượng đối với lĩnh vực xe điện, như tiếp tục mạnh tay phủ trạm sạc khắp cả nước, mở hàng trăm xưởng dịch vụ để trở thành hãng xe nhiều xưởng nhất cả nước, và đáng chú ý nhất là mới đây quyết định miễn phí tiền sạc trong 2 năm rưỡi tiếp theo cho toàn bộ khách hàng.

2024 cũng là năm bận rộn của tỷ phú Phạm Nhật Vượng và các công ty trong hệ sinh thái Vingroup. Vingroup hồi đầu năm đã bán vốn tại Vincom Retail, qua đó không còn là cổ đông lớn. Đến cuối năm, Vingroup tiếp tục bán VinAI cho Tập đoàn Nvidia. Bên cạnh đó là một số thương vụ bán công ty con trong lĩnh vực bất động sản.

Ở chiều ngược lại, ông Vượng tiếp tục tăng vốn góp vào hãng taxi điện Xanh SM, ra mắt Quỹ đầu tư công nghệ VinVentures với tổng tài sản 150 triệu USD và thành lập công ty nghiên cứu phát triển người máy VinRobotics vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

2tdl(1).png

Hai vợ chồng tỷ phú Trần Đình Long và Vũ Thị Hiền tiếp tục cùng góp mặt trong danh sách những người giàu nhất sàn chứng khoán năm nay khi Hòa Phát đã lấy lại mốc lợi nhuận 3.000 tỷ đồng mỗi quý. Năng lực sản xuất ống thép của Hòa Phát hiện đạt 1 triệu tấn/năm, số 1 Việt Nam. Gần đây, ống thép Hòa Phát đã cung cấp vào nhiều dự án trọng điểm quốc gia như dự án Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Sân bay quốc tế Long Thành….

Trong năm qua, tỷ phú Trần Đình Long đã tuyên bố Hòa Phát muốn tham gia cung ứng thép cho dự án đường sắt cao tốc Bắc – Nam. Theo đó, Hòa Phát đảm bảo sẽ cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại phục vụ dự án, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao, đồng thời giá cả thấp hơn giá thép nhập khẩu. Đích thân ông Long cùng các cộng sự đã sang châu Âu để học tập kinh nghiệm sản xuất và cho rằng độ khó của thép đường ray tàu cao tốc chỉ ở mức 8/10.

Hòa Phát cũng đang xúc tiến hoàn thiện các thủ tục cần thiết để giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án tại Khu công nghiệp Hòa Tâm, thuộc Khu kinh tế Nam Phú Yên, tỉnh Phú Yên. Trong đó có dự án đầu tư xây dựng Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát.

Cơ cấu sản phẩm dự kiến của Khu liên hợp này tập trung vào các dòng thép chất lượng cao phục vụ cơ khí chế tạo như thép đường ray, thép tấm, thép kết cấu, thép hình, thép thanh tròn trơn (SBQ). Ngay sau khi có mặt bằng, Hòa Phát có thể sẵn sàng triển khai dự án sản xuất thép ray cho đường sắt cao tốc, cả về công nghệ, đội ngũ nhân lực và địa điểm sản xuất.

3ntpt(1).png

Tài sản nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo năm nay giảm 5% so với năm trước, xuống 26.477 tỷ đồng. Ngành hàng không hồi phục mạnh mẽ trong năm 2024 giúp kết quả kinh doanh Vietjet Air của bà Thảo khởi sắc. 9 tháng đầu năm, Vietjet ghi nhận doanh thu hợp nhất 52.200 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hợp nhất 1.405 tỷ đồng, tăng trưởng 19% và 564% so với cùng kỳ năm 2023.

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Vietjet đã vận chuyển hơn 19,6 triệu khách trên 104 nghìn chuyến bay, lần lượt tăng hơn 6% và 2% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó hơn 2,54 triệu khách quốc tế, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2023.

Tại sự kiện Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough Airshow 2024, Vietjet và Airbus đã ký hợp đồng đặt mua 20 máy bay thân rộng thế hệ mới A330neo (A330-900) với tổng trị giá 7,4 tỷ USD. Theo thống kê trong hơn 10 năm qua, tổng giá trị hợp đồng mà Vietjet Air ký kết với các đối tác đã vượt 60 tỷ USD.

4dat(1).png

Kể từ khi lọt vào top người giàu trên sàn chứng khoán năm 2021 đến nay, tài sản và xếp hạng của ông Đỗ Anh Tuấn trong danh sách người giàu không có nhiều biến động. Ông Tuấn năm nay vẫn đứng vị trí thứ 4 như năm ngoái, với tổng tài sản trị giá khoảng 1 tỷ USD.

5hha(1).png

Không chỉ là nhà băng tư nhân hàng đầu trên thị trường, Techcombank của tỷ phú Hồ Hùng Anh còn ‘phủ sóng’ khắp các nền tảng năm qua khi là nhà tài trợ cho show “Anh trai vượt ngàn chông gai”. Bên cạnh đó, Techcombank năm qua cũng gây chú ý khi chấm dứt hợp tác với Manulife, thành lập công ty bảo hiểm phi nhân thọ đồng thời mở rộng thị trường phía Nam.

Về phía tỷ phú Nguyễn Đăng Quang, Masan tiếp tục có những bước tiến vững chắc trong ngành hàng tiêu dùng. Đáng chú ý, Masan Consumer, công ty con của Masan hiện đã vượt xa Vinamilk để trở thành doanh nghiệp lớn nhất trong ngành thực phẩm đồ uống trên sàn chứng khoán Việt Nam, thậm chí giá trị thị trường của Masan Consumer còn vượt nhiều tên tuổi khác trên sàn chứng khoán.

Chiến lược của Masan hiện nay là Go-Global và giới phân tích cho rằng chiến lược này sẽ mang lại tăng trưởng dài hạn cho các danh mục chính như gia vị và thực phẩm tiện lợi. Xuất khẩu hiện chiếm 5% tổng doanh thu và Masan đã thâm nhập vào các thị trường chính như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, bước đầu ghi nhận những kết quả tích cực đối với dòng sản phẩm của công ty.

7tgb(1).png

Năm ngoái, ông Trương Gia Bình mới lần đầu tiên trở lại top 10 người giàu sau 14 năm vắng mặt, khi sở hữu khối tài sản 8.500 tỷ đồng. Năm nay, ông Bình tiếp tục “đại thắng” khi tài sản tăng gần gấp đôi nhờ cổ phiếu FPT thăng hoa trong bối cảnh “trend” công nghệ, AI bùng nổ ở khắp mọi nơi.

Kết quả kinh doanh 11 tháng cho thấy FPT thu 56.404 tỷ đồng và lãi 10.239 tỷ đồng, đều tăng tới gần 20% so với cùng kỳ năm trước.

Điểm nhấn của FPT năm qua là bắt tay với Nvidia đầu tư 200 triệu USD xây dựng nhà máy trí tuệ nhân tạo (AI Factory) với hệ thống siêu máy tính sử dụng GDU H100 dành cho nghiên cứu và phát triển. Bên cạnh đó là những bản hợp đồng hàng triệu USD với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ.

9ndt(1).png

Sau khi liên tục đóng bớt các cửa hàng để tập trung vào chất lượng, kết quả kinh doanh Thế Giới Di Động năm nay khởi sắc trở lại. Sau 11 tháng, doanh thu chuỗi đã đạt 122.298 tỷ đồng, tăng trưởng 13% so với cùng kỳ và đã hoàn thành 98% kế hoạch cả năm.

Doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh thậm chí ấn tượng hơn khi tăng tới 32% nhờ đóng góp từ ngành hàng tươi sống và FMCG. Tính riêng tháng 11, doanh thu chuỗi Bách Hóa Xanh lên tới 3.500 tỷ đồng, bình quân 2 tỷ đồng/cửa hàng/tháng.

Mặc dù vậy trong những ngày cuối năm, Bách Hóa Xanh của ông Nguyễn Đức Tài gặp biến cố khi một đối tác cung cấp 300kg giá đỗ mỗi ngày cho chuỗi bị phát hiện ngâm chất cấm. Bách Hóa Xanh đã ngay lập tức thu hồi toàn bộ giá đỗ và tuyên bố sẽ hoàn tiền cho người mua.

10dhh(1).png

Ở độ tuổi 68, năm 2024 là lần đầu tiên ông Đào Hữu Huyền lọt vào danh sách 10 người giàu nhất sàn chứng khoán.

Hóa chất Đức Giang của ông Huyền hiện là nhà xuất khẩu phốt pho vàng lớn nhất châu Á, Đức Giang hiện chi phối gần 1/3 tổng lượng xuất khẩu phốt pho vàng toàn cầu. Đặc biệt, tập đoàn sở hữu công nghệ luyện quặng apatit dạng bột độc quyền, cho phép tiết giảm chi phí sản xuất và tận dụng tối đa nguồn quặng apatit cấp thấp.

Năm 2025, mảng phốt pho vàng của Đức Giang được kỳ vọng sẽ tiếp tục bùng nổ nhờ sự tăng tốc của ngành sản xuất chip toàn cầu và hàng loạt nhà máy bán dẫn mới tại châu Á đi vào hoạt động.

Gần đây, Đức Giang đã phê duyệt kế hoạch mở rộng khai thác quặng apatit tại Khai trường 25, Lào Cai nhằm tăng cường khả năng tự cung cấp. Tập đoàn đang đề xuất gia hạn giấy phép khai thác thêm 5 năm, dựa trên trữ lượng lớn hơn so với dự kiến ban đầu. Nếu được thông qua, tỷ lệ quặng tự khai thác của Đức Giang có thể tăng từ 80% lên 90% vào năm 2025.

Ngoài ra, ban lãnh đạo doanh nghiệp cũng cho biết đang tìm kiếm các mỏ mới và nghiên cứu tiềm năng mua lại các doanh nghiệp sở hữu mỏ thông qua hoạt động M&A, nhằm củng cố nguồn cung quặng apatit cho tập đoàn.

change(1).png
Xem bản gốc