Ngày 23/9, CTCP Thực phẩm Dinh dưỡng Nutifood thông báo đã hoàn tất các thủ tục mua 51% cổ phần của CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods), qua đó nắm quyền kiểm soát công ty sở hữu hai thương hiệu kem đình đám là Merino và Celano.
Trước đó vào năm 2023, Kido Group đã chuyển nhượng hơn 24% vốn của Kido Foods cho đối tác với giá 1.069 tỷ đồng, tương ứng định giá công ty này ở mức khoảng 4.450 tỷ đồng (200 triệu USD). Hiện Kido Group vẫn giữ 49% cổ phần còn lại của Kido Foods.
“Thương vụ này cho phép Nutifood làm chủ một hệ thống phân phối ngành hàng đông lạnh với hàng trăm nghìn tủ kem bao phủ rộng khắp, từ điểm bán lẻ truyền thống, bán lẻ hiện đại cho đến nhà hàng, khách sạn, các điểm vui chơi giải trí… trên cả nước. Đó là nền tảng cần thiết giúp Nutifood mở rộng lĩnh vực qua ngành hàng đông lạnh một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất", ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch HĐQT Nutifood chia sẻ lý do đầu tư vào Kido Foods.
Thương vụ mua lại nhà máy kem trị giá hơn 20 triệu USD từ Unilever
Nhìn lại lịch sử thị trường kem tại Việt Nam, một trong những tập đoàn gia nhập cuộc chơi sớm nhất là đại gia ngoại Unilever.
Năm 1997, “gã khổng lồ” ngành FMCG (tiêu dùng nhanh) đầu tư 22 triệu USD để thành lập nhà máy Wall's tại TP.HCM – nhà máy sản xuất kem lớn nhất Việt Nam ở thời điểm đó, đồng thời được đánh giá là hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Nhà máy có tổng diện tích 23.728 m2, công suất 9 triệu lít/năm.
Tuy nhiên, Unilever không đạt mức tăng trưởng như kỳ vọng, do sản phẩm kem lúc đó chưa phù hợp với túi tiền của phần lớn người tiêu dùng Việt Nam. 6 năm sau, Unilever quyết định từ bỏ mảng kem tại thị trường Việt Nam và bán lại nhà máy Wall’s cho Kido Group.
"Lúc Unilever muốn bán kem Wall’s thì không chỉ một mình KIDO muốn mua mà còn có nhiều đối tác khác. Nhưng cuối cùng họ chọn bán cho KIDO vì mình cam kết có trách nhiệm với cán bộ công nhân viên của họ. Mình tiếp nhận và không để ai nghỉ hết, kem Wall’s chỉ đổi chủ chứ nhân viên không bị ảnh hưởng. Tới thời điểm này, rất nhiều thành viên của kem Wall’s cũ vẫn gắn bó với KIDO và là một phần vô cùng quan trọng của KIDO. Kể khi tiếp nhận kem Wall’s, chỉ sau 6 tháng chuyển đổi, KIDO đã có lãi", ông Trần Lệ Nguyên, CEO KIDO từng chia sẻ trong một bài phỏng vấn năm 2022.
Tháng 7/2003, Kido Group thành lập công ty con để tiếp quản nhà máy này. Công ty TNHH MTV KIDO – sau này đổi tên thành CTCP Thực phẩm Đông lạnh Kido (Kido Foods) – chính thức ra đời với vốn điều lệ 30 tỷ đồng, thừa hưởng toàn bộ công nghệ chế biến kem theo tiêu chuẩn quốc tế mà Unilever để lại.
Hai thương hiệu “đẻ trứng vàng” cho Kido Foods được ra mắt ngay trong hai năm tiếp theo. Kem Merino ra mắt năm 2004 và sau đó một năm là Celano – dòng sản phẩm hướng đến phân khúc cao cấp hơn. Vốn điều lệ của Kido Foods năm 2005 cũng tăng lên 50 tỷ đồng. Tới năm 2006, công ty bắt đầu thâm nhập ngành hàng sữa chua với thương hiệu Wel Yo.
Năm 2008, ngay sau khi thời hạn thỏa thuận không cạnh tranh với Kido kết thúc, “người cũ” Wall's của Unilever trở lại Việt Nam. Lần này, các sản phẩm của Wall’s được nhập khẩu từ Thái Lan thay vì sản xuất tại chỗ như trước đây. Tuy nhiên, yêu cầu bảo quản lạnh dẫn đến chi phí vận chuyển cao và bài toán lưu kho, nên Wall’s chỉ mang khoảng 20 loại kem đến Việt Nam. Do những vấn đề này, Wall's gặp bất lợi so với Kido trong việc đàm phán với các điểm bán lẻ, đặc biệt là các cửa hàng thương mại truyền thống.
Năm 2011, sau 2 năm liên tiếp tăng trưởng 60% và 39%, Kido Foods mở rộng và đầu tư thêm dây chuyền sản xuất tại nhà máy Tây Bắc Củ Chi, tăng công suất sản xuất kem và sữa chua lên lần lượt gấp đôi và gấp 4 lần.
Năm 2015, Kido Foods cán mốc doanh thu 1.000 tỷ đồng, vốn điều lệ lên mức 400 tỷ đồng. Công suất nhà máy tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Củ Chi không còn đủ cung ứng cho nhu cầu thị trường, nên tới tháng 10/2015 Kido Foods đã khởi công xây dựng nhà máy tại Khu Công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Một năm sau, nhà máy này đi vào vận hành, nâng công suất lên thêm 170%, đáp ứng nhanh chóng nhu cầu của người tiêu dùng khu vực miền Bắc và trên toàn quốc.
Năm đầu tiên tiếp nhận nhà máy Wall’s của Unilever, doanh thu của Kido Foods chỉ ở mức 40 tỷ đồng. Đến năm 2016, con số này đã tăng lên hơn 30 lần.
Vị thế "vua ngành kem" chiếm lĩnh gần một nửa thị phần
Theo số liệu hãng nghiên cứu thị trường Euromonitor công bố năm 2017, sản lượng bán lẻ kem và thực phẩm tráng miệng tại Việt Nam ước tính đạt 26.600 tấn, tăng 7% so với năm trước đó, trong bối cảnh thu nhập của người dân tăng, chất lượng cuộc sống ngày càng cao.
Kido Foods vững vàng ở vị trí dẫn đầu ngành kem và thực phẩm tráng miệng làm từ sữa với thị phần 40,2% vào năm 2017, tăng mạnh so với con số 35,4% hồi năm 2015. Theo sau là Vinamilk – chiếm 9,1% thị phần và Unilever xếp hạng 3 với 8,4% thị phần. 2017 cũng là năm cổ phiếu Kido Foods được niêm yết trên sàn chứng khoán.
Tới năm 2020, báo cáo của Euromonitor chỉ ra rằng dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng tiêu cực đến sức tiêu thụ “to-go ice cream” – kem thưởng thức ngẫu hứng ngoài đường. Tuy nhiên, “take-home ice cream” – sản phẩm kem có thể mang về nhà lưu trữ lại ghi nhận doanh số tăng, do người tiêu dùng có nhu cầu ăn kem nhiều hơn để giảm căng thẳng.
Thị trường Việt Nam vẫn là cuộc đua của Kido, Vinamilk và Unilever, khi chỉ 3 đơn vị này đã chiếm 64% thị phần. Unilever vượt qua Vinamilk để đứng ở vị trí thứ hai, với thị phần hai bên lần lượt là 11,1% và 9,1%.
Trong khi đó, Kido ngày càng bỏ xa các đối thủ với thị phần 43,5% vào năm 2020. Xét theo thương hiệu, Merino và Celano cũng chiếm hai vị trí đầu bảng, thị phần lần lượt là 24,8% và 17,4%. Wel Yo cũng lọt top 10 với 1,3% thị phần. Số liệu gần đây nhất vào năm 2023 cho thấy Kido Foods tiếp tục củng cố vị thế “vua ngành kem” khi chiếm tới 46,7% thị phần.
Theo CEO Kido Group Trần Lệ Nguyên, mảng kem của họ thành công do tại Việt Nam ít công ty gia nhập thị trường ở phân khúc trung cấp và cao cấp. Ngành kem có lợi nhuận khá cao trong lĩnh vực thực phẩm, nhưng lại khó làm và rủi ro, bởi cần thị trường lớn để giảm giá thành và chi phí logistics cao.
“Vài năm gần đây, chúng tôi luôn linh hoạt và bám sát xu hướng tiêu dùng khi ra các sản phẩm mới, nhờ đó bán rất chạy", ông Trần Lệ Nguyên trả lời truyền thông hồi năm 2020.
"Hằng năm, mảng kem của KIDO đều tăng trưởng 20-30%, thậm chí năm 2021, dịch như vậy nhưng vẫn có tăng trưởng dù ít", ông Nguyên từng cho biết vào năm 2022.
Việc kết nạp thêm Kido Foods, với hai “gà đẻ trứng vàng” là Merino và Celano, hứa hẹn sẽ giúp Nutifood mở rộng hệ sinh thái sản phẩm, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng đa dạng của người tiêu dùng, đặc biệt là ở phân khúc giới trẻ và người trưởng thành.