Việt Nam cần hơn 11 tỷ USD cho hạ tầng trạm sạc sau 6 năm
Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, 50% phương tiện đô thị cùng toàn bộ xe buýt và taxi sẽ chạy điện. Đến năm 2050, các phương tiện giao thông đường bộ sẽ chuyển đổi hoàn toàn sang chạy bằng điện hoặc năng lượng xanh.
“Chuyển đổi sang giao thông xanh với xe điện là một thách thức lớn, nhưng cam kết của Việt Nam là bước khởi đầu quan trọng", bà Mariam J. Sherman - Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, Campuchia và Lào đánh giá.
Theo "Đề xuất cho lộ trình và kế hoạch hành động quốc gia về chuyển đổi sang phương tiện giao thông chạy điện" của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 22/11 cho biết, lộ trình chuyển đổi sang xe điện và khử phát thải cacbon trong lĩnh vực giao thông vận tải tại Việt Nam cần tập trung vào năm trụ cột: sản xuất xe điện, kích cầu tiêu dùng, phát triển hạ tầng sạc, đảm bảo nguồn cung điện, và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Để xây dựng mạng lưới trạm sạc cho các phương tiện này, Việt Nam sẽ cần chi khoảng 2,2 tỷ USD vào năm 2030, 13,9 tỷ USD vào năm 2040 và 32,6 tỷ USD vào năm 2050.
Cũng theo WB, Việt Nam cần đầu tư khoảng 9 tỷ USD vào ngành điện từ nay đến năm 2030. Giai đoạn 2031-2050, Việt Nam cần đầu tư trung bình 14 tỷ USD mỗi năm để sản xuất điện bổ sung và mở rộng mạng lưới so với dự báo trong PDP8 (quy hoạch điện).
Trạm sạc tại Việt Nam đang như thế nào?
Thực tế là cả nước có gần 150.000 cổng sạc xe điện, theo thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Tuy nhiên, các trạm sạc chủ yếu được bố trí tại chung cư, trung tâm thương mại, bãi đỗ xe và cửa hàng xăng dầu.
Tại Việt Nam, VinFast là cái tên lớn nhất hiện sở hữu hệ thống trạm sạc trải khắp toàn quốc. Vào tháng 3/2024, tỷ phú Phạm Nhật Vượng đã thành lập CTCP Phát triển Trạm sạc Toàn cầu V-GREEN do ông sở hữu 90% cổ phần. Mục tiêu của V-GREEN là đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng trạm sạc nhằm hỗ trợ tối đa cho VinFast nhanh chóng vươn ra toàn cầu, đồng thời đưa Việt Nam trở thành một trong những quốc gia có mật độ trạm sạc xe điện lớn nhất thế giới.
Theo đó, V-GREEN quy hoạch 150.000 cổng sạc tại tất cả 63 tỉnh thành trên cả nước. Đồng thời, doanh nghiệp được thành lập từ tiền túi của Chủ tịch Vingroup cam kết đầu tư 10.000 tỷ đồng trong vòng 2 năm tới để xây mới, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống. Đến tháng 9/2024, V-GREEN công bố mô hình "trạm sạc toàn dân", nhượng quyền trạm sạc trên toàn quốc. Công ty cam kết đồng hành, chia sẻ doanh thu ở mức cố định 750 VNĐ/kWh điện sạc cho các đối tác trong vòng tối thiểu 10 năm.
Ngoài VinFast với V-Green, trạm sạc công cộng tại Việt Nam cũng xuất hiện nhiều cái tên như EV One (24 điểm sạc), EverCharge (19 điểm sạc). Tiếp đến là nhóm cung cấp sạc tại nhà, công ty như EverEV, GreenCharge, Star Charge, Autel.
Mặc dù thị trường trạm sạc xe điện tại Việt Nam hiện còn mới nhưng rõ ràng đây là một thị trường đầy tiềm năng khi các dự báo đều cho thấy xe điện sẽ bùng nổ tại Việt Nam. Hiệp hội Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) dự báo Việt Nam sẽ đạt mốc 1 triệu xe điện vào khoảng năm 2028 và khoảng 3,5 triệu xe điện vào năm 2040.
Có lẽ vậy mà ngoài “tay lớn” VinFast, mới đây, Tổng Công ty Điện lực Dầu khí Việt Nam- PV Power đã ký biên bản thỏa thuận hợp tác với EN Technologies Inc. để nghiên cứu và phát triển hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. đã chính thức triển khai thí điểm trạm sạc xe điện tại Việt Nam.
Theo kế hoạch của PV Power, sau 2 năm thí điểm, doanh nghiệp sẽ đánh giá lại hiệu quả của dự án, sau đó sẽ phát triển đồng bộ trên toàn quốc, dự kiến đến năm 2035 sẽ phát triển thêm 1.000 trạm sạc.