Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Ấn Độ sắp phóng vệ tinh quan sát Mặt Trời

Báo Tin tức 2 Tuần trước
Chú thích ảnh Ấn Độ sẽ phóng 2 vệ tinh quan sát Mặt Trời. Ảnh: NASA

Phát biểu tại Hội nghị Không gian Ấn Độ do Hiệp hội Không gian Ấn Độ tổ chức, Bộ trưởng Jitendra Singh nêu rõ vụ phóng có thể diễn ra vào tuần đầu tiên của tháng 12, khả năng là vào ngày 4/12 tới tại cảng vũ trụ Sriharikota của nước này.

Tên lửa PSLV-XL sẽ đưa các vệ tinh trong sứ mệnh Proba-3 vào quỹ đạo hình elip, với điểm cao nhất lên tới 60.000 km, trước khi hạ xuống chỉ còn 600 km so với Trái Đất. Quỹ đạo đặc biệt này cho phép 2 vệ tinh hoạt động và bay theo đội hình trong không gian trong suốt 6 giờ, nhờ đó giảm tác động của lực hấp dẫn và tiết kiệm nhiên liệu cho việc hiệu chỉnh vị trí.

Sứ mệnh Proba-3 nhằm quan sát liên tục quầng sáng Mặt Trời. Nhờ kỹ thuật này, các nhà khoa học có thể thực hiện quan sát rất gần Mặt Trời và quầng sáng xung quanh. Khi xuất hiện nhật thực, bầu khí quyển ngoài cùng của Mặt Trời xuất hiện dưới dạng một vòng sáng quanh phần bị che khuất. Đây là nơi hình thành các cơn bão Mặt Trời, có thể gây rối loạn lớn đối với cơ sở hạ tầng điện tử trên Trái Đất. Tuy nhiên, hiện tượng nhật thực chỉ kéo dài vài phút, do đó các nhà khoa học không thu được thông tin cần thiết.

Sứ mệnh Proba-3 dự kiến sẽ cho phép nghiên cứu quầng trong 6-7 giờ liên tục. Để làm được điều này, 2 vệ tinh phải duy trì khoảng cách chính xác đến từng milimét. Đây là lần đầu tiên một sứ mệnh của ESA được thực hiện từ Ấn Độ kể từ sứ mệnh Proba-1 vào năm 2001.

Proba-3 là một sứ mệnh quốc tế có sự đóng góp của 14 quốc gia, trong đó Bỉ đóng góp tài chính nhiều nhất. Nhiều công ty, nhà khoa học Bỉ cũng tham gia vào sứ mệnh. Các nhà khoa học hy vọng Proba-3 sẽ thành công và là bước ngoặt quan trọng trong việc khám phá và nâng cao hiểu biết về vũ trụ.

Xem bản gốc