Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Bắc Ninh Gỡ nút thắt nhà ở cho công nhân

Báo xây dựng 2 Tuần trước

(Xây dựng) - Bắc Ninh là một trong những tỉnh có tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nhanh chóng với tỷ lệ đô thị hóa đạt 60,3%, thu hút một lượng lớn lao động từ các tỉnh thành khác đến làm việc và sinh sống, đặc biệt là lao động công nhân ngoài tỉnh. Tuy nhiên, việc phát triển nhà ở dành cho công nhân trên địa bàn vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Do đó, việc gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân để thúc đẩy phát triển là việc làm cấp thiết.

 Gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà về thăm khu nhà ở xã hội dành cho công nhân và chuyên gia Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh, ngày 19/01/2024.

Nỗ lực tháo gỡ cung “nhiều” cầu “ ít”

Bắc Ninh đã và đang triển khai hiệu quả Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.

Tỉnh đã chủ động "trải thảm đỏ" mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách khuyến khích toàn diện, tạo sức hút mạnh mẽ, thu hút sự đồng hành của các nhà đầu tư, doanh nghiệp. Chính sự quyết liệt này đã đưa Bắc Ninh trở thành "hình mẫu" trong cả nước về triển khai thí điểm mô hình nhà ở xã hội, được Thủ tướng Chính phủ tin tưởng lựa chọn là địa phương tiên phong.

Tuy nhiên, trên thực tế khi triển khai, các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc về pháp lý và các luật liên quan khiến các dự án ở đây “ế ẩm”, thiếu “cầu”.

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Tuấn Dũng, mặc dù đã có nhiều nỗ lực trong việc phát triển nhà ở công nhân, Bắc Ninh vẫn đang đối mặt với một số khó khăn. Một số dự án chậm tiến độ do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng… ngoài ra, một số dự án còn gặp khó về thủ tục đầu tư.

Đơn cử có một số dự án được thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13 với mục tiêu: “Xây dựng nhà ở để bố trí cho người lao động, công nhân, người thu nhập thấp làm việc trong khu công nghiệp trên địa bàn huyện Yên Phong và thị xã Thuận Thành”. Sau khi đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định thì gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.

 Gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân
Dự án nhà ở xã hội Lan Hưng (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Lan Hưng làm chủ đầu tư đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận khách hàng.

Còn về việc các dự án bị “ế”, bán chậm là do đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp đăng ký mua/thuê/thuê mua nhà ở tại dự án là rất ít; đa số công nhân ngoài tỉnh với tính chất cư trú không ổn định, thường xuyên di chuyển thay đổi vị trí, việc làm, thu nhập thấp và chưa có thói quen ở nhà chung cư cao tầng. Trong khi đó, nhu cầu về nhà ở của các nhóm đối tượng xã hội khác đủ điều kiện là rất cao, nhưng không được mua/thuê/thuê mua nhà tại các dự án này.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng Bắc Ninh, hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã và đang triển khai 54 dự án nhà ở xã hội, trong đó 21 dự án dành riêng cho công nhân với tổng diện tích đất khoảng 91ha. Trong số đó, 8 dự án đã hoàn thành hoặc đang trong giai đoạn hoàn thiện; 13 dự án khác đang trong quá trình bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tỉnh cũng đang triển khai khu thiết chế của công đoàn tại Khu công nghiệp Yên Phong với quy mô 4,28ha, dự kiến cung cấp 900 căn hộ. Theo khảo sát, tỷ lệ lấp đầy của các dự án nhà ở xã hội còn thấp. Trong tổng số 3.500 căn hộ đã hoàn thành, mới chỉ có khoảng 2.000 căn được bán và cho thuê.

Chính sách thiết thực, nhưng còn “rào cản”

Trao đổi về những khó khăn, vướng mắc khi triển khai dự án nhà ở công nhân tại Bắc Ninh, đại diện Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng Viglacera, trụ sở ở Yên Phong, Bắc Ninh (Viglacera Yên Phong) chia sẻ, trong quá trình triển khai Dự án nhà ở xã hội Viglacera Yên Phong, công ty nhận được sự hỗ trợ vào tạo điều kiện tối đa từ các Sở, ban, ngành của tỉnh Bắc Ninh. Trong đó, Sở Xây dựng Bắc Ninh đã luôn đồng hành và phối hợp hỗ trợ và chỉ đạo sát sao.

 Gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân
Dự án nhà ở xã hội “Grand Home Yên Phong” do Công ty Cổ phần Đầu tư Grand Home hiện đang gặp khó, khi chỉ bó hẹp trong 01 đối tượng được phép mua/thuê mua.

Đặc biệt, Luật Nhà ở 2023 mới có hiệu lực kể từ ngày 01/8/2024 và các Nghị định, Thông tư hướng dẫn cũng đang tháo gỡ được nhiều vướng mắc cho các đối tượng có nhu cầu nhà ở, nhất là về hồ sơ của các đối tượng có nhu cầu mua nhà. Nhưng tại dự án nhà ở xã hội Viglacera Yên Phong “cung” vẫn đang nhiều hơn “cầu” bởi đối tượng được thuê/mua nhà tại dự án này đang chỉ giới hạn là người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Yên Phong và các khu công nghiệp lân cận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh; bị hạn chế về độ tuổi; thu nhập chưa ổn định; đồng thời phải có thời gian gắn bó với doanh nghiệp.

Những khó khăn tại dự án của Tổng Công ty Viglacera – CTCP ở Yên Phong không phải là ngoại lệ. Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh vẫn còn nhiều dự án đã hoàn thành và đang trong quá trình thực hiện cũng gặp khó khăn tương tự như dự án nhà ở xã hội Grand Home Yên Phong do Công ty Cổ phần Đầu tư Grand Home (Công ty thành viên của Tập đoàn Văn Phú Invest) làm chủ đầu tư.

Bà Hoàng Thị Khuyên, đại diện chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Grand Home Yên Phong cho biết: “Nhu cầu mua nhà ở xã hội là có. Tuy nhiên công tác bán hàng tại dự án vẫn rất chậm do tính chất dự án chỉ bán cho 01 đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp. Chúng tôi mong muốn sớm được tháo gỡ “rào cản” này và sớm được điều chỉnh mục tiêu dự án được phép bán cho tất cả các đối tượng mua nhà ở xã hội theo quy định tại Điều 76 Luật Nhà ở vừa có hiệu lực từ ngày 01/8/2024 vừa qua”.

Bên cạnh đó, một số công nhân có nhu cầu mua thực sự và hồ sơ đủ điều kiện, khi đến bước xác nhận mức thu nhập lại gặp khó khăn do yêu cầu phải photo đủ 12 tháng lương. Đối với những công nhân thường xuyên thay đổi chỗ làm, việc xin xác nhận đủ 12 tháng lương cũng là trở ngại đối với họ.

Cũng gặp khó như dự án nhà ở xã hội Grand Home Yên Phong, dự án nhà ở xã hội Lan Hưng (thị xã Thuận Thành, Bắc Ninh) do Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng làm chủ đầu tư cũng đang “chật vật” tìm người mua. Dù có mức giá hấp dẫn, nhưng đến nay dự án mới chỉ bán được rất ít căn hộ. Đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Bất động sản Lan Hưng cho biết, nguyên nhân chính là do dự án chỉ được bán cho đối tượng là công nhân tại thị xã Thuận Thành, dẫn đến việc hạn chế lượng khách hàng tiềm năng.

Từ góc nhìn pháp lý, đề xuất giải pháp gỡ khó

Để tháo gỡ nút thắt cho bài toán “ế ẩm” các căn hộ chung cư ở dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân, đại diện Viglacera Yên Phong chia sẻ, đối với các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân các khu công nghiệp, cần dành một phần diện tích sàn nhà ở xã hội để bán cho các đối tượng chính sách xã hội, người có công tại địa phương, các hộ nghèo bị thu hồi đất để xây dựng dự án… nên nới lỏng đối tượng thay vì chỉ giới hạn là người lao động làm việc trong Khu công nghiệp Yên Phong và các khu công nghiệp lân cận trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh.

 Gỡ “nút thắt” nhà ở cho công nhân
Tòa nhà V8 - Dự án Nhà ở xã hội Viglacera Yên Phong vẫn còn nhiều nhà trống chờ khách mua.

Đồng thời cho rằng, việc mở rộng cho các đối tượng được quy định tại Điều 76 Luật Nhà ở 2023 là phù hợp với chính sách an sinh xã hội tại địa phương, góp phần tạo sự gắn kết hài hòa giữa việc phát triển đô thị công nghiệp đi đôi với việc cung cấp các dịch vụ tiện ích hoàn chỉnh, từ đó góp phần nâng cao đời sống cho các hộ gia đình công nhân trong khu công nghiệp; đồng thời cũng gia tăng thêm sức hút cho Bắc Ninh khi kêu gọi đầu tư vào tỉnh.

Nhìn nhận về những khó khăn còn hiện hữu trong phát triển nhà ở công nhân, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh Nguyễn Tuấn Dũng cho biết, trên địa bàn tỉnh có một số dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân được lựa chọn theo quy định của pháp luật về đầu tư (đơn cử Công ty Cổ phần Đầu tư Grand Home); được giao làm chủ đầu tư theo điểm d khoản 2 Điều 57 Luật Nhà ở 2014 (đơn cử Tổng Công ty Viglacera – CTCP). Hiện nay số lượng công nhân đăng ký mua, thuê nhà ở tại các dự án này rất ít.

Để tháo gỡ và có giải pháp phù hợp đối với nhà ở dành cho công nhân, Sở Xây dựng gửi đề nghị tới Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét hướng dẫn cụ thể việc cho phép các dự án gặp vướng về đối tượng mua được phép bổ sung bán cho các nhóm đối tượng được quy định tại Điều 76 Luật Nhà ở 2023, quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; đề nghị cho phép đối tượng quy định tại khoản 12 Điều 76 của Luật Nhà ở (là các doanh nghiệp) được thuê nhà ở xã hội tại các khu vực lân cận khu công nghiệp cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã, Liên hiệp hợp tác xã ở hoặc thuê lại (có hỗ trợ tiền thuê từ doanh nghiệp) theo quy định.

Đánh giá từ góc nhìn pháp lý, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Bắc Ninh thông tin, tại Điều 94 về quy hoạch, bố trí quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp của Luật Nhà ở 2023 mới có hiệu lực từ ngày 01/8/2024, quy định quỹ đất phát triển nhà lưu trú công nhân chỉ được bố trí trong diện tích đất dịch vụ, thương mại của khu công nghiệp. Theo quy định này, quỹ đất hạ tầng xã hội dành cho công nhân vốn đã “ít ỏi” sẽ càng bị thu hẹp; đồng thời sẽ gia tăng thêm áp lực lớn về hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp.

Vì vậy, đề xuất các Bộ, ngành liên quan xem xét bổ sung quy định cho phép quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân được bố trí cả ở những khu vực lân cận khu công nghiệp; nhằm phục vụ rộng rãi cho các đối tượng là công nhân làm việc tại các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp vừa và nhỏ, các cơ sở sản xuất công nghiệp, thủ công nghiệp (kể cả các cơ sở khai thác, chế biến) của tất cả các ngành, nghề thuộc các thành phần kinh tế.

Kiến nghị đối với Bộ Xây dựng, nghiên cứu, bổ sung, đề xuất các cơ chế ưu đãi đặc biệt hơn nữa đối với dự án nhà ở xã hội (như không phải ký quỹ theo Luật Đầu tư đối với loại hình nhà ở xã hội chỉ cho thuê hoặc dành riêng cho công nhân). Đồng thời, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định, hướng dẫn về quản lý, phát triển nhà ở công nhân, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại các dự án nhà ở xã hội dành cho công nhân trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh và thực hiện triển khai hiệu quả Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 01 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", việc nhận diện và tháo gỡ “nút thắt” về pháp lý là vô cùng quan trọng. Để giấc mơ "an cư" và nhu cầu an cư lạc nghiệp của người lao động được hiện thực hóa, rất cần sự chung tay góp sức của các cấp, các ngành và đặc biệt là các nhà làm luật. Bởi chỉ khi những “nút thắt” về pháp lý được “gỡ”, chính sách được điều chỉnh phù hợp với thực tiễn, thì mục tiêu của Đề án mới thực sự đi vào cuộc sống, mang lại mái ấm cho người lao động.

Xem bản gốc