BAF lập kỷ lục lợi nhuận
Tổng đàn tăng mạnh, đạt gần 800,000 con đã giúp sản lượng và doanh thu bán heo 2024 của CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam (HOSE: BAF) vọt lên gấp đôi năm trước. Khoản lợi nhuận mang về cũng ở mức kỷ lục kể từ khi niêm yết.
Các chỉ tiêu kinh doanh của BAF trong quý 4 và cả năm 2024
Cụ thể, trong quý 4, BAF đạt doanh thu hơn 1.6 ngàn tỷ đồng, đi ngang so với cùng kỳ, nhưng giá vốn lại đi lùi tới 12%. Nhờ vậy, lãi gộp đạt 230 tỷ đồng, gấp 5.5 lần cùng kỳ.
Trong đó, sản lượng bán heo đạt hơn 140 ngàn con, với heo thịt chiếm đa số nhờ phát triển mạnh quy mô tổng đàn, giúp doanh thu mảng này tăng trưởng 185%, đạt gần 958 tỷ đồng. Biên lãi gộp cải thiện mạnh từ 2.5% lên 14%, riêng mảng chăn nuôi là 22%.
Nhờ lợi nhuận gộp tăng mạnh, các chỉ tiêu khác biến động không gây ảnh hưởng đáng kể. Sau cùng, Doanh nghiệp lãi ròng 108 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 31 tỷ đồng). Doanh nghiệp cho biết, nhờ chủ động được nguồn thức ăn chăn nuôi từ 2 nhà máy cám “chay”, đồng thời giá nguyên liệu thức ăn chăn nuôi giảm 10-20% góp phần giảm giá vốn cho Công ty, qua đó mang lại lợi nhuận tốt trong kỳ.
Nguồn: BAF
Luỹ kế cả năm, BAF đạt hơn 5.5 ngàn tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 7%; lãi ròng 323 tỷ đồng, gấp 12 lần năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục của Doanh nghiệp kể từ khi niêm yết. So với kế hoạch từ ĐHĐCĐ 2024, Doanh nghiệp vượt cả hai chỉ tiêu doanh thu và lãi sau thuế của cả năm.
Cơ cấu doanh thu cả năm ghi nhận sự dịch chuyển, khi doanh thu chăn nuôi chiếm tỷ trọng 58%, tăng mạnh so với mức 23% tại năm trước. Chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận mức tăng 30%, do khi BAF đưa vào vận hành thêm 6 trang trại trong năm qua. Bên cạnh đó, chênh lệch lợi nhuận lớn một phần còn đến từ việc BAF bán lô đất tại Mai Chí Thọ (TP.HCM) trong quý 1/2024.
Nguồn: VietstockFinance
Nguồn: BAF
Thời điểm cuối năm 2024, tổng tài sản Công ty đạt gần 7.5 ngàn tỷ đồng, tăng 7% so với đầu kỳ. Tài sản ngắn hạn giảm nhẹ, còn hơn 3.1 ngàn tỷ đồng. Lượng tiền mặt và tiền gửi nắm giữ đạt gần 429 tỷ đồng, tăng nhẹ. Phải thu ngắn hạn đạt 194 tỷ đồng, giảm 78%, do chủ trương giảm hoạt động kinh doanh nông sản. Hàng tồn kho ghi nhận gần 2.2 ngàn tỷ đồng, tăng 35%, bao gồm heo các loại sẽ tung ra thị trường trong giai đoạn trước và sau Tết.
Tài sản dài hạn dở dang đạt 931 tỷ đồng, tăng 21%, gồm các trang trại dự kiến đưa vào vận hành trong giai đoạn đầu năm 2025.
Phía nguồn vốn, nợ ngắn hạn ghi nhận gần 2.8 ngàn tỷ đồng, giảm 7.5%. Chỉ số tài chính cho thấy tình trạng tương đối ổn định, tỷ số thanh toán hiện hành đạt 1.3 lần. Dù chỉ số thanh toán nhanh (trừ đi hàng tồn kho) chỉ 0.4 lần, nhưng với dự báo nhu cầu tiêu thụ heo tiếp tục gia tăng, rủi ro về thanh toán nợ của BAF không quá lớn.
Quy mô chăn nuôi liên tục mở rộng
Tháng 9/2024, BAF đã ký kết hợp tác chiến lược với Muyuan Foods, nhằm nhận chuyển giao công nghệ và thiết bị chăn nuôi thông minh, tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) vào quy trình vận hành chuỗi chăn nuôi. Đây là đối tác chiến lược đầu tiên của Muyuan bên ngoài Trung Quốc.
Doanh nghiệp cho biết, việc hợp tác có thể giúp tối ưu hóa chi phí, nâng cao năng suất, đồng thời đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn sinh học. Theo Chủ tịch Trương Sỹ Bá, BAF có thể đạt sản lượng heo bán ra năm 2025 hơn 1 triệu con, và đặt mục tiêu 10 triệu con vào năm 2030.
Sau khi ký kết, BAF đã tiến hành M&A 13 công ty chăn nuôi trong vòng 2 tháng (kể từ tháng 12/2024). Chia sẻ từ Doanh nghiệp, các đơn vị trên sở hữu quỹ đất, chuồng trại, đang tiến hành hoàn tất các thủ tục pháp lý trước khi tiến hành xây dựng, và việc M&A nằm trong chiến lược trở thành công ty chăn nuôi hàng đầu. Dự kiến, các trang trại được M&A sẽ đi vào vận hành trong giai đoạn 2025-2026, công suất gần 63,000 nái và 500,000 heo thịt.
Châu An
FILI
- 10:10 02/02/2025