LTS: Với vẻ đẹp tự nhiên đa dạng cùng hệ sinh thái phong phú, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường. Việc áp dụng các chiến lược phát triển bền vững và khuyến khích đổi mới sáng tạo, du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đang từng bước chuyển đổi mạnh mẽ để đạt được mục tiêu net zero.
(Xây dựng) - Với sự nỗ lực bền bỉ của những người yêu thiên nhiên, từ chỗ đồi hoang, Suối Rao Ecolodge đã ghi danh mình lên bản đồ là một trong những điểm đến du lịch net zero đầu tiên của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Suối Rao Ecolodge vừa được trao chứng nhận “Điểm đến trung hòa carbon” (net zero). (Ảnh: M.Thìn) |
Từ lăn lộn “trồng cây gây rừng”…
16 năm trước, Suối Rao Ecolodge - nơi vừa được trao chứng nhận “Điểm đến trung hòa carbon” (net zero) của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu là một ngọn đồi hoang sơ chủ yếu trồng những loại cây ngắn ngày. Nhưng dưới bàn tay, khối óc của những người yêu thiên nhiên, nơi đây đã thành một khu rừng có tính đa dạng sinh học cao. Rộng chỉ 5ha, nhưng trên 95% diện tích của Suối Rao Ecolodge (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) được bao phủ bởi cây xanh – một con số ấn tượng khi biết rằng khu rừng trên được khởi tạo bởi con người.
Trên 95% diện tích của Suối Rao Ecolodge (xã Suối Rao, huyện Châu Đức) được bao phủ bởi cây xanh. |
Bà Lê Thị Nga, người sáng lập Suối Rao Ecolodge cho biết, ước tính đã có khoảng 1 triệu cây xanh được trồng tại đây, trong đó hơn 700 loài thực vật đã được định danh. Đặc biệt, một số giống cây bản địa của Bà Rịa-Vũng Tàu như: Giáng hương huyết, gõ đỏ, gõ mật, cẩm lai, thàn mát cánh, chiêu liêu, sưa đỏ, sến mù, lát hoa… được trồng và phát triển tốt ở Suối Rao Ecolodge, góp phần vào việc bảo tồn nguồn gen các cây bản địa.
Bà Lê Thị Nga, một người yêu thiên nhiên, đã gây dựng nên khu rừng có tính đa dạng sinh học cao tại Suối Rao Ecolodge. (Ảnh: M.Thìn) |
Ngoài cây rừng, nhiều loại dược liệu cũng được đưa về trồng tại đây và sinh trưởng tốt như: Sâm đất, dổi ăn lá, mật nhân, trầu không, đinh lăng…Một số cây đặc thù xứ lạnh như: Sử quân tử, anh đào… cũng được trồng thành công, phát triển tốt.
Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Nga chia sẻ, bản thân làm trong ngành kiến trúc cảnh quan nên luôn ấp ủ ý tưởng xây dựng một ngôi làng sinh thái gắn với phát triển và bảo tồn rừng. Đây cũng chính là khởi thủy của việc ra đời Suối Rao Ecolodge thời điểm 16 năm về trước.
“Khi mới đến đây, sở hữu mảnh đất này nó còn rất hoang sơ. Điều chúng tôi nhận thấy đó là nơi này có điều kiện thiên nhiên rất tốt về thổ nhưỡng, nằm ven cánh rừng (rừng phòng hộ Xuân Sơn). Không nghĩ nhiều, chúng tôi bắt tay vào trồng cây”, bà Lê Thị Nga nói và cho biết để có rừng như hôm nay, những ngày đầu, bà cùng các cộng sự đi khắp Bà Rịa-Vũng Tàu tìm cây và đã mang được 20 giống bản địa về trồng với mục tiêu ban đầu là bảo tồn gen. “Tại Suối Rao Ecolodge, mọi người nắm vanh vách từng loại cây được trồng ở đây, trồng khi nào”, bà Lê Thị Nga khẳng định.
Trồng cây bản địa là cách để bảo tồn gen, hướng đến đa dạng sinh học tại Suối Rao Ecolodge. (Ảnh: M.Thìn) |
Xuyên suốt 16 năm ròng, Suối Rao Ecolodge đã trồng thêm nhiều giống cây mới ngoài cây bản địa. Dù vất vả lăn lộn với việc “trồng cây gây rừng” cộng với việc tiêu tốn tài chính lớn, nhưng những người ở Suối Rao Ecolodge chưa bao giờ có ý định từ bỏ. “Thành quả của những con người yêu thiên nhiên đã được đền đáp, cây cỏ phát triển tươi tốt, chim muông, thú rừng tự nhiên cũng kéo về đây sinh sản ngày một nhiều hơn đã biến nơi này trở thành một khu rừng với tính đa dạng sinh học cao”, bà Lê Thị Nga phấn khởi.
Đến làm du lịch net zero
Có đủ điều kiện để làm du lịch quy mô hoành tráng, tạo ra giá trị thương mại lớn, nhưng Suối Rao Ecolodge không chọn cách làm đó. Dù không phải là khu vực rừng nguyên sinh, nhưng số lượng cây rừng tại Suối Rao Ecolodge ngày một nhiều hơn, đa dạng về chủng loại. Để duy trì ý nghĩa của thông điệp “trồng cây gây rừng”, Suối Rao Ecolodge mở cửa đón khách trải nghiệm với số lượng giới hạn và chỉ thực hiện vào những ngày cuối tuần. Khi đến đây, mỗi người sẽ góp sức của mình bằng việc trồng 1 loại cây nhằm tăng quy mô chủng loại, tạo nền tảng cho đa dạng sinh học.
Cây rừng được trồng theo từng lớp lang, khoa học tại Suối Rao Ecolodge. (Ảnh: M.Thìn) |
“Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang ngày càng trở thành một vấn đề nghiêm trọng toàn cầu, lĩnh vực du lịch cũng không nằm ngoài ảnh hưởng của xu hướng này. Để đối phó với những thách thức môi trường, phát triển du lịch net zero đang dần trở thành một mục tiêu quan trọng nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực của ngành công nghiệp không khói lên hành tinh”, bà Lê Thị Nga nói và nhấn mạnh, Suối Rao Ecolodge đã và đang cố gắng nỗ lực để duy trì và phát triển mục tiêu đang có.
Mỗi vị khách khi đến trải nghiệm sẽ phải trồng một cây rừng. |
Theo bà Lê Thị Nga, du lịch net zero là việc giảm thiểu và bù đắp lượng khí thải carbon phát sinh từ các hoạt động du lịch như: Lưu trú, ăn uống và các dịch vụ khác. Mục tiêu cuối cùng là đạt được trạng thái cân bằng, nơi mà lượng khí thải carbon được thải ra sẽ được bù đắp bằng các biện pháp khác như trồng cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo hay cải thiện công nghệ xanh.
Người sáng lập Suối Rao Ecolodge khẳng định, làm du lịch net zero cũng là cách tôn trọng thiên nhiên. “Tôi lấy ví dụ, khách đến đây trải nghiệm chỉ cần hát karaoke ồn ào chắc chắn sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến thiên nhiên, ảnh hưởng đến quá trình bảo tồn tính đa dang sinh học. Chim muông thú rừng rất “dị ứng” tiếng ồn. Vì vậy, chúng tôi xác định hạn chế số ngày kinh doanh, mình phải tôn trọng thiên nhiên, không tạo tiếng ồn. Nhiều người nói mình làm màu nhưng để giữ được môi trường như thế này thì phải đòi hỏi sự hy sinh”, bà Lê Thị Nga chia sẻ.
Phần lớn cây rừng ở Suối Rao Ecolodge đều được gắn mã QR. (Ảnh: M.Thìn) |
Ở Suối Rao Ecolodge, hàng trăm loài thực vật được gắn mã QR. Đây là một cách làm mang tính giáo dục cao khi toàn bộ thông số của loại thực vật đều được hiển thị từ tên, tuổi cây, và đặc biệt là chỉ số lưu trữ carbon.
Chị Ngô Thị Thanh Thủy, du khách đến từ thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá rất cao cách làm du lịch sinh thái ở Suối Rao Ecolodge. “Tôi khá ấn tượng vì không nghĩ đây là một khu rừng do con người tạo nên. Ở đây không khí trong lành, cây rừng xanh mát, tất cả mọi hoạt động đều gắn với thiên nhiên. Gần như những tác động cơ học, sử dụng năng lượng ở đây rất ít. Việc mỗi người đến đây trồng một cây rừng, cũng như gắn mã QR trên thân cây là một cách giáo dục, gửi gắm thông điệp yêu thiên nhiên khá hữu ích”, chị Ngô Thị Thanh Thủy nói.
Sau khi quét mã QR, toàn bộ thông số của loại thực vật đều được hiển thị từ tên, tuổi cây, và đặc biệt là chỉ số lưu trữ carbon. (Ảnh: M.Thìn) |
Với những nỗ lực bền bỉ, mới đây, Suối Rao Ecolodge đã được Viện nghiên cứu Ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu) trao chứng nhận “Điểm đến trung hòa carbon” (net zero).
Theo đó, công bố của 3AI sau khi nghiên cứu, đo đạc, tính toán lượng CO2 phát thải, theo dõi diễn biến động lượng carbon theo thời gian, tổng lượng CO2 lưu trữ trong cây và đất tại Suối Rao Ecolodge trong 6 năm qua là 1.558,86 tấn (tương đương 260 tấn CO2/năm), trong khi lượng phát thải CO2 đo được là 19 tấn/năm. Các hoạt động tại Suối Rao Ecolodge tiêu thụ hết khoảng 7% carbon lưu trữ mỗi năm.
Các hoạt động tại Suối Rao Ecolodge tiêu thụ hết khoảng 7% carbon lưu trữ mỗi năm – một con số khá ấn tượng. |
Ở khía cạnh địa phương, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản vui mừng vì huyện có một khu vực được trao chứng nhận “Điểm đến trung hòa carbon”. “Du lịch xanh, bền vững là mục tiêu chung của tỉnh, địa phương chúng tôi cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình khai thác bền vững giá trị tài nguyên bản địa”, ông Nguyễn Tấn Bản nói.
Những tên đường được gắn biển với tên gọi của các loài cây bản địa ở Suối Rao Ecolodge. (Ảnh: M.Thìn)
Còn theo ông Trịnh Hàng, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc có một điểm đến du lịch net zero được công nhận là niềm vui với địa phương nói chung, ngành du lịch của tỉnh nói riêng. Đây sẽ là cơ sở quan trọng để những mô hình du lịch sinh thái tương tự có thể học hỏi và phát triển. Từ một đồi hoang để trở thành một cánh rừng, một điểm đến net zero là cả một quá trình xứng đáng được ghi nhận.
“Suối Rao Ecolodge đã xây dựng được một bộ tiêu chí về du lịch xanh và có thể xem là một mô hình mẫu tiến tới nhân rộng ra toàn tỉnh”, ông Trịnh Hàng cho hay. Từ thành quả của Suối Rao Ecolodge, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định việc phát triển du lịch net zero là xu thế chung hiện nay. Ông Trịnh Hàng cho biết, để bảo vệ môi trường và mang lại lợi ích cho cả du khách lẫn cộng đồng địa phương, ngành Du lịch đã chủ động khuyến khích các nhà đầu tư du lịch chuyển hướng sang các mô hình bền vững, thân thiện với môi trường. “Khi đó, chúng ta mới có thể đảm bảo rằng du lịch địa phương sẽ tiếp tục phát triển bền vững trong tương lai”, ông Trịnh Hàng nói.
Bài dự thi viết về Công trình xanh Việt Nam năm 2024 do Báo Xây dựng phát động. Ban tổ chức cuộc thi không trả nhuận bút các bài dự thi. Tác giả chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính xác thực và bản quyền bài viết.