Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Bài 2 Quy hoạch tổng thể để phát triển bền vững

Báo xây dựng 1 Tháng trước

(Xây dựng) – Để phát triển căn cơ ngành “công nghiệp không khói”, địa phương quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, quy hoạch chung Khu sinh thái đầm Thị Tường.

 Quy hoạch tổng thể để phát triển bền vững
Du khách tìm đến Mũi Cà Mau ấn tượng với những điểm nhấn tại Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau.

Hiện Cà Mau định hướng phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2025 và những năm tiếp theo, trong đó chú trọng phát triển sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch xanh gắn với phát triển các loại hình du lịch khác như: Du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, mua sắm, nghỉ dưỡng... Cùng với đó, tỉnh đầu tư các tour, tuyến du lịch kết nối giữa Mũi Cà Mau - Sông Đốc - Hòn Đá Bạc và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang); phát triển các tuyến du lịch kết nối nội vùng, liên vùng, quốc gia, quốc tế và tuyến du lịch hành lang ven biển phía Nam (Thái Lan - Campuchia, Rạch Giá - Cà Mau); xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau gắn với vị trí địa lý là điểm cực Nam của Tổ quốc cùng với các hoạt động mang đậm nét văn hóa địa phương. Tuy nhiên, phải tạo điểm nhấn để du khách phải tìm đến.

Quy hoạch Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau

Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau có diện tích khoảng 20.100ha. Trong đó, khu vực tập trung phát triển khoảng 2.100ha, đây là khu vực vùng lõi, tập trung phát triển, trung tâm hạt nhân của Khu du lịch quốc gia với các công trình du lịch, trung tâm dịch vụ, vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng sinh thái rừng ngập mặn. Các khu chức năng chính, gồm: Khu công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau, Khu du lịch sinh thái rừng biển, Khu du lịch cộng đồng sinh thái làng rừng, Khu du lịch sinh thái làng nghề sản xuất và Khu du lịch tổng hợp Khai Long.

 Quy hoạch tổng thể để phát triển bền vững
Khách tham quan mẫu nhà làng rừng Đất Mũi.

Điểm nhấn trong không gian Công viên văn hóa du lịch Mũi Cà Mau có mốc tọa độ quốc gia GPS 0001; cột mốc đường Hồ Chí Minh - điểm cuối Cà Mau, km 2436; bờ kè chắn sóng; biểu tượng con tàu của đất nước luôn hướng ra biển khơi. Đặc biệt, cột cờ Hà Nội tọa lạc tại Mũi Cà Mau là biểu tượng của niềm tự hào thống nhất non sông trên dải đất hình chữ “S” hướng ra biển Đông thiêng liêng của Tổ quốc; Đền thờ Lạc Long Quân và tượng Mẹ được xem là cụm công trình thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một trong những biểu tượng du lịch đầy ý nghĩa của Đất Mũi Cà Mau...

Tỉnh ủy Cà Mau tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương đẩy nhanh tiến độ lập, triển khai Quy hoạch tỉnh Cà Mau thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nhằm làm cơ sở triển khai quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau, quy hoạch phân khu, chi tiết các khu chức năng trong Khu du lịch quốc gia, đảm bảo đến năm 2030 đủ điều kiện công nhận Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau.

HĐND tỉnh Cà Mau đã ban hành Nghị quyết thông qua nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau. Theo đó, tỉnh tập trung thực hiện nhiệm vụ xây dựng đồ án, sự cần thiết lập quy hoạch; phạm vi, ranh giới, quy mô, tính chất, quan điểm, mục tiêu và các vấn đề chính cần giải quyết trong quy hoạch; các chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật áp dụng; các yêu cầu về điều tra khảo sát hiện trạng thu thập tài liệu, nội dung chính của quy hoạch, hồ sơ sản phẩm; tổ chức thực hiện và nguồn kinh phí thực hiện lập quy hoạch. UBND tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ, trình Bộ Xây dựng thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hồ sơ nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng Khu du lịch quốc gia Mũi Cà Mau đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo đúng quy định và chỉ đạo thực hiện đảm bảo chất lượng các công việc tiếp theo.

Khu du lịch sinh thái đầm Thị Tường sẽ thu hút du khách

Cách thành phố Cà Mau khoảng 40km, cách Quốc lộ 1 khoảng 7km, đầm Thị Tường trải dài qua địa phận của 3 huyện: Phú Tân, Cái Nước và Trần Văn Thời. Trong đó, diện tích lớn nhất thuộc huyện Phú Tân, Đầm Thị Tường (hay đầm Bà Tường), được mệnh danh là “biển hồ giữa đồng bằng”.

 Quy hoạch tổng thể để phát triển bền vững
Khu căn cứ Tỉnh ủy tại Xẻo Đước ven đầm Thị Tường.

Theo những người lớn tuổi trong vùng, cái tên đầm Thị Tường hay còn được gọi là đầm Bà Tường có nhiều giai thoại. Tích xưa kể rằng, từ thời khai hoang lập ấp, chúa Hổ rất thích công chúa - con gái của vua Thủy Tề. Thế nhưng, khi mang sính lễ đến cầu hôn lại bị vua Thủy tề từ chối. Vì vậy, chúa Hổ rất giận dữ, phái bầy chim trời dùng đá lấp biển, khiến cho người dân gặp bao điều khó khăn. Trước tình cảnh đó, bà Tô Quý Thị, thường gọi là Thị Tường đã dũng cảm, xua đuổi bầy chim không đến quấy nhiễu cuộc sống người dân, khiến chúng sợ mà không dám quay lại nữa. Những khoảng trống do Bà Tường canh giữ vẫn còn nguyên vẹn không bị đá che lấp, để cá tôm sinh sản nuôi sống con người. Cảm động trước công đức của Bà, người dân đã lấy tên Bà đặt cho đầm, tức là Đầm Thị Tường ngày nay.

Đầm Thị Tường là một trong những điểm đến của khách thập phương. Thế nhưng, để thu hút du khách, UBND tỉnh Cà Mau đã có quyết định phê duyệt điều chỉnh nhiệm vụ và dự toán quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái đầm Thị Tường, tỷ lệ 1/10.000. Việc lập đồ án quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái đầm Thị Tường nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh; định hướng phát triển dân cư quanh đầm; phục hồi và bảo tồn các phân khu chức năng thuộc đầm Thị Tường; đảm bảo thuận lợi cho việc quản lý quỹ đất xung quanh đầm Thị Tường; đề ra giải pháp quy hoạch xây dựng làm cơ sở phát triển đầm Thị Tường theo tiềm năng kinh tế, xã hội và du lịch; là cơ sở pháp lý mời gọi đầu tư và thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng, dự án đầu tư xây dựng theo quy định của Nhà nước.

Mục tiêu đồ án quy hoạch là khai thác tiềm năng du lịch đặc thù miền sông nước của đầm Thị Tường, giải pháp phục hồi và phát triển nguồn lợi thủy sản tự nhiên, cân bằng sinh thái và bảo tồn tính đa dạng sinh học. Phát huy giá trị di tích lịch sử Khu căn cứ Tỉnh ủy tại ấp Xẻo Đước gắn với phát triển du lịch. Định hướng phát triển không gian kiến trúc, cảnh quan của khu vực như: Trung tâm hành chính - dịch vụ, dân cư hiện trạng sống ven theo đầm Thị Tường, công trình thương mại - dịch vụ phục vụ du lịch sinh thái… Định hướng phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực đầm Thị Tường có liên quan đến phát triển của các huyện.

 Quy hoạch tổng thể để phát triển bền vững
Khách xuyên rừng đước bằng cano.

Phạm vi nghiên cứu đồ án quy hoạch chung Khu du lịch sinh thái đầm Thị Tường nằm trên địa bàn 03 huyện: Phú Tân, Cái Nước, Trần Văn Thời. Diện tích dự kiến khu vực lập quy hoạch chung là 1.985ha. Trong đó, diện tích khu vực nghiên cứu quy hoạch 1.322ha; diện tích mặt nước đầm Thị Tường khoảng 663ha. Ranh giới và diện tích quy hoạch sẽ được nghiên cứu và thể hiện rõ trong quá trình lập đồ án quy hoạch chung. Tính chất là khu du lịch sinh thái và các dịch vụ du lịch thuộc đầm Thị Tường trong chuỗi công trình phục vụ du lịch của tuyến du lịch Cà Mau - Sông Đốc - đầm Thị Tường và Mũi Cà Mau.

Dự báo quy mô dân số: Hiện trạng ước tính khoảng 3.500 người sinh sống dọc theo tuyến đường giao thông bao quanh của đầm Thị Tường. Dự báo dân số năm 2030: Khoảng 17.000 người. Định hướng phấn đấu đến năm 2030, dự báo đầm Thị Tường sẽ đón khoảng 0,5 triệu lượt khách/năm (chiếm khoảng 10% lượt khách du lịch của tỉnh). Định hướng đến năm 2040, sau khi đầu tư cơ bản hoàn thiện Khu du lịch thì đầm Thị Tường sẽ có lượng khách du lịch tăng đột biến, phấn đấu đón khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt khách/năm.

Bài cuối: Xây dựng thương hiệu du lịch Cà Mau

Xem bản gốc