Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Bài toán chuyển đổi kép không dễ dàng với ngành dệt may

Vneconomy 4 Tuần trước

Tại Lễ kỷ niệm 25 năm thành lập Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) và Tổng kết năm 2024, ông Phạm Nguyên Hùng, Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương, đánh giá cao sự phát triển bền vững của ngành dệt may trong nhiều năm qua.

CHUYỂN ĐỔI XANH LÀ TẤT YẾU

Từ năm 1999 (năm thành lập Vitas) đến 2024, kim ngạch xuất khẩu tăng trên 25 lần, từ 1,75 tỷ USD lên 44 tỷ USD. Kim ngạch nhập khẩu tăng 16 lần, từ 1,57 tỷ USD lên 25 tỷ USD.

Đặc biệt, ngành dệt may xuất siêu tăng 108 lần, từ 175 triệu USD năm 1999 lên 19 tỷ USD ước năm 2024. Sản lượng kéo sợi tăng hơn 15 lần, sản lượng vải tăng 8 lần, sản lượng may mặc tăng trên 100 lần.

Bên cạnh đó, với sự tham gia tích cực của Vitas trong triển khai thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", doanh thu nội địa của ngành đã tăng gần 17 lần từ 300 triệu USD năm 1999 lên gần 5 tỷ USD năm 2024.

Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, cho biết thực hiện Chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn. Hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cụ thể, trong thời gian tới, Vitas đặt mục tiêu tăng tỷ trọng đơn hàng FOB và giảm dần tỷ lệ gia công. Hiệp hội cũng tập trung phát triển công nghiệp thời trang, đào tạo đội ngũ thiết kế chuyên nghiệp và mở rộng thương hiệu Việt ra thị trường thế giới.

“Với định hướng này, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu hàng năm trên 11%. Theo Quyết định 1643/QĐ-TTg, ngành dệt may đặt mục tiêu tăng trưởng bình quân 6,8 - 7,2%/năm và đến năm 2030 phấn đấu kim ngạch xuất khẩu đạt 68 - 70 tỷ USD", ông Giang nhấn mạnh.

Cho rằng phát triển bền vững là hướng đi sáng suốt của ngành dệt may, ông Đặng Vũ Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Dệt May Việt Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc PPJ Group, nhận định ngành dệt may đóng vai trò then chốt trong nỗ lực giải quyết ba cuộc khủng hoảng toàn cầu về biến đổi khí hậu, mất đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Mỗi năm, ngành dệt may ước tính phải chịu trách nhiệm cho khoảng 8% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu do việc tiêu thụ quá mức các nguồn năng lượng và tài nguyên thiên nhiên. Sử dụng 93 tỉ mét khối nước và là tác nhân của 500 nghìn tấn sợi siêu nhỏ thải vào đại dương, 92 triệu tấn rác thải ra môi trường (số liệu từ UNEP, Ellen McAuthur, Quantis và Sprout Social).

Để giảm bớt tác động tới môi trường và thực hành kinh doanh có trách nhiệm, đáp ứng với những quy định ngày càng nghiêm ngặt hơn từ các thị trường quốc tế, ông Hùng cho rằng chuyển đổi số và chuyển đổi xanh là con đường tất yếu.

CHI PHÍ LÀ THÁCH THỨC LỚN NHẤT

Chuyển đổi xanh sẽ thay đổi tư duy doanh nghiệp, tạo ra động lực để thúc đẩy doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số nhanh chóng hơn. Ngược lại, chuyển đổi số cũng tạo ra các công cụ hiệu quả để kéo theo tiến trình chuyển đổi xanh tăng tốc.

Tuy nhiên, chuyển đổi kép không phải là một bài toán dễ dàng. Thách thức và rào cản của các doanh nghiệp dệt may trong tiến trình chuyển đổi kép là chi phí. Việc đầu tư cho hạ tầng công nghệ, nguyên vật liệu xanh, đào tạo và chiêu mộ nhân tài vận hành hệ thống… đều là các khoản phí lớn.

Tính riêng với PPJ Group, tập đoàn đã đầu tư cho hệ thống vận hành số về phần cứng và phần mềm hơn 5 triệu USD; đầu tư công nghệ và chế tạo các thiết bị chuyển đổi xanh hàng chục triệu USD. Đồng thời, đưa ra các chính sách hấp dẫn để chiêu mộ gần 70 chuyên gia, nhân sự nước ngoài trong nhiều lĩnh vực để nâng cao mức độ sẵn sàng của đội ngũ trong hành trình chuyển đổi kép và khả năng cạnh tranh trên toàn cầu.

Ngoài ra, nguồn nguyên vật liệu xanh cũng là một khoản đầu tư “xa xỉ”… “Trong một hành trình dài hơi như thế này, việc duy trì ngân sách cho chuyển đổi song song với đảm bảo sức khỏe tài chính cho doanh nghiệp thực sự là một bài toán không dễ dàng”, ông Hùng nói.

Thách thức nữa là khả năng thích ứng của thị trường và người tiêu dùng dành cho các sản phẩm xanh. Dù nhận thức của đa phần người tiêu dùng đã tốt hơn rất nhiều, nhưng vẫn còn một khoảng cách rất xa để họ coi việc mua sắm các sản phẩm xanh là đương nhiên, đặc biệt là khi các sản phẩm dán nhãn xanh tuy rất thân thiện với môi trường, nhưng lại không quá thân thiện với túi tiền. Điều này cũng tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp khi phải lựa chọn giữa “làm điều dễ” và “làm điều đúng”.

Đặc biệt, thách thức làm thế nào để lan tỏa được làn sóng chuyển đổi kép ra toàn bộ chuỗi cung ứng thực sự là vô cùng khó khăn với doanh nghiệp dệt may. Ông Hùng cho rằng chúng ta không thể bắt buộc các đối tác phải xanh, phải bền vững, nhưng chúng ta có quyền lựa chọn đối tác, mặc dù đôi khi điều đó phải đánh đổi bằng lợi ích kinh tế.  

Nhấn mạnh chuyển đổi kép giúp nâng cao vị thế và danh tiếng của doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu, giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường và tăng trưởng nhanh hơn, đặc biệt trong bối cảnh có sự dịch chuyển chuỗi cung ứng dệt may từ một số nước sang Việt Nam.

Song để tận dụng hiệu quả những “cơn gió thuận chiều” này, theo ông Hùng, việc tăng tính minh bạch của chuỗi cung ứng và khả năng truy xuất nguồn gốc là điều cần được đưa vào chiến lược ưu tiên của mỗi doanh nghiệp. Điều này chỉ có thể đạt được thông qua thực hành chuyển đổi xanh và chuyển đổi số một cách đồng bộ trên toàn chuỗi.

Trong bản thân nội bộ doanh nghiệp, một mặt cần nỗ lực giảm mức tiêu thụ tài nguyên, hạn chế tác động tới môi trường và cân đối net zero ngay trong nội bộ doanh nghiệp. Mặt khác, tìm kiếm các giải pháp để khép kín hơn nữa vòng lặp của quy trình sản xuất.

“Làm sao để sử dụng lại hoặc tái chế các sản phẩm phế dệt may, đưa được các sản phẩm phế này quay vòng về đầu chuỗi cung ứng, biến chúng trở thành các loại tài nguyên mới để tiếp tục phục vụ sản xuất dài lâu hơn nữa…“, ông Hùng nhấn mạnh.

Doanh nghiệp cần coi chuyển đổi kép như “thời kỳ quá độ” của nền kinh tế tuần hoàn. Đó là cả một hành trình dài, và nó phải được bắt đầu từ bước chuyển của tư duy, từ người đứng đầu doanh nghiệp đến những người công nhân trực tiếp tạo ra sản phẩm.

Xem bản gốc