Sau khi khắc phục hậu quả mưa lũ, hai nhà máy chế biến tinh dầu quế của Công ty Chế biến nông sản xuất khẩu Sơn Hải đặt tại xã Vĩnh Yên và xã Tân Dương đã trở lại hoạt động. Năm nay, thị trường tiêu thụ quế gặp nhiều khó khăn, các đối tác của Sơn Hải đặt hàng hạn chế dẫn đến lượng hàng xuất khẩu thấp hơn cùng kỳ, sản phẩm tinh dầu quế tồn kho lớn. Tuy nhiên, công ty vẫn nỗ lực duy trì sản xuất, thu mua cành, lá quế cho người dân trên địa bàn với mức giá phù hợp để người dân yên tâm gắn bó với cây quế.
“Thị trường các sản phẩm chế biến từ tinh dầu quế trên thế giới có nhiều biến động đã ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm của công ty. Tuy nhiên, công ty vẫn luôn đồng hành với bà con vùng quế Bảo Yên, bởi nông dân có yên tâm gắn bó với cây quế thì chúng tôi mới có nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất”, ông Bùi Ngọc San, Giám đốc Công ty Chế biến nông sản xuất khẩu Sơn Hải khẳng định.
Theo thống kê, trên địa bàn huyện Bảo Yên hiện có 5 doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến nông - lâm sản; 2 doanh nghiệp mới thu hút đầu tư đang triển khai các dự án liên kết sản xuất trên địa bàn; 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện thủ tục xin chủ trương đầu tư.
Bà Nhữ Thị Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bảo Yên cho biết: Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bảo Yên lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng giá trị sản xuất ngành nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trên địa bàn đạt 5.121 tỷ đồng (tăng 2.118 tỷ so với năm 2020), giá trị gia tăng ngành nông, lâm nghiệp đạt 2.919 tỷ đồng; giá trị sản phẩm trên 1 ha đất canh tác bình quân năm 2025 đạt trên 105 triệu đồng (tăng 30 triệu đồng/ha so với năm 2020).
Cùng với đó, từng bước chuyển từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa, từ phát triển nông nghiệp theo chiều rộng sang phát triển theo chiều sâu, từ số lượng sang chất lượng. Tạo chuyển biến căn bản về quy mô, năng suất, chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực.
Đến năm 2030, hình thành được các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa theo chuỗi giá trị, nâng cao giá trị gia tăng và sản xuất bền vững; kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến, bảo quản và thị trường.
Theo bà Nhữ Thị Tâm, để đạt được mục tiêu này, huyện đã và đang tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp từ cơ chế, chính sách đến tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ nông nghiệp và thị trường. Trong đó, quan trọng nhất là xây dựng mối liên kết bền vững cùng có lợi giữa doanh nghiệp và người dân tham gia sản xuất.
" Các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn huyện không chỉ tạo công ăn, việc làm cho lao động địa phương, mà còn tạo mối liên kết bền vững với nông dân, hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn; thúc đẩy ra đời mô hình kinh tế tập thể, HTX ở các xã, thị trấn; trở thành đầu mối, giúp các hộ sản xuất nhỏ tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp”, bà Nhữ Thị Tâm, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho hay.
Với những kết quả đã đạt được trong việc thu hút đầu tư, tạo chuỗi lên kết trong sản xuất nông-lâm nghiệp thời gian qua; huyện Bảo Yên đang tiếp tục nghiên cứu, rà soát đề xuất sửa đổi, bổ sung các chính sách phát triển nông - lâm nghiệp, tạo môi trường thuận lợi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất gắn với chế biến, bảo quản nông sản sau thu hoạch, tạo ra hệ thống tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện cũng như xây dựng Bảo Yên trở thành huyện Nông thôn mới vào năm 2025.