Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Bất động sản bán lẻ TP.HCM: Tín hiệu tích cực khi các nhãn hàng mở rộng kinh doanh

Vneconomy 1 Tháng trước

Sau khoảng thời gian dài yên ắng và chịu tác động của đại dịch Covid-19, đến nay các nhãn hàng đã dần lấy lại niềm tin và mạnh dạn hơn trong việc mở rộng chuỗi cửa hàng của mình.

NHỘN NHỊP TỪ CHUỖI THƯƠNG HIỆU ĂN UỐNG

Theo ghi nhận của Savills Việt Nam, mặt bằng trung tâm thương mại trọng điểm tại TP.HCM ghi nhận mức hấp thụ thuần khoảng 1.300 m2 trong quý 3/2024, với 85% nhu cầu được đóng góp bởi khách thuê tại khu vực ngoài trung tâm.

Vincom Mega Mall Grand Park (quận 9 cũ) tiếp tục dẫn đầu số lượng giao dịch mới, nổi bật là McDonald’s, Beverly Hills Polo Club và Kohaku Sashimi & Yakiniku.

Ngoài ra, Thiso Mall Sala (quận 2 cũ) đón nhận sự gia nhập của MUJI, nhà bán lẻ lớn trong lĩnh vực phong cách sống và dự kiến sẽ khai trương vào đầu năm sau. 

Mặt bằng bán lẻ khu trung tâm ghi nhận mức hấp thụ thuần gần 200 m2 với sự khai trương của nhà hàng Yakiniku Like tại Vincom Đồng Khởi, đây là mô hình nướng đơn nổi tiếng từ Nhật Bản lần đầu tiên có mặt ở Việt Nam.

Thêm vào đó, sự gia tăng hiện diện của các chuỗi F&B mới như Long Wang, Mikado Sushi, Spicy Box và Bắc Kim Thang trong 9 tháng qua ở các trung tâm thương mại trọng điểm tại TP.HCM cũng cho thấy nhu cầu ngày càng trở nên đa dạng.

 CBRE Việt Nam. Nguồn: CBRE Việt Nam.

Theo bà Phạm Ngọc Thiên Thanh, Trưởng bộ phận Nghiên cứu và Tư vấn của CBRE tại TP. HCM, thống kê của CBRE trên tổng số giao dịch trên thị trường trong 03 năm vừa qua, thị trường ghi nhận sự mở rộng chủ yếu đến từ các nhãn hàng F&B (thực phẩm và đồ uống, chiếm đến 35%), theo sau đó là các nhãn hàng thời trang & Phụ kiện (33%).

Ngành hàng Lifestyle (phong cách sống) đứng thứ 3 với 13%, cũng đang dần vươn lên. Đây là ngành hàng có xu hướng phát triển khá mạnh ở nước ngoài và dần lan rộng ở Việt Nam, với diện tích kinh doanh mỗi cửa hàng cũng ngày càng lớn hơn, có thể lên đến 1.000 m2. Đa phần các nhãn hàng này đến từ các nước Châu Á như Trung Quốc, Hong Kong, Đài Loan và Thái Lan.

THÊM NGUỒN CUNG MỚI

Theo CBRE Việt Nam, trong suốt 03 năm liền từ năm 2020 - 2022, TP.HCM đã không có nguồn cung trung tâm thương mại mới nào được hoàn thành. Bước sang năm 2024, thị trường dần trở nên sôi động hơn với 04 trung tâm thương mại mở mới, bao gồm 02 trung tâm thương mại của Vincom mới đi vào hoạt động trong quý 2/2024, trung tâm thương mại Parc Mall (35.000 m2, quận 8) vừa khai trương trong quý 3/2024 và Central Premium Mall (30.000 m2, quận 8) dự kiến hoàn thành trong quý 4/2024.

Quy mô của thị trường mặt bằng bất động sản bán lẻ TP.HCM tính đến quý 3/2024 ghi nhận đạt gần 1,2 triệu m2.

Còn Savills Việt Nam ghi nhận tổng quan nguồn cung bán lẻ tại TP.HCM trong 09 tháng đầu năm 2024 có sự khởi sắc với sự kiện khai trương Parc Mall (quận 8) trong quý 3/2024 và tái hoạt động của Vincom Plaza 3/2 (quận 10) trong quý 2/2024 sau khi hoàn thành việc cải tạo .

Cùng với mức hấp thụ thuần dương, tỷ lệ trống của trung tâm thương mại trọng điểm tại khu trung tâm đã có sự cải thiện, giảm từ 3% ở quý trước xuống 2,8% trong quý 3/2024. Tương tự, tỷ lệ trống tại khu ngoài trung tâm giảm 02 điểm phần trăm theo quý và ở mức 4% trong qúy 3/2024.   

 Savills Việt Nam. Nguồn: Savills Việt Nam.

Mặt bằng giá thuê tại TP.HCM trong những năm qua đã chứng kiến đà tăng đáng kể, và các trung tâm thương mại có vị trí đắc địa vẫn liên tục được nhiều khách thuê săn đón, bao gồm cả các thương hiệu mới vào thị trường và các thương hiệu hiện hữu.

Số liệu của Savills cho thấy, trong quý 3/2024, giá chào thuê trung bình tại tầng trệt của trung tâm thương mại trọng điểm khu trung tâm tăng nhẹ lên mức 229,2 USD/m2/tháng, tăng 0,6% so với quý trước và tăng 2,7% so với cùng kỳ.  

Giá chào thuê khu ngoài trung tâm đạt 58,3 USD/m2/tháng, với mức tăng 0,7% theo quý.

So với cùng kỳ năm trước, giá chào thuê khu ngoài trung tâm ghi nhận mức giảm nhẹ 0,2% chủ yếu do sự ra mắt của nguồn cung mới vào cuối năm 2023 với giá thuê giai đoạn đầu hấp dẫn nhằm thu hút khách thuê.

Thêm vào đó, các chủ đầu tư hiện hữu vẫn cố gắng duy trì mức giá chào thuê cạnh tranh giữa bối cảnh kinh tế còn khó khăn và gia tăng nguồn cung mặt bằng bán lẻ tại khu vực này.

Savills Việt Nam nhận định, đến cuối năm 2024, khu trung tâm và ngoài trung tâm sẽ duy trì mức cung trung tâm thương mại trọng điểm hiện tại do không có thêm nguồn cung mới.

Trong năm 2025, khu vực trung tâm dự kiến đón nhận nguồn cung mới chất lượng cao Marina Central phát triển bởi Masterise, với diện tích thuê khoảng 13.000 m2.

Thị trường mặt bằng bán lẻ tại TP.HCM sẽ tiếp tục phát triển với giá chào thuê trung bình tăng nhẹ. Nhưng sự tăng giá thuê này sẽ bị áp lực bởi tăng trưởng nguồn cung tại khu ngoài trung tâm trong năm vừa qua có thể vẫn sẽ tiếp tục kìm hãm giá thuê tại khu vực này.

Về khách thuê, nhu cầu từ các nhà bán lẻ lớn trong lĩnh vực F&B, phong cách sống và khu vui chơi trẻ em dự kiến tiếp tục mở rộng, đa dạng hóa và là nguồn khách nổi bật trong thời gian tới. 

Xem bản gốc