Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Bất động sản Việt Nam đón sóng chuyển đổi xanh toàn cầu

Vneconomy 1 Ngày trước

Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng cực đoan, biểu hiện rõ ràng nhất là sự nóng lên toàn cầu. Do đó, Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam cũng chú trọng nhiều hơn đến việc phát triển bền vững. Tại hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050 cùng với 167 quốc gia khác. Cam kết này đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản.

Theo Hội đồng công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, số lượng công trình xanh ở Việt Nam gồm 70 dự án, chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/15 Singapore. Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng dự án xanh của nước ta được tăng lên đáng kể. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy có hơn 400 dự án xanh tính đến năm 2024. Con số này thực tế vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 dự án tới năm 2025, thể hiện nỗ lực của toàn ngành bất động sản.

Ông Trần Ngọc Duy, Phó Giám đốc Bộ phận quản lý bất động sản, Savills Hà Nội, cho rằng để được công nhận là công trình xanh, ngoài đáp ứng tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng cả hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng.

Mặc dù điều kiện rất khắt khe, nhưng theo đại diện Savills, việc nắm bắt xu hướng và chuyển đổi xanh sẽ giúp chủ đầu tư có lợi thế trong thu hút và giữ chân khách hàng, đạt tỷ lệ lấp đầy nhanh hơn và có thể chào bán, cho thuê với mức chi phí tốt hơn. Bởi những dự án xanh không chỉ phục vụ mục tiêu chung của toàn cầu và Chính phủ về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, mà còn phục vụ nhu cầu thực tế của người dân. Sau đại dịch Covid-19, người dân rất quan tâm đến chăm sóc sức khỏe, môi trường sống, làm việc cùng những yếu tố bền vững.

Chưa kể, chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cho công trình xanh tuy cao hơn so với loại dự án truyền thống, song công tác vận hành bền vững có thể mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn, tiết kiệm hơn, đặc biệt trong việc giảm chi phí năng lượng tiêu thụ.

Theo chuyên gia Savills, để đạt mục tiêu phát triển bền vững xuyên suốt quá trình dự án đi vào hoạt động, chủ đầu tư, ban quản lý và cư dân cần phối hợp chặt chẽ cùng thực hiện nhiều giải pháp xây dựng và quản lý theo tiêu chuẩn xanh.

Cụ thể, phía chủ đầu tư cùng đơn vị quản lý cần có phương án vận hành tiết kiệm năng lượng, theo sát tiêu chí vận hành xanh dựa trên tiểu chuẩn của những chứng nhận uy tín (LEED, EDGE, WELL Building Standard, LOTUS); chứng chỉ quy định các giải pháp vận hành thực tiễn đối với dự án xanh, tập trung vào hiệu quả năng lượng, bảo vệ nguồn nước, cải thiện chất lượng không khí và đảm bảo sức khỏe, sự an toàn cho người sử dụng. Ngoài ra, thực hiện tối ưu hóa điện năng và lượng nước tiêu thụ cũng giúp tiết kiệm chi phí vận hành, đảm bảo tính bền vững cho dự án.

Về phía khách thuê, cư dân, đây là nhóm chủ yếu sử dụng dịch vụ tiện ích và tiêu thụ năng lượng chính tại các tòa nhà. Vì vậy, chủ đầu tư cần khuyến khích đối tượng này tham gia vào chiến lược xanh dài hạn, hướng tới ESG như: hạn chế sử dụng rác thải nhựa, phân loại rác thải tại nguồn... Ví dụ, ban quản lý có thể triển khai nhiều phương thức truyền thông trực tiếp, gồm biểu ngữ hay bảng tin hàng tuần, hoặc trực tuyến thông qua ứng dụng thông minh. Từ đó, khách thuê sẽ dần hiểu được trách nhiệm của bản thân và sẵn sàng phối hợp với tòa nhà để chung tay hành động vì một môi trường bền vững.    

Xem bản gốc