(Xây dựng) - Tổng quan về kiến trúc Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số của Bình Dương phiên bản 3.0 gồm: Người sử dụng; kênh giao tiếp; dữ liệu và ứng dụng; kỹ thuật – công nghệ; an toàn thông tin; chỉ đạo, chính sách; các hệ thống ngoài.
Bình Dương xây dựng kiến trúc Chính quyền số phiên bản 3.0. (Ảnh minh họa) |
Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Bình Dương đã báo cáo dự thảo về kiến trúc Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số tỉnh Bình Dương, phiên bản 3.0.
Mục tiêu của việc xây dựng kiến trúc Chính quyền điện tử hướng đến Chính quyền số tỉnh Bình Dương, phiên bản 3.0 nhằm phù hợp với Chiến lược Dữ liệu quốc gia đến năm 2030, Đề án Trung tâm dữ liệu quốc gia của Chính phủ và Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam phiên bản 3.0, hướng tới Chính phủ số của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Theo đó, so với Khung kiến trúc Chính quyền điện tử Việt Nam 2.0, Khung kiến trúc Chính quyền điện tử Việt Nam 3.0 bổ sung các nội dung: Nền tảng định danh và xác thực điện tử; Trung tâm dữ liệu quốc gia, kho dữ liệu về con người, kho dữ liệu tổng hợp từ các cơ sở dữ liệu quốc gia. Đồng thời, đổi tên mô hình tham chiếu an toàn thông tin trong Khung kiến trúc Chính phủ điện tử, phiên bản 2.0 thành Mô hình tham chiếu An toàn thông tin mạng, an ninh mạng để đảm bảo đồng bộ với Luật An toàn thông tin mạng và Luật An ninh mạng.
Tổng quan về kiến trúc Chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số của Bình Dương phiên bản 3.0 gồm: Người sử dụng; kênh giao tiếp; dữ liệu và ứng dụng; kỹ thuật – công nghệ; an toàn thông tin; chỉ đạo, chính sách; các hệ thống ngoài.
Để đáp ứng nhu cầu, Bình Dương cần xây dựng các quy định, quy chuẩn kết nối liên thông và thu thập dữ liệu của các hệ thống thông tin trên địa bàn tỉnh; xây dựng ứng dụng Công dân số, hình thành kho Công dân số, giải quyết thủ tục hành chính; xây dựng các ứng dụng tổng hợp, phân tích, khai phá dữ liệu, báo cáo phục vụ công tác chỉ đạo điều hành dựa trên dữ liệu và dữ liệu tích hợp dùng chung toàn tỉnh… Đồng thời, các sở, ban, ngành, huyện, thành phố cần xây dựng nền tảng, hệ thống quản lý tích hợp ứng dụng (intranet); xây dựng các ứng dụng, cơ sở dữ liệu chuyên ngành đảm bảo có tính kế thừa, dùng chung, chia sẻ dữ liệu.
Đối với dự thảo này, các đại biểu đã đóng góp nhiều ý kiến tập trung vào việc khung kiến trúc của Bình Dương cần lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; cần bổ sung thêm 2 thành phần trụ cột vào các thành phần của kiến trúc: Con người (cán bộ, công chức, viên chức; chuyên gia, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ thông tin; lãnh đạo) và công nghệ mới như AI để phù hợp với Tiêu chuẩn ISO:9001 phiên bản 2025 dự kiến sẽ được ban hành trong thời gian tới đây; vấn đề liên thông chia sẻ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương…