Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Blue Origin 'nín thở' chờ cột mốc vàng sau 25 năm, kỳ tích hiếm có của ngành hàng không sắp xảy ra nhờ 1 tên lửa cao 98m

Markettimes 1 Tuần trước

Nếu không có gì thay đổi, trong vài ngày tới, Blue Origin của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos sẽ thực hiện lần phóng đầu tiên tên lửa New Glenn từ Cape Canaveral ở Florida. Nếu thành công, gần một phần tư thế kỷ sau khi thành lập, Blue Origin sẽ lần đầu bước chân lên quỹ đạo. Ngành công nghiệp vũ trụ tư nhân được dự đoán sẽ thêm cạnh tranh khốc liệt. 

Đưa một tên lửa hoàn toàn mới lên quỹ đạo là kỳ tích hiếm có. Ngay cả SpaceX, công ty tên lửa của Elon Musk, cũng phải thử nhiều lần trước khi hạ cánh thành công vào năm 2016. 

Phải thừa nhận rằng, Blue Origin không bắt đầu hoàn toàn từ con số 0. Kể từ năm 2021, công ty đã đưa khách du lịch (bao gồm cả ông Bezos) bay qua Đường Karman, ranh giới 100km đánh dấu rìa không gian. Các tên lửa New Shepard cung cấp năng lượng thực hiện sứ mệnh có khả năng tái sử dụng sau này. 

Tuy nhiên, bay vào quỹ đạo khó hơn nhiều so với việc vượt qua Đường Karman. Thực hiện được hay không còn phụ thuộc vào tên lửa New Shepard. Với chiều cao 98 mét, nó chỉ thấp hơn 2 mét so với định nghĩa tiêu chuẩn về một tòa nhà chọc trời. 

Dẫu vậy, giữa tất cả sự phấn khích, nhiều nhà quan sát sẽ tự hỏi tại sao Blue Origin lại mất nhiều thời gian như vậy? Công ty được thành lập vào năm 2000, trong khi những cái tên cùng thời như SpaceX (thành lập năm 2002) hoặc Rocket Lab (năm 2006) đều đã bay vào quỹ đạo trong nhiều năm.

Vấn đề không nằm ở chỗ thiếu tham vọng. Vào năm 2019, hai năm trước khi từ chức CEO Amazon, ông Bezos đã có bài thuyết trình ủng hộ việc xây dựng các thành phố khổng lồ trong không gian. Ông cho biết việc di chuyển con người và ngành công nghiệp của họ khỏi Trái đất sẽ cho phép dân số tăng lên 1 nghìn tỷ người. 

Lý do cho sự tiến triển chậm chạp có thể vì ông Bezos quá bận rộn với công việc hàng ngày tại Amazon. Bản thân Bezos cũng thừa nhận điều này và quyết định từ chức giám đốc điều hành Amazon để đẩy nhanh tiến độ. Năm 2023, Bob Smith, giám đốc điều hành của Blue Origin, đã được thay thế bởi Dave Limp, một giám đốc điều hành của Amazon.

Ông Limp đã cố gắng truyền thêm nhiệt huyết. Ít nhất là trên giấy tờ, các kế hoạch của Blue Origin cho New Glenn hiện thực sự rất dữ dội. 

“Họ đang nói về 10 lần phóng vào năm 2025 và 24 lần vào năm sau đó”, ông nói. “Việc tăng tốc như vậy cho một tên lửa mới là chưa từng có”.

Giả sử New Glenn bay vào không gian, một câu hỏi sẽ được đặt ra, là liệu nó có thể chiếm được thị phần từ Falcon 9 giá rẻ và đáng tin cậy của SpaceX? Blue Origin chưa tiết lộ giá, song một nguồn tin nội bộ đã tiết lộ về một hợp đồng đặt mức giá phóng là 68 triệu USD. Con số này gần bằng với Falcon 9, mặc dù New Glenn cung cấp gấp đôi tải trọng.

screenshot-2025-01-07-at-11.06.28.pngNếu không có gì thay đổi, trong vài ngày tới, Blue Origin của nhà sáng lập Amazon Jeff Bezos sẽ thực hiện lần phóng đầu tiên tên lửa New Glenn từ Cape Canaveral ở Florida.

Công ty hiện có tối thiểu 1 khách hàng. Vào năm 2022, cùng với ULA và Arianespace, một công ty châu Âu, Blue Origin giành được một phần hợp đồng phóng lớn nhất trong lịch sử do Amazon trao tặng để phóng hơn 3.000 vệ tinh cần thiết cho dự án Kuiper (dự án có kế hoạch cung cấp quyền truy cập internet tốc độ cao ở bất kỳ đâu trên Trái đất).

Theo The Economist, chuyến bay thử nghiệm của New Glenn được cho là sẽ mang theo một cặp tàu thăm dò lên sao Hỏa. Công ty cũng đang lên kế hoạch xây dựng một trạm vũ trụ tư nhân có tên Orbital Reef và đã được NASA yêu cầu chế tạo một tàu đổ bộ có người lái phục vụ sứ mệnh Artemis Moon.

Blue Origin vẫn chưa chính thức tuyên bố thời điểm New Glenn ra mắt. Cuộc chiến vũ trụ hàng không cùng lúc đó chưa dấu hiệu hạ nhiệt khi tên lửa Electron nhỏ bé của đối thủ Rocket Lab dự kiến ​​có thêm ‘bạn đồng hành’ Neutron cỡ trung trong năm 2025. Starship khổng lồ của SpaceX, hiện đang trong quá trình thử nghiệm, cũng được thiết kế để hạ gục mọi đối thủ khác trên thị trường. 

“Có sự phấn khích vì Neutron lớn hơn đáng kể so với Electron hiện tại của Rocket Lab. Nó sẽ cạnh tranh ở một mức độ nào đó với các tên lửa của SpaceX và cải thiện đáng kể nền kinh tế của công ty”, nhà phân tích Andres Sheppard của Cantor Fitzgerald cho biết, lưu ý rằng Rocket Lab hiện là công ty phóng quỹ đạo thường xuyên thứ ba trên toàn cầu, chỉ sau SpaceX và Trung Quốc.

Được biết, Rocket Lab lên sàn vào thời kỳ đỉnh cao của cơn sốt SPAC - tháng 8 năm 2021, khi công ty này sáp nhập với một công ty mua lại có mục đích đặc biệt trong một thỏa thuận định giá công ty ở mức 4,1 tỷ USD, tăng gần 200% so với mức định giá 1,4 tỷ USD mà Rocket Lab nhận được trong vòng gọi vốn tư nhân cuối cùng vào năm 2018. Doanh thu chỉ đạt gần 245 triệu USD vào năm 2023, tức nhỏ hơn nhiều so với công ty tên lửa SpaceX của Elon Musk, song công ty này vẫn được coi là đối thủ cạnh tranh đáng gờm trong cuộc chiến vũ trụ. 

“SpaceX là công ty vũ trụ lớn nhất thế giới và tôi nghĩ mọi người đang kỳ vọng Rocket Lab là công ty thành công số hai”, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành Peter Beck của Rocket Lab nói với CNBC. “Khi hai công ty bắt đầu trông ngày càng giống nhau, không có gì ngạc nhiên khi khoảng cách định giá giảm dần theo thời gian”.

Thông thường, trong lĩnh vực công nghiệp hóa không gian, người ta sẽ chỉ tập trung vào Elon Musk, Jeff Bezos hay Richard Branson - những người được cho là đã khởi xướng phong trào đầu tư vào du lịch vũ trụ. Dư luận ít khi để tâm đến hàng trăm công ty nhỏ lẻ khác - những doanh nghiệp vốn cũng đang điên cuồng chế tạo tên lửa và thiết lập một nền kinh tế mới nơi quỹ đạo thấp, cách mặt đất chừng 100 đến 1.200 dặm. 

Không ai biết cuộc đua vào không gian mới này sẽ diễn biến ra sao, song rất nhiều những nhà đầu tư nhiệt thành coi đây là chương tiếp theo trong quá trình tiến hóa của loài người. Những tên lửa hạng nặng được cho là có thể tạo ra một số ảnh hưởng đối với khoa học không gian, thậm chí, thay đổi dòng chảy lịch sử nhân loại.

Theo: The Economist, Forbes 

Xem bản gốc