Chủ trì Hội nghị phát triển nguồn nhân lực khoa học và công nghệ phục vụ chương trình điện hạt nhân, ngày 2/1/2025, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết hiện nay, thủy điện hết dư địa, điện than gây phát thải lớn, các nguồn điện khác như điện gió, mặt trời phụ thuộc nhiều vào yếu tố tự nhiên, trình độ khoa học, kỹ thuật như: Công nghệ lưu trữ năng lượng điện, truyền tải điện bằng hệ thống lưới điện thông minh... Vì vậy, điện hạt nhân được xác định là nguồn điện sạch, điện nền do có khả năng đạt đỉnh công suất thiết kế nhanh, phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050.
NHÂN LỰC NGẮN VÀ DÀI HẠN ĐỀU CẦN THIẾT
Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, điện hạt nhân cũng là xu thế tất yếu của thế giới, hiện nhiều quốc gia đã tái khởi động và phát triển rất mạnh nguồn điện này. Kể cả những nước có ý định "đóng cửa" điện hạt nhân sau sự cố Nhà máy điện Fukushima ở Nhật Bản cũng đã quay trở lại với điện hạt nhân do nhu cầu năng lượng điện lớn cho các trung tâm dữ liệu trong phát triển công nghệ AI, công nghiệp bán dẫn, IoT...
“Hiện có nhiều công nghệ đã phát triển ở mức an toàn cao, thậm chí còn an toàn hơn rất nhiều so với các nguồn điện truyền thống khác, quy mô linh hoạt nên rất phù hợp với đặc điểm, địa hình, nhu cầu của nhiều địa phương, nhiều quốc gia”, Bộ trưởng thông tin; đồng thời cho rằng Việt Nam có điều kiện phát triển nguồn điện này, kết quả khảo sát từ 15 năm trước đã xác định, Việt Nam có đến 13-14 địa điểm tiềm năng phát triển điện hạt nhân. Đặc biệt, Việt Nam có địa hình dài từ Bắc đến Nam nếu phát triển điện hạt nhân quy mô nhỏ thì càng phù hợp.
Ở những nơi phụ tải thấp, nơi có tiềm năng khai thác phát triển năng lượng tái tạo, gió, mặt trời mà có thêm điện hạt nhân module nhỏ thì rất thuận lợi cho khai thác năng lượng tái tạo cùng với nguồn điện nền, điện sạch... Điều đó phù hợp nhu cầu năng lượng cho phát triển kinh tế đất nước và phù hợp với mục tiêu trung hòa carbon của Việt Nam vào năm 2050. Hơn nữa, Việt Nam là quốc gia đông dân số, dân số trẻ có khả năng tiếp cận công nghệ nhanh.
Theo Bộ trưởng, để phục vụ cho chương trình điện hạt nhân và dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nguồn nhân lực kể cả trong ngắn và dài dạn là vô cùng cần thiết kể cả nhân lực làm công tác nghiên cứu phát triển năng lượng hạt nhân cho đến nguồn nhân lực kỹ thuật để vận hành các dự án điện hạt nhân.
“Trước đây, mới tính đến 1-2 nhà máy chúng ta đã cần vài ngàn kỹ sư và cán bộ kỹ thuật, nếu phát triển nhiều nhà máy hơn (kể cả cho nhu cầu xuất khẩu nhân lực sang các nước trong khu vực) thì vấn đề chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao, nguồn nhân lực kỹ thuật là vô cùng quan trọng”, Bộ trưởng khẳng định.
CHỦ ĐỘNG TỪ XA VÀ ĐẨY MẠNH 6 HÀNH ĐỘNG
Sau khi nghe báo cáo của Vụ Khoa học và Công nghệ và 25 ý kiến phát biểu của đại diện các trường, viện, các đơn vị thuộc Bộ và lãnh đạo Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh để phát triển điện hạt nhân bền vững, cần hình thành hệ sinh thái cho điện hạt nhân, năng lượng hạt nhân. Vì thế nguồn nhân lực phải được chuẩn bị rất đa dạng cả nhân lực về kỹ thuật, về nghiên cứu khoa học, về quản lý vận hành… trong hệ sinh thái năng lượng hạt nhân.
Theo kết quả hội nghị thảo luận và thống nhất, Bộ trưởng chỉ đạo phải tập trung làm tốt một số công việc trong thời gian tới:
Thứ nhất, khẩn trương dự kiến được nhu cầu, quy mô lĩnh vực chuyên môn cần đào tạo và việc này phải xong trong quý 1/2025.
Thứ hai, cần phải đánh giá khả năng thực hiện việc đào tạo nguồn nhân lực cho phát triển điện hạt nhân và hệ sinh thái năng lượng hạt nhân tại Việt Nam của các cơ sở nghiên cứu, đào tạo ở trong và ngoài ngành Công Thương. Các cơ sở này cần đăng ký với Cơ quan có thẩm quyền để được giao chỉ tiêu đào tạo phát triển nguồn nhân lực thông qua các cơ sở đào tạo nghiên cứu của mình trong quý 2/2025.
Thứ ba, tham mưu cho cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các cơ sở đào tạo và nhân lực được đào tạo về điện hạt nhân, cũng như là cơ chế, chính sách đối với lao động làm việc tại các nhà máy điện hạt nhân (như chế độ tiền lương, bảo hiểm cho người lao động…).
Thứ tư, các cơ sở đào tạo cần nghiên cứu, rà soát với năng lực của mình để đăng ký mở mã ngành đào tạo, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo giảng viên, đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị kỹ thuật.
Bộ trưởng cho biết Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để đưa ra chương trình đào tạo chuẩn cho đào tạo nhân lực trong lĩnh vực điện hạt nhân.
Thứ năm, phải khẩn trương, kịp thời kêu gọi các chuyên gia là người Việt Nam và cả những người yêu mến Việt Nam trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân để tham gia vào quá trình nghiên cứu, đào tạo và hợp tác đào tạo nguồn lực cho điện hạt nhân của Việt Nam.
Thứ sáu, khẩn trương triển khai các chương trình hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, phát triển nhân lực hạt nhân của Việt Nam thông qua các cơ chế Ủy ban liên Chính phủ, Ủy ban hỗn hợp (về kinh tế và thương mại), Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) và các chương trình hỗ trợ phát triển khác của các nước phát triển (ODA).
6 GIẢI PHÁP CỦA BỘ CÔNG THƯƠNG
Để thực hiện kịp thời, hiệu quả những công việc trên, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chỉ đạo 6 giải pháp cần thực hiện:
Thứ nhất, Bộ Công Thương sẽ chủ trì cùng các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là EVN - với tư cách là Chủ đầu tư trong việc xây dựng nhu cầu đào tạo, quy mô đào tạo, trong đó phải rà soát, xác định số nhân lực đã được đào tạo ở những năm trước để từ đó xác định cụ thể về quy mô đào tạo, lĩnh vực kỹ thuật cần đào tạo, đối tác phối hợp…; hoàn thành trong quý 1/2025
Bộ trưởng yêu cầu việc này phải làm ngay, kể cả việc rà soát nguồn nhân lực chúng ta đã đào tạo trước đây, thì bây giờ tái sử dụng được bao nhiêu, có cần phải đào tạo lại hay không…
Thứ hai, các cơ sở nghiên cứu đào tạo tự đánh giá và Bộ Công Thương cũng phải lập Hội đồng để đánh giá khả năng đào tạo của các cơ sở đào tạo. Việc này, muộn nhất phải làm xong trong quý 2/2025.
Bộ trưởng lưu ý: "Không phải trường nào cũng có thể lập ra khoa, phòng hay viện để đào tạo, mà có thể liên kết, hợp tác với nhau trong hoạt động nghiên cứu, đào tạo phát triển nhân lực điện hạt nhân. Những khoa, những bộ môn, viện của các trường có thể hợp tác với những khoa, viện của đơn vị khác. Cần có cơ chế dùng chung các phòng thí nghiệm mới khai thác triệt để tính năng hiệu quả của các phòng thí nghiệm. Cần hợp tác với Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt…".
Thứ ba, sau khi xác định năng lực đào tạo của các đơn vị, các cơ sở đào tạo cần phải triển khai chuẩn bị các công việc cần thiết, như mở mã ngành đào tạo, chuẩn bị giảng viên, xây dựng chương trình giáo trình, học liệu, rà soát, đầu tư trang thiết bị hoặc tận dụng các trang thiết bị hiện có. Đồng thời, lập kế hoạch hợp tác, đào tạo, nhất là việc cùng khai thác các trang thiết bị, cơ sở vật chất dùng chung.
Thứ tư, Bộ Công Thương chủ trì tham mưu cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế chính sách đối với các cơ sở đào tạo và người được đào tạo về lĩnh vực năng lượng hạt nhân. Đồng thời, phối hợp Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành về tiêu chuẩn đào tạo lĩnh vực hạt nhân cho nhiều cơ sở đào tạo ngoài Bộ Công Thương.
Bộ trưởng lưu ý, xét về chức năng quản lý nhà nước, Bộ Công Thương cần phải thông qua Bộ Giáo dục và Đào tạo để chuẩn hóa giáo trình đào tạo.
Thứ năm, Bộ Công Thương, EVN và các cơ sở nghiên cứu đào tạo phải tăng cường, đàm phán, ký kết hợp tác quốc tế, kể cả hợp tác trong nước để đào tạo. Việc này muộn nhất xong trong quý 3/2025. Do đó, các trường phải tự rà soát xem có thể kết hợp được với những đơn vị nào. Cụ thể, Trường Đại học Điện lực có thể kết hợp với một số trường tại Nhật Bản.
Đối với các trường khác, có thể thông qua một số đơn vị như Nhóm Công nghệ và Năng lượng trong khuôn khổ đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JEPT). Do đó, đại diện các trường cố gắng tham gia các cuộc họp giữa Ủy ban Liên Chính phủ cùng với một số nước khác, đặc biệt là những nước đã phát triển điện hạt nhân để tìm kiếm đối tác và có thể nhận được sự bảo trợ thông qua cơ chế hợp tác.
Thứ sáu, tăng cường hơn nữa công tác thông tin truyền thông nhằm tạo được sự đồng thuận của xã hội, sự ủng hộ cao của các cơ quan chức năng, các cấp có thẩm quyền trong vấn đề phát triển điện hạt nhân; tuyên truyền các chính sách đủ mạnh, khả thi trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực phục vụ công nghệ điện hạt nhân.
Bộ trưởng đồng ý với một số kiến nghị, đề xuất để phát triển nguồn nhân lực điện hạt nhân đã được hội nghị thảo luận như: Kiến nghị Ban chỉ đạo Quốc gia về điện hạt nhân sớm họp để xác định các công việc cần làm, phân công các tổ chức, cá nhân thực thi các nhiệm vụ cụ thể trong từng giai đoạn cụ thể; kiến nghị Chính phủ sớm chỉ đạo và thông qua Quy hoạch điện 8 sửa đổi, trong đó có quy hoạch về điện hạt nhân; kiến nghị Trung ương, Quốc hội, Chính phủ sớm ban hành cơ chế chính sách phù hợp, đủ mạnh, khả thi cho việc phát triển điện hạt nhân, đào tạo nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực, chế độ chính sách cho người lao động trong lĩnh vực năng lượng hạt nhân và năng lượng nguyên tử; kiến nghị cho chủ trương đàm phán, ký kết hợp tác với các đối tác phát triển để hỗ trợ đào tạo và hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; trong giai đoạn đầu cần có sự lồng ghép, đào tạo phát triển nguồn nhân lực vào từng dự án cụ thể; làm tốt công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
Bộ trưởng giao Vụ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp tục tổng hợp những ý kiến đề xuất để tham mưu Lãnh đạo Bộ có sự phân công bằng văn bản. Yêu cần các Cục, Vụ thực hiện chức năng quản lý nhà nước, các viện, các trường theo chức năng nhiệm vụ tự nghiên cứu, đề xuất các nhiệm vụ cụ thể và tiếp tục đề xuất các cơ chế thực hiện, báo cáo lãnh đạo Bộ trước ngày 30/01/2025.