Cơn sốt bắt đầu vào khoảng năm 2019, khi thương mại điện tử phát trực tiếp cất cánh trên các nền tảng video ngắn như Kuaishou Technology và Douyin. Beixiazhu, tọa lạc tại vùng ngoại ô thành phố Nghĩa Ô, tỉnh Chiết Giang, thủ phủ bán buôn toàn cầu, đã trở thành bệ phóng lý tưởng cho những thương nhân muốn khai thác ngành công nghiệp đang phát triển hứa hẹn.
Ngày nay, “di sản” từ thời đó vẫn còn lưu lại trong 99 ngôi nhà từng là nơi ở của những người bán hàng trực tiếp. Các biển hiệu quảng cáo “siêu chuỗi cung ứng” và “sản phẩm phát trực tiếp bán chạy” vẫn được trưng bày ngay mặt tiền cửa hàng. Trên một bức tường đã cũ, người ta vẫn có thể nhìn thấy một khẩu hiệu được sơn phai màu: “Không có ước mơ, tại sao lại đến Nghĩa Ô?”
Thế nhưng, đám đông nhộn nhịp đã biến mất.
Một chủ doanh nghiệp, chỉ vào con đường hẹp phía bên ngoài cửa hàng, cho biết nơi này từng chật cứng xe cộ và người phát trực tiếp. Nếu một sản phẩm nào đó trở nên phổ biến, mọi người sẽ nhảy xô vào bán với giá thấp để giành hợp đồng. Kiểu cạnh tranh khốc liệt đó được gọi là juan - cụm từ đã đi sâu vào từ điển văn hóa Trung Quốc những năm gần đây.
Tuy nhiên, cạnh tranh quá mức đã đe dọa phá vỡ mục tiêu nâng cấp chuỗi cung ứng của Bắc Kinh. Sự sụp đổ của Beixiazhu là câu chuyện cảnh báo cho ngành thương mại điện tử của Trung Quốc, vốn đã lao vào cuộc chiến giá cả khốc liệt kể từ năm ngoái trong bối cảnh kinh tế suy thoái sau đại dịch.
Những gã khổng lồ trong ngành, từ Douyin đến Taobao và Tmall Group, đều đã phải điều chỉnh thuật toán để ưu tiên giá cả. JD.com phát động chiến dịch trợ cấp lớn, đồng thời tăng gấp đôi nền tảng mua sắm giá rẻ; trong khi nhà điều hành nền tảng mua sắm giảm giá PDD Holdings đã tận dụng sự sụt giảm chi tiêu ở Trung Quốc để thu hút nhiều người tiêu dùng có ý thức hơn về ngân sách.
Cuộc đua giảm giá được cảm nhận rõ nét ở Nghĩa Ô.
Chỉ cách Beixiazhu 10 phút lái xe, Chợ thương mại quốc tế Nghĩa Ô được biết đến là trung tâm bán buôn các mặt hàng sản xuất nhỏ lớn nhất thế giới. Với diện tích 6,4 triệu mét vuông trải dài trên 5 quận lớn, khu chợ chẳng khác nào mê cung với khoảng 75.000 gian hàng. Theo số liệu chính thức, có khoảng 2,1 triệu mặt hàng được bán ở đây.
Nghĩa Ô quan trọng với nền kinh tế Trung Quốc đến mức Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm nơi này vào năm ngoái như một phần trong chuyến thị sát Chiết Giang. Theo số liệu của chính phủ, năm 2023, khối lượng xuất khẩu của Nghĩa Ô tăng 16% so với cùng kỳ năm trước, đạt hơn 500 tỷ nhân dân tệ, trong đó thương mại điện tử xuyên biên giới đóng góp khoảng 121 tỷ nhân dân tệ.
Vào một ngày gần đây, hoạt động kinh doanh vẫn diễn ra khá sôi động trên khắp khu chợ. Người mua từ khắp nơi trên thế giới mặc cả, ngược xuôi lối đi và truyền phát trực tiếp. Hàng hóa được rải khắp sàn, từ kẹp tóc hình bông hoa 1 nhân dân tệ đến quần tập yoga cũng có giá tương đương.
Dẫu vậy, nhiều thương gia nhỏ cho biết công cuộc kiếm tiền ngày càng khó khăn hơn.
“Sự biến đổi đã diễn ra quá nhanh, dẫn đến một số hoạt động không lành mạnh”, Huang Qianqian, một thương gia ở Yiwu, người chủ yếu bán cho khách hàng Đông Nam Á cho biết. Tình trạng cung vượt cầu chính là nguyên nhân.
Xa hơn nữa trong chuỗi cung ứng, các nhà sản xuất cũng đang vật lộn với lợi nhuận mỏng manh.
“Trước đây, đơn đặt hàng từ một vài khách hàng lớn là đã đủ để chúng tôi kiếm được tiền”, Zhang Jianhong, chủ một xưởng may quần áo tại chợ Nghĩa Ô, cho biết. Giá nhà và chi phí lao động tăng cao khiến biên lợi nhuận của cô giảm từ 40% xuống còn 10%.
Đối với các nhà cung cấp như Zhang, internet có thể là con dao hai lưỡi. Trực tuyến giúp thu hút khách hàng mới, song cũng khiến các đối thủ dễ dàng sao chép sản phẩm và hạ giá hơn.
“Mục tiêu của chúng tôi trong vài năm tới chỉ là tồn tại”, bà nói và lưu ý rằng công ty của bà đang ưu tiên hàng thiết kế.
Theo một số chuyên gia, hiện tượng juan sẽ không sớm biến mất.
Kenny Ng Lai-yin, chiến lược gia tại Everbright Securities International, cho biết: “Nhu cầu tiêu dùng chung của Trung Quốc vẫn yếu, với những lo ngại về giảm phát vẫn còn dai dẳng. Khi thị trường bất động sản sụp đổ, tài sản hộ gia đình cùng niềm tin người tiêu dùng sẽ giảm theo”.
Doanh số bán lẻ của Trung Quốc chỉ tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái vào tháng 8. Doanh số bán hàng trực tuyến chỉ tăng nhẹ chưa đến 1%, trong khi chỉ số giá tiêu dùng chỉ tăng 0,6%.
Những thách thức về kinh tế được phản ánh qua doanh thu và tâm lý nhà đầu tư. Đơn vị thương mại điện tử cốt lõi của Alibaba, Taobao và Tmall Group, chỉ ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu khiêm tốn 0,85% so với cùng kỳ năm ngoái trong nửa đầu năm nay, ngay cả khi khối lượng đơn hàng và giá trị hàng hóa gộp diễn biến tích cực. PDD cũng đã chứng kiến cổ phiếu giảm 25% chỉ trong 1 ngày sau khi công ty cảnh báo về áp lực giảm lợi nhuận.
Ng của Everbright cho biết: “Khối lượng giao dịch trên các nền tảng thương mại điện tử lớn vẫn mạnh mẽ, nhưng lợi nhuận đang chịu áp lực. Điều này cho thấy cả người bán và nền tảng đều sẵn sàng hy sinh lợi nhuận ngắn hạn để đạt được lợi nhuận dài hạn”.
Theo lời cảnh báo của Bắc Kinh về sự thoái hóa, các nền tảng thương mại điện tử nỗ lực triển khai nhiều chính sách thân thiện hơn với người bán. Kể từ tháng 9, Tmall của Alibaba miễn phí dịch vụ phần mềm hàng năm, trước đây dao động từ 30.000 nhân dân tệ đến 60.000 nhân dân tệ. Trong khi đó, Pinduoduo cam kết miễn 10 tỷ nhân dân tệ phí giao dịch cho các thương gia chất lượng cao, đồng thời giảm phí dịch vụ công nghệ và tiền gửi.
Về lâu dài, sự cạnh tranh trong ngành sẽ ngày càng tập trung vào các yếu tố như chất lượng sản phẩm, dịch vụ và cơ sở hạ tầng hỗ trợ. Kế hoạch kích thích kinh tế dự kiến sẽ có tác động lớn hơn vào năm 2025 bởi chính phủ cần thời gian để thực hiện chính sách.
Theo: SCMP