BSR tự tin 2025 khởi sắc, hợp tác PV GAS vì mục tiêu phát triển bền vững
Trước thềm niêm yết hơn 3 tỷ cp lên HOSE, CTCP Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) đã tổ chức sự kiện công bố kết quả ước 2024 cùng một số kế hoạch trong thời gian tới, bao gồm việc hợp tác cùng Tổng Công ty Khí Việt Nam (PV GAS, HOSE: GAS).
Niêm yết HOSE – kênh huy động vốn hiệu quả
Cụ thể, ngày 17/01/2025, hơn 3 tỷ cp BSR sẽ chính thức được giao dịch trên HOSE. Theo ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc BSR: "Niêm yết trên HSX không chỉ là cột mốc quan trọng trong hành trình phát triển và khẳng định vị thế của BSR, mà còn là cam kết của chúng tôi về tính minh bạch, chuyên nghiệp và giá trị bền vững cho cổ đông. Chúng tôi tin rằng đây sẽ là bước đệm vững chắc để BSR vươn tầm quốc tế, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành năng lượng Việt Nam".
Doanh nghiệp nhận định, việc niêm yết trên HOSE sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn hơn cho BSR, giúp Doanh nghiệp tiếp cận với một lượng lớn nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch và thu hút sự quan tâm từ các nhà đầu tư tổ chức lớn. Điều này cho phép BSR có thêm nhiều công cụ và kênh huy động vốn hiệu quả - điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Doanh nghiệp đang có kế hoạch mở rộng đầu tư, đặc biệt là dự án Nâng cấp mở rộng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (NCMR NMLD Dung Quất).
Công bố kết quả ước, dự báo 2025 khởi sắc
Tại sự kiện, lãnh đạo BSR cũng công bố sợ bộ kết quả ước năm 2024. Trong đó, doanh thu ước đạt khoảng 120 ngàn tỷ đồng, lãi trước thuế ước 369 tỷ đồng. Các chỉ tiêu này đều sụt giảm khá mạnh so với các năm trước. Tuy nhiên, theo Doanh nghiệp chia sẻ, năm 2024 là năm BSR phải đối mặt với một thị trường nhiều khó khăn. Ngoài ra, nếu so với một số nhà máy lọc phía Bắc và phía Nam, các nhà máy phải dừng sản xuất, tình hình tài chính cũng không khả quan, nên con số BSR đạt được năm nay dù không lớn nhưng vẫn ở mức ổn so với mặt bằng chung.
Ông Bùi Ngọc Dương – Chủ tịch HĐQT BSR cũng cho biết bắt đầu từ quý 2/2024, thị trường lọc dầu rơi vào tình huống rất xấu. “Nhiều nhà máy phải đóng cửa, giảm công suất, có thể xem là điểm trũng của thị trường lọc dầu” – theo Chủ tịch BSR.
Tuy nhiên, ông Dương nhận định từ cuối 2024, biên lợi nhuận lọc dầu bắt đầu khôi phục, kéo dài sang năm 2025. “Tín hiệu đang rất khởi sắc. Trong năm 2025, với mục tiêu từ Chính phủ và dự báo GDP tăng 8%, nhu cầu tiêu thụ xăng, dầu và nhiên liệu nói chung sẽ tăng mạnh và là cơ hội lớn cho BSR. Chúng tôi đặt mục tiêu tăng trưởng 15% về doanh thu và lợi nhuận, vì năm nay được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn rất nhiều”.
Kế hoạch tăng vốn điều lệ, huy động vốn đáp ứng dự án NCMR NMLD Dung Quất
Bên cạnh việc niêm yết trên HOSE, BSR còn có kế hoạch tăng vốn điều lệ trong năm 2025, nhằm đáp ứng chiến lược phát triển dài hạn của công ty. Theo đó, BSR dự kiến tăng vốn điều lệ từ 31 ngàn tỷ đồng lên hơn 50 nghìn tỷ đồng, thông qua phương án phát hành cổ phiếu thưởng, trả cổ tức bằng cổ phiếu từ nguồn Quỹ đầu tư phát triển và Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối, với tổng tỷ lệ chia thưởng là 61.5%.
Kế hoạch tăng vốn này được xây dựng dựa trên chiến lược phát triển của BSR đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Phần lớn nguồn vốn đầu tư (87.4%) sẽ được tập trung cho dự án NCMR NMLD Dung Quất, với tổng mức đầu tư lên đến hơn 36 ngàn tỷ đồng.
Lãnh đạo BSR chia sẻ, đây là dự án trọng điểm, được kỳ vọng sẽ nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh của BSR trên thị trường. Để đảm bảo hiệu quả cho dự án NCMR NMLD Dung Quất, BSR đặt mục tiêu tăng tỷ lệ vốn chủ sở hữu lên 60% tổng nhu cầu vốn của dự án, qua đó giúp giảm áp lực về nợ vay, đồng thời thể hiện cam kết đối với sự phát triển bền vững.
Kế hoạch này dự kiến sẽ được triển khai trong năm 2025, sau khi nhận được sự chấp thuận từ ĐHĐCĐ 2025.
Tổng Giám đốc Nguyễn Việt Thắng nhận định: “Việc tăng vốn điều lệ không chỉ là bước đi chiến lược để đáp ứng nhu cầu phát triển của BSR, mà còn là cơ hội để cổ đông hiện hữu gia tăng lợi ích từ sự tăng trưởng của công ty. Với nền tảng tài chính vững mạnh, BSR sẽ có thể tận dụng tốt hơn các cơ hội đầu tư và phát triển trong tương lai".
Về dự án NCMR NMLD Dung Quất, BSR tiết lộ dự án dự kiến vận hành vào năm 2028. Trong đó, năm 2024 đã hoàn thành giải phóng mặt bằng và các hoạt động phụ trợ. Tới tháng 5/2025, mục tiêu hoàn thành thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) và các hợp đồng bản quyền. Tháng 12/2025 sẽ ký hợp đồng EPC, sau đó triển khai xây dựng và đưa vào vận hành năm 2028.
Theo Chủ tịch Bùi Ngọc Dương, NMLD Dung Quất hiện tại được thiết kế lọc dầu từ mỏ Bạch Hổ - có tính chất ngọt, nhẹ, rất đặc biệt. Nhưng sau khihoàn thành dự án nâng cấp mở rộng, giỏ dầu nhà máy có thể lọc sẽ mở ra lớn hơn, cho phép (về mặt công nghệ) chế biến được dầu chua hơn, do đó tận dụng được nhiều nguồn dầu hơn từ Trung Đông.
“Mỏ dầu dồi dào nhất hiện tại là Trung Đông, Mỹ (Dầu WTA) và dầu của Nga. Các dầu này có giá thành đầu vào thấp hơn khá nhiều so với Bạch Hổ (5-6 USD/thùng), qua đó giúp tối ưu hoá lợi nhuận cũng như chất lượng dầu. Với nhà máy mở rộng, các loại dầu có độ cặn, bẩn cao cũng có thể chế biến, tức giá thành rẻ hơn”.
Hợp tác cùng PV GAS vì kế hoạch phát triển bền vững
Trong khuôn khổ sự kiện, BSR cũng thực hiện ký kết hợp tác toàn diện với PV GAS đã được diễn ra.
Chia sẻ với cổ đông, ông Bùi Ngọc Dương cho biết một trong những giải pháp nhiều năm qua của Công ty là liên kết giữa các chuỗi để tận dụng lợi thế của nhau.
“Chúng tôi có nhiều chuỗi liên kết, từ nhiên liệu, vận tải, phân phối sản phẩm, dịch vụ. Với GAS, đây là chuỗi mới để hợp tác kinh doanh. PV GAS có thế mạnh về nguyên liệu hoá lỏng sạch (LNG) để thay thế nhiên liệu đốt có phát thải cao trong nhà máy” – trích lời Chủ tịch BSR. Đây cũng là một trong những phương án để đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững dài hạn của Công ty.
Thứ 2, ông cho biết GAS cũng có nguyên liệu condensate để sản xuất cấu tử có chỉ số octan cao để phối trộn xăng, nhằm nâng cao chất lượng xăng, chuyển đổi toàn bộ xăng RON 92 thành 95. Hai bên đều đạt được mục tiêu. “Những năm qua, chúng tôi thiết kế nhà máy 65% là xăng RON 92, nhưng thực tế chúng tôi đã tối ưu tới 80% hiện tại đã là xăng 95”.
Thứ 3, GAS đã đầu tư rất bài bản vào hạ tầng, như kho, bến bãi, trung tâm, trụ sở khu vực... Khi hợp tác, hai bên có thể chia sẻ tài nguyên, qua đó tiết giảm chi phí. Sự hợp tác này sẽ đem đến rất nhiều cơ hội, tăng trưởng cả quy mô và lợi nhuận.
Châu An
FILI
- 21:09 16/01/2025