Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Bước ngoặt trong quan hệ Đức - Anh, sẵn sàng hỗ trợ khi có chiến tranh

Khoa học và đời sống 7 Giờ trước

Ngày 17/7, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Thủ tướng Đức Friedrich Merz, đã cùng Bộ trưởng Ngoại giao Đức Johann Wadephul và Ngoại trưởng Anh David Lammy, dự lễ ký kết hiệp ước hợp tác song phương sâu rộng vào thứ năm tại London.

Đây là thỏa thuận quốc phòng mang tính lịch sử giữa hai nước, đánh dấu hiệp ước quốc phòng song phương đầu tiên kể từ Thế chiến thứ II, cam kết hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công và tăng cường hợp tác quốc phòng.

Thủ tướng cùng Ngoại trưởng hai nước Anh - Pháp ký kết hiệp ước quốc phòng lịch sử. Ảnh: Frank Augstein-WPA Pool

Bên lề lễ ký kết, các nhà lãnh đạo cũng hé lộ một giai đoạn mới trong việc cung cấp vũ khí tầm xa cho Ukraine. Ngay sau đó, Bộ Ngoại giao Nga đã tái cảnh báo rằng động thái này có thể dẫn đến các cuộc tấn công quân sự nhằm vào các nước châu Âu.

Hiệp định song phương mới, được gọi là "Hiệp ước Kensington", đã được ký kết hôm thứ Năm tại London. Hiệp ước này bao gồm một loạt các cam kết, từ việc xuất khẩu chung các sản phẩm công nghiệp quân sự đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động trao đổi giáo dục giữa hai nước.

Hiệp ước cũng cam kết các đồng minh NATO sẽ "hỗ trợ lẫn nhau, kể cả thông qua các biện pháp quân sự, trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào bên kia".

Thủ tướng Đức Friedrich Merz gọi đây là “ngày then chốt cho mối quan hệ giữa Đức và Anh”. Ông cũng cho biết đã nói chuyện với Thủ tướng Anh Keir Starmer về nhu cầu của Ukraine về hệ thống vũ khí tầm xa.

Thủ tướng Merz phát biểu với báo chí rằng: "Ukraine sẽ sớm nhận được sự hỗ trợ bổ sung đáng kể trong lĩnh vực này". Cả hai nhà lãnh đạo đều nhấn mạnh sự ủng hộ liên tục của họ đối với Ukraine trong bối cảnh cuộc chiến của Nga chống lại nước này.

Hiệp ước Kensington cho phép Anh, Đức hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp bị tấn công và hợp tác quốc phòng sâu rộng. Ảnh: News Sky

Chỉ vài giờ sau, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đã lặp lại cảnh báo trước đó rằng Nga có thể buộc phải tấn công các mục tiêu ở Tây Âu nếu Kyiv nhận được vũ khí tầm xa.

"Trong trường hợp căng thẳng leo thang hơn nữa, chúng tôi sẽ đáp trả quyết liệt và theo kiểu ăn miếng trả miếng", hãng thông tấn Tass của Nga dẫn lời bà, ám chỉ đến kế hoạch được cho là của Đức về việc cung cấp tên lửa hành trình tầm xa Taurus cho Kiev. "Nga tự cho mình có quyền sử dụng vũ khí chống lại các cơ sở quân sự của những quốc gia cho phép họ sử dụng vũ khí chống lại chúng tôi."

Thỏa thuận mới, chính thức được gọi là Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Song phương, bao gồm 17 dự án mà Anh và Đức sẽ cùng thực hiện. Trong số đó có dự án phát triển chung một loại vũ khí tấn công chính xác tầm sâu có khả năng bắn trúng mục tiêu ở tầm xa hơn 2.000 km, dự kiến hoàn thành trong thập kỷ tới.

Chính phủ Đứcn tuyên bố trong một tài liệu rằng "Đây sẽ là một trong những hệ thống tiên tiến nhất từng được thiết kế".

Berlin và London cũng sẽ hợp tác để giải quyết các mối đe dọa từ tàu ngầm ở Biển Bắc, phát triển các phương tiện và học thuyết cho các hệ thống máy bay không người lái và củng cố sườn phía đông của NATO.

Chính phủ Đức viết: "Anh và Đức cam kết xây dựng mối quan hệ đối tác quốc phòng sâu sắc hơn và bền vững trong thời gian dài".

Hai nước cũng sẽ theo đuổi các sáng kiến xuất khẩu chung các sản phẩm quân sự, được thiết kế để thúc đẩy doanh số bán quốc tế các thiết bị quân sự được sản xuất chung, chẳng hạn như máy bay phản lực Eurofighter Typhoon và xe bọc thép Boxer.

Các quy định nghiêm ngặt của Đức về xuất khẩu vũ khí trước đây đã từng là rào cản đối với một số đề xuất xuất khẩu, chẳng hạn như việc bán Eurofighter cho Ả Rập Xê Út.

Hiệp ước này tiếp nối xu hướng hội nhập quốc phòng nhanh chóng của châu Âu, được khởi động bởi cuộc xâm lược toàn diện của Nga vào Ukraine năm 2022 và được thúc đẩy bởi sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump tại Washington.

Hiệp ước này củng cố vai trò chủ chốt của nhóm E3 - Đức, Anh và Pháp - trong hệ thống quốc phòng của châu Âu. Tuần trước, Anh đã ký một hiệp ước riêng biệt, toàn diện với Pháp , bao gồm cả việc xây dựng nền tảng cho một "chiếc ô hạt nhân" tiềm năng của châu Âu.

Tướng Mỹ cảnh báo quân đội Anh tụt hậu, không còn là cường quốc quân sự.
Xem bản gốc