Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, lực lượng môi giới bất động sản đang tập trung chuẩn bị tham gia thi sát hạch lấy chứng chỉ hành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu pháp luật mới về kinh doanh bất động sản có hiệu lực từ ngày 1/8 quy định 100% môi giới phải có chứng chỉ hành nghề.
Cả nước mới có khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề. Ảnh minh họa: Vân Sơn/Báo Tin tức |
Tới thời điểm hiện tại, cả nước mới có khoảng 40.000 môi giới bất động sản được cấp chứng chỉ hành nghề, rất ít so với số lượng môi giới đang hành nghề trên cả nước. Hiện nay việc tổ chức đào tạo và thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn nhiều bất cập về chất lượng đào tạo và khâu tổ chức thi.
Trong khi đó, thực tế về yêu cầu tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới bất động sản quy định tất cả cá nhân kinh doanh dịch vụ này phải có chứng chỉ hành nghề môi giới và hành nghề trong một doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch hoặc dịch vụ môi giới bất động sản. Đây cũng là một bước quan trọng nhằm nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới.
Về chất lượng khóa đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản, theo quy định pháp luật mới về kinh doanh bất động sản, giấy chứng nhận hoàn thành khóa học quản lý đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới là một trong những điều kiện cần để dự thi kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ hành nghề. Trước yêu cầu đó, thời gian gần đây, hàng loạt các khóa học đào tạo đã được tổ chức, chủ yếu dưới dạng trực tuyến, nhưng chất lượng các chương trình không đồng đều.
VARS đã tiếp nhận phản ánh của hội viên về nhiều khóa đào tạo được quảng cáo: “nhanh chóng, chăm sóc từ học tới thi”. Tại buổi học, rất nhiều học viên tham gia không nghiêm túc, làm việc riêng trong giờ, thậm chí không tham gia học. Giáo trình chưa bám sát yêu cầu thực tế của nghề nghiệp hoặc nội dung giảng dạy chưa được cập nhật theo quy định pháp luật mới nhất. Nhiều cơ sở đào tạo thiếu giảng viên có kinh nghiệm thực tế trong lĩnh vực môi giới hoặc không có kiến thức chuyên sâu về luật và quy định hiện hành. Bài kiểm tra đánh giá để cấp giấy chứng nhận cũng chỉ mang tính hình thức...
Đáng chú ý, các khóa học như kể trên lại rất “hút khách". Còn các khóa học được tổ chức bởi các đơn vị chuyên nghiệp, uy tín với nội dung giảng dạy chất lượng và sát với thực tế, lại kém thu hút, thậm chị bị học viên “bỏ qua” do yêu cầu khắt khe trong việc học và thi.
Thực trạng này cho thấy, các khóa học chất lượng không đảm bảo được tổ chức ngang nhiên. Khâu thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật liên quan đến đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới, điều hành sàn giao dịch bất động sản còn lỏng lẻo dù đã được quy định tại điều khoản thi hành của Thông tư hướng dẫn về sàn giao dịch bất động sản - VARS khuyến cáo.
Nhiều môi giới bất động sản không tham gia các khóa học đào tạo, bồi dưỡng kiến thức hành nghề và kỳ thi sát hạch cấp chứng chứng chỉ hành nghề do không sợ phạt. Mặc dù Nghị định 16/2022/NĐ-CP về “Quy định xử phạt hành chính về xây dựng” đã có quy định xử phạt hành chính đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ môi giới bất động sản độc lập mà không có chứng chỉ hành nghề và đã có hiệu lực từ đầu năm 2022 nhưng đến nay vẫn chưa có thông tin về bất cứ trường hợp xử phạt nào. Thậm chí, tại một số địa phương có thị trường bất động sản sơ khai, VARS chỉ rõ, nhiều “cò đất” còn không biết tới các quy định mới này.
Bên cạnh đó, VARS cũng chỉ ra một số nguyên nhân khách quan do việc tổ chức các kỳ thi sát hạch cấp chứng chỉ môi giới bất động sản chưa được triển khai đồng bộ và rộng khắp trên cả nước. Hiện nhiều môi giới có ý định gắn bó lâu dài với nghề đã trải qua quá trình đào tạo chuyên môn nghiệp vụ một cách bài bản, đã tham gia các khóa học bồi dưỡng kiến thức hành nghề môi giới bất động sản cho biết sẵn sàng tham gia kỳ thi sát hạch nhưng phải chờ đợi lâu để có cơ hội dự thi. Điều này gây khó khăn cho những người đang hành nghề hoặc muốn nhanh chóng được cấp chứng chỉ.
VARS phản ánh, đến thời điểm hiện tại, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 có hiệu lực được hơn 2 tháng nhưng vẫn chưa có bất kỳ tỉnh, thành phố nào công bố kế hoạch tổ chức kỳ thi sát hạch. Bởi theo quy định pháp luật mới, trách nhiệm tổ chức kỳ thi sát hạch và cấp chứng chỉ được chuyển sang Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương - đơn vị không có kinh nghiệm, không có cơ quan chuyên trách thực hiện nhiệm vụ này. Do đó, nhiều khả năng môi giới vẫn tiếp tục khó tiếp cận chứng chỉ bởi các địa phương vẫn e ngại, chưa sẵn sàng thực thi.
Do đó, VARS kiến nghị, để các kỳ thi sớm được tổ chức với chất lượng đảm bảo, đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường, Sở Xây dựng hoặc các cơ quan, đơn vị có chức năng tổ chức thi chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản theo quy định trước đó, có thể tham mưu cho địa phương về chính sách, quy định liên quan đến tổ chức thi và cấp chứng chỉ. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ đảm bảo quá trình tổ chức thi diễn ra theo đúng quy định của pháp luật, đồng thời giám sát chất lượng và tính minh bạch của các kỳ thi này.
Cùng đó, VARS cũng khuyến nghị, hiện nay, việc giám sát hoạt động môi giới chưa được thực hiện chặt chẽ, dẫn đến tình trạng nhiều môi giới không quan trọng việc học và thi lấy chứng chỉ. Thậm chí dù có chứng chỉ nhưng vẫn thiếu kinh nghiệm thực tế, hoặc hành nghề không đúng tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp.
Bởi vậy, ngoài việc thi hành quy định cơ quan tiếp nhận và xử lý thông tin vi phạm, Nhà nước cần nâng cao khâu hậu kiểm sau khi cấp chứng chỉ; có các cơ chế giám sát hoạt động của môi giới nhằm đảm bảo họ tuân thủ đầy đủ quy định pháp luật và chuẩn mực nghề nghiệp.
Ngoài ra, để nâng cao tính chuyên nghiệp, minh bạch của thị trường và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro thị trường do hoạt động môi giới, cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường thanh tra, giám sát của cả điều kiện cần là hoạt động đào tạo, bồi dưỡng kiến thức ngành nghề - VARS đề xuất.
Mặt khác, cơ quan quản lý nhà nước cần xây dựng và công khai danh sách các cơ sở đào tạo đủ điều kiện; đảm bảo các cơ sở đào tạo phải được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt và có quy trình đào tạo giảng viên đạt chuẩn; có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những cá nhân hoặc đơn vị tổ chức đào tạo không đảm bảo chất lượng, không tuân thủ quy định.