Check in các cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam và tận mắt được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của miền biên giới, luôn là niềm ao ước của rất nhiều tín đồ xê dịch .
Việt Nam hiện có đường biên giới trên đất liền kéo dài 4.510 km, tiếp giáp với ba nước bạn bao gồm Lào, Campuchia và Trung Quốc, cũng chính vì vậy, các cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam cũng là một điểm nhấn khẳng định chủ quyền lãnh thổ của đất nước, đồng thời là biểu tượng cho tình đoàn kết, tinh thần yêu nước và quyết tâm giữ gìn chủ quyền của bao thế hệ người Việt. Ghé thăm các cột mốc biên giới không chỉ mang đến một trải nghiệm hấp dẫn với cung đường chinh phục đầy ấn tượng, mà còn là nơi hun đúc và khơi lên niềm tự hào dân tộc.
Các cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam nhất định phải check-in một lần
1. Cột mốc A Pa Chải - Điện Biên
A Pa Chải là một trong các cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam được biết đến nhiều nhất, cột mốc này nằm ở cực Tây của tổ quốc, trên đỉnh núi Khoang La San của xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, cách trung tâm thành phố Điện Biên 280 km.
Cột mốc này chính là điểm đánh dấu ngã ba biên giới, là nơi tiếp giáp của Việt Nam Lào và Trung Quốc, được cắm vào ngày 27/6/2005. Tọa lạc ở độ cao trên 1.000 mét so với mực nước biển, cột mốc này mang ý nghĩa đặc biệt.
Cột mốc nằm ở độ cao 1000m so với mực nước biển. Ảnh: @nienie159
Cột mốc có hình tam giác được làm bằng chất liệu đá Granite, cắm giữa một hình lục giác, bên ngoài chính là một khối vuông, diện tích 5x5m cao 2 m. Trên ba mặt của cột mốc đều có khắc tên nước bằng quốc ngữ riêng của quốc gia đó và quốc huy. Đứng từ điểm cao nhất của cực Tây tổ quốc này, bạn có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn khung cảnh bao la của núi rừng trùng điệp, khung cảnh rất tráng lệ.
Nếu như trước đây muốn đến được cột mốc A Pa Chải sẽ phải vượt qua một chặng đường rất khó khăn trên đỉnh núi hiểm trở. Tuy nhiên, hiện tại cung đường chinh phục đã dễ dàng hơn. Từ thành phố Điện Biên, du khách di chuyển đến xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé. Tiếp đó hãy làm thủ tục xin phép tại Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng Điện Biên, rồi mới bắt đầu hành trình chinh phục cột mốc.
2. Mốc 79 - Lai Châu
Cột mốc 79 tọa lạc ở trên dãy Phàn Liên San, xã Mồ Sì San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu, đây được biết đến là đỉnh núi cao thứ 5 tại Việt Nam hiện tại và còn được nhiều tín đồ xê dịch ví von là “nóc nhà của biên giới”, nằm ở độ cao lên đến 2880 m so với mực nước biển.
Đây cũng là một trong các cột mốc biên giới nổi tiếng ở Việt Nam cao nhất hiện nay, cột mốc được chính thức cắm từ ngày 24/10/2004, ở độ cao 3000m so với mực nước biển, nằm ở khu vực Yên Ngựa của đỉnh núi Phàn Liên San. Đây là một cột mốc đơn loại nhỏ được làm bằng chất liệu đá hoa cương, tọa lạc trên đỉnh núi với tọa độ là 22°4514.145" N 103°2608.476" E.
Cột mốc 79 nằm trên đỉnh núi cao thứ 5 ở Việt Nam. Ảnh: Laichau.gov.vn
Nếu như du khách khởi hành từ xã Pa Vây Sử, thì phải mất khoảng một ngày mới có thể đặt chân đến cột mốc này. Cung đường chinh phục cột mốc cũng vô cùng đặc biệt, bởi đoạn đầu là cảnh sắc vô cùng kỳ vĩ với những cánh rừng nguyên sinh tuyệt đẹp, tuy nhiên đoạn cuối của cung đường sẽ là những dốc đứng vô cùng hiểm trở, muốn đi lên cần bám theo những vách đá và rễ cây, đi qua những thảm lá tre thì mới tới được cột mốc nằm giữa rừng.
3. Cột mốc 428 - Hà Giang
Nhiều người thường nghĩ rằng cột cờ Lũng Cú chính là cột mốc biên giới ở Hà Giang, tuy nhiên điểm cột mốc chính xác là cột mốc 428 nằm cách danh thắng cột cờ khoảng 4km đến 5 km về hướng Bắc, cũng là nơi đánh dấu lãnh thổ giao giữa hai nước Việt Nam và Trung Quốc.
Địa chỉ của cột mốc biên giới nổi tiếng ở Việt Nam này cũng là nơi mà sông nho Quế bắt đầu chảy vào đất Việt, nằm ở địa phận của bản Xéo Lủng, thuộc xã Lủng Củ, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.
Mặc dù cung đường để đến với cột mốc 428 chỉ khoảng 2 km, nhưng muốn chinh phục thì sẽ cần phải mất đến gần 3 tiếng, bởi địa hình lên cột mốc rất hiểm trở, đường ngoằn ngoèo nhiều đoạn dốc thẳng đứng.
Cột mốc 428 có địa hình hiểm trở. Ảnh: ST
Cũng chính bởi vị trí nằm đặc biệt trên vùng núi cao hiểm trở như vậy, nên để xây dựng được cột mốc này phải mất tới gần 2 năm, với sự đóng góp không hề nhỏ của đồng bào người Mông bản địa.
Đây là mốc giới đơn loại nhỏ, được làm bằng chất liệu đá hoa cương, đặt ở trên một dốc núi với độ cao 788,83m so với mực nước biển, thuộc tọa độ 23°22’47,068” vĩ độ Bắc và 105°18’23,235” kinh độ Đông.
Check in ở cột mốc 428, bạn có thể dễ dàng nhìn ngắm được vẻ đẹp của dòng sông Nho Quế chỉ cách đó khoảng 2 km. Đây sẽ là một điểm dừng chân tuyệt vời để ngắm nhìn vẻ đẹp của một phần đất nước từ mảnh đất địa đầu Hà Giang.
4. Cột mốc 1378 - Quảng Ninh
Cột mốc 1378 cũng là một trong những cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam, đây cũng là cột mốc cuối cùng thuộc tuyến biên giới Việt - Trung nằm ở trên cửa sông Bắc Luân, thuộc mũi Sa Vĩ, thuộc phường Trà Cổ, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Vì nằm ở cửa sông, nên muốn đi thăm cột mốc sẽ cần phải dùng ca nô, mùa nước cạn thì có thể lội bộ. Vị trí nằm đặc biệt nên để xây dựng được cột mốc 1378 đều cần phải dựa vào con nước, thời gian thi công dài ngày và vất vả. Cột mốc này có hình trụ, được xây rất cao để không bị ngập khi nước thủy triều lên. Đỉnh của trụ này là một cột mốc hoa cương, tương tự như các cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam khác trên đất liền với hai mặt, một bên đánh số và viết bằng ngôn ngữ quốc gia.
Cột mốc nằm giữa cửa sông với sóng nước bao la. Ảnh: Phượt Xuyên Việt
Vì nằm ở vị trí đặc biệt, nên để chinh phục cột mốc 1378 không hề đơn giản. Bạn cần được Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng của Quảng Ninh cấp phép, sau đó sẽ được đồn biên phòng trực tiếp quản lý cột mốc 1378 cử cán bộ đưa ra. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn chạm tay vào cột mốc 1378 trên biển, bởi đôi khi vì lý do an ninh hoặc nguy hiểm nên đồn biên phòng Trà Cổ sẽ không cho phép du khách ra tham quan tại cột mốc, mà chỉ có thể ngắm nhìn từ xa.
Dù vậy, đứng ở bờ đê của khu vực vành đai biên giới, hướng ra cửa sông Bắc Luân du khách cũng có thể ngắm nhìn cột mốc 1378 giữa vùng sông nước xa xa là những bãi cát sẫm màu và rừng phi lao rì rào.
>> Xem thêm: Tour du lịch Tây Nguyên hấp dẫn
5. Cột mốc Đông Dương - Kon Tum
Nói đến các cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam, chắc chắn không thể thiếu cột mốc Đông Dương, nơi đánh dấu vị trí tiếp giáp của ba nước Đông Dương bao gồm Việt Nam, Lào và Campuchia.
Nơi đây cũng đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn của tỉnh Kon Tum, thu hút nhiều bạn trẻ đam mê xê dịch và khám phá tìm đến. Theo đó, cột mốc Đông Dương nằm ở xã biên giới Bờ Y, huyện Ngọc Hồi của tỉnh Kon Tum. Cột mốc này được xây dựng vào năm 2007 và đến năm 2009 mới hoàn thiện, cột mốc tọa lạc trên một đỉnh núi cao 1086m so với mặt nước biển.
Cột mốc ngã ba biên giới Đông Dương nằm ở xã Bờ Y, tỉnh Kon Tum. Ảnh: kontumgov
Thiết kế của cột mốc Ngã ba Đông Dương có dạng hình trụ tam giác, được xây dựng bằng đá hoa cương với bề mặt sáng đẹp, ba mặt của tam giác là Quốc huy của ba nước và ngôn ngữ riêng. Người ta vẫn thường gọi vui vị trí của cột mốc Ngã ba Đông Dương là nơi mà “một tiếng gà gáy ba nước cùng nghe” vì vậy khi khám phá nơi đây, du khách sẽ được chiêm ngưỡng rừng núi trùng điệp của cả ba quốc gia.
Kết hợp với hành trình chinh phục cột mốc ngã ba Đông Dương, du khách cũng có thể check in cửa khẩu quốc tế Bờ Y nằm cách đó không xa.
6. Mũi Đôi - Khánh Hòa
Không chỉ được biết đến là địa điểm đón bình minh sớm nhất ở Việt Nam mà còn là một trong những cột mốc biên giới nổi tiếng được nhiều người biết tới, mũi Đôi từ lâu đã trở thành địa điểm check in quen thuộc với nhiều du khách. Mũi Đôi còn có tên gọi khác là mũi Bà Dầu, nằm ở địa phận của đảo Hòn Gốm, thuộc Vịnh Vân Phong, xã Vạn Thành, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa.
Cột mốc này được chính quyền của tỉnh Khánh Hòa lên kế hoạch xây dựng từ năm 2016 và năm 2017 công trình chính thức hoàn thành. Cột mốc này là cột đá hoa cương hình tam giác đều, trên cột mốc có ghi dòng chữ "Mũi Đôi - Hòn Đôi (Hòn Đầu), điểm cực Đông của Việt Nam ở trên đất liền với tọa độ 12˚39'0" vĩ độ Bắc - 109˚28'0" kinh độ Đông.
Mũi Đôi, điểm cực Đông của tổ quốc trên đất liền. Ảnh: ST
Dù không nằm ở vị trí quá xa xôi, nhưng cung đường để chinh phục cột mốc cực Đông của tổ quốc này cũng không hề đơn giản. Du khách sẽ cần phải trải qua một đoạn đường khá dài với địa hình đồi núi xen lẫn cát đặc trưng ở Nam Trung Bộ. Tuy nhiên, khi đặt chân đến cột mốc này, du khách hẳn sẽ phải ngỡ ngàng bởi cảnh đẹp tuyệt vời của mũi cực Đông với biển trời bao la.
7. Cột mốc 240 - Đồng Tháp
Đến với tỉnh Đồng Tháp và ghé qua vùng Cửa khẩu Thường Phước, bạn đừng bỏ lỡ cơ hội được đến với cột mốc 240, nơi được biết đến nơi dòng Mê Kông bắt đầu chảy vào Việt Nam. Cột mốc này tọa lạc Cửa khẩu Thường Phước, thuộc huyện Hồng Ngự của tỉnh Đồng Tháp, tiếp giáp với cửa khẩu quốc tế Kaoh Roka, tỉnh Prey Veng, Campuchia.
Cột mốc 240 nằm ở biên giới của tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: @eo.quay100
Đây là cột mốc A được xây dựng từ tháng 3/2009 với diện tích 100m và được hoàn thành chỉ trong 120 ngày. Cùng với cột mốc 240 thì còn có cột mốc 241 nằm song song ở hai bên bờ sông Mê Kông, chính là điểm đánh dấu của dòng sông mẹ huyền thoại chạy vào đất Việt.
Đứng từ đây, bạn có thể ngắm nhìn vẻ đẹp vĩ đại của con sông huyền thoại đã chảy qua vùng Tây Tạng, Trung Quốc, Lào, Myanmar ,Thái Lan rồi đến với Việt Nam thì rẽ thành 9 nhánh, tạo nên dòng sông Cửu Long huyền thoại.
8. Mốc tọa độ quốc gia GPS0001 - Cà Mau
Đây là một trong các cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam, đánh dấu chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Theo đó, cột mốc tọa lạc ở bên trong Công viên văn hóa Du lịch Mũi Cà Mau, thuộc khu Dự trữ sinh quyển thế giới mũi Cà Mau đã được UNESCO công nhận.
Cột mốc tọa độ Quốc gia GPS0001 tức cây số 0 là địa điểm check in quen thuộc đối với nhiều du khách khi ghé thăm nơi này. Tại đây, du khách sẽ được check in với hình tượng chiếc thuyền căng đầy gió đang hướng ra biển khơi, trên cánh buồm có ghi dòng chữ mũi Cà Mau với tọa độ 8°37'30'' vĩ độ bắc, 104°43' kinh độ đông.
Cột mốc toạ độ quốc gia GPS0001 là điểm đến ưa thích của du khách. Ảnh: ST
>> Xem thêm: Ngẩn ngơ trước khung cảnh rực rỡ tại các làng hoa đẹp nổi tiếng ở miền Tây
Với nhiều người dân Việt các cột mốc biên giới nổi tiếng Việt Nam, không chỉ đơn thuần là những tấm bia đá hoa cương được đánh số một cách vô tri, mà đó chính là nơi thể hiện chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, là dấu ấn của tinh thần yêu nước và quyết tâm gìn giữ từng tấc đất từ thời cha ông. Mỗi cột mốc không chỉ đơn thuần là điểm đến, mà còn là niềm tự hào để mỗi lần dừng chân sẽ lại càng thấy thêm yêu tổ quốc mình.
Hồng Thọ - dulichvietnam.com.vn
Ảnh: Internet