Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Các hãng xe điện lo lắng trước lệnh cấm mới của Trung Quốc liên quan tới pin

Markettimes 3 Giờ trước

Khi thế giới đua nhau điện hóa ngành giao thông để đạt mục tiêu "zero carbon" thì một quốc gia đã âm thầm chiếm lĩnh vị trí trung tâm trong cuộc đua này: đó là Trung Quốc. Từ kiểm soát nguyên liệu thô như đất hiếm, cobalt, đến việc làm chủ gần như toàn bộ chuỗi giá trị sản xuất pin xe điện (EV).

Mới đây, trong một động thái chiến lược được nhiều nhà phân tích ví như việc "vũ khí hóa" công nghệ, Trung Quốc đã chính thức áp đặt các hạn chế xuất khẩu đối với một số công nghệ cốt lõi trong sản xuất pin xe điện (EV) và chế biến lithium.

Quyết định này, được công bố bởi Bộ Thương mại Trung Quốc, đòi hỏi giấy phép của chính phủ cho bất kỳ hoạt động chuyển giao công nghệ nào ra nước ngoài, gây ra làn sóng lo ngại và tác động sâu rộng đến các hãng xe điện và chuỗi cung ứng toàn cầu vốn đang phụ thuộc nặng nề vào cường quốc châu Á này.

Đây không phải lần đầu Bắc Kinh tung "đòn gió" kiểu này. Trước đó, họ đã hạn chế xuất khẩu đất hiếm và nam châm vĩnh cửu – vật liệu quan trọng trong cả xe điện, smartphone, lẫn radar quân sự. Tuy nhiên, với công nghệ pin EV, mức độ ảnh hưởng thậm chí sâu hơn và nguy hiểm hơn: bởi không hãng xe nào có thể sản xuất ô tô điện mà không cần pin.

Vũ khí hóa công nghệ

Động thái của Trung Quốc không chỉ đơn thuần là bảo vệ sở hữu trí tuệ hay lợi ích kinh tế quốc gia, mà còn được coi là một công cụ địa chính trị mạnh mẽ. Giới chuyên gia nhận định đây là một bước đi nhằm củng cố vị thế thống trị của Trung Quốc trong ngành công nghiệp EV toàn cầu, đồng thời gây áp lực lên các quốc gia và hãng xe nước ngoài vốn đang nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung và phát triển công nghệ pin độc lập.

Các công nghệ bị hạn chế bao gồm những kỹ thuật quan trọng trong sản xuất vật liệu cực âm pin lithium sắt phốt phát (LFP) – loại pin phổ biến nhờ giá thành thấp và độ an toàn cao – cùng với quy trình tinh chế và khai thác lithium.

Việc kiểm soát chặt chẽ này mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy đáng kể, đặc biệt khi Trung Quốc chiếm tới 94% công suất sản xuất LFP toàn cầu và cung cấp 70% sản lượng lithium đã qua chế biến của thế giới.

Sự phụ thuộc của ngành công nghiệp EV toàn cầu vào Trung Quốc là điều không thể phủ nhận. Nhiều nhà sản xuất ô tô lớn trên thế giới đang sử dụng pin EV của Trung Quốc trong các dòng xe của họ. Các nhà sản xuất pin EV Trung Quốc chiếm ít nhất 67% thị phần toàn cầu, cho thấy tầm ảnh hưởng sâu rộng của họ.

Các ông lớn như Tesla đang sử dụng pin LFP từ CATL cho dòng Model 3 và Model Y, Volkswagen phụ thuộc vào nguồn cung từ Gotion hay Ford hợp tác với CATL để xây dựng nhà máy pin tại Michigan, Mỹ.

Khi những công nghệ lõi bị hạn chế xuất khẩu, các hãng xe này rơi vào tình thế khó xử: hoặc chấp nhận chuyển giao sản xuất sang Trung Quốc, hoặc đầu tư phát triển nội địa với chi phí và thời gian rất lớn.

Theo nhiều chuyên gia, lệnh cấm mới có thể gây rủi ro chuỗi cung ứng và chi phí bởi việc siết chặt kiểm soát có thể gây ra sự chậm trễ trong các dự án hợp tác quốc tế, tăng chi phí sản xuất pin và kéo dài thời gian đưa các mẫu xe mới ra thị trường.

Nếu các chuỗi cung ứng gặp trục trặc, giá pin có thể tăng, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của các mẫu xe điện từ các thương hiệu phụ thuộc vào công nghệ Trung Quốc.

Ngoài ra, động thái này chắc chắn sẽ đẩy nhanh nỗ lực của các quốc gia như Mỹ và Liên minh Châu Âu nhằm tăng cường nội địa hóa sản xuất vật liệu tiền chất và khả năng tinh chế kim loại. Các hãng xe lớn như Ford, Volkswagen hay GM đã và đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng pin bằng cách hợp tác với các nhà sản xuất pin ở châu Âu, Bắc Mỹ và Đông Nam Á.

Tuy nhiên, việc xây dựng năng lực sản xuất độc lập sẽ mất nhiều năm và đòi hỏi nguồn lực đầu tư khổng lồ.

Bên cạnh đó, mặc dù các công ty pin lớn của Trung Quốc như CATL và BYD có các nhà máy và kế hoạch mở rộng ở nước ngoài, các hạn chế mới có thể gây khó khăn cho việc chuyển giao công nghệ nền tảng. Điều này đặc biệt đáng lưu ý khi các thị trường như EU đang khuyến khích các nhà sản xuất ô tô và pin Trung Quốc thiết lập nhà máy trong khu vực để tránh thuế quan.

Tuy nhiên một số nhà phân tích nhận định rằng các hạn chế này dường như nhắm vào các công nghệ xử lý thượng nguồn, chứ không phải sản xuất pin và mô-đun cuối cùng. Do đó, các nhà máy hiện tại của CATL ở Đức và Hungary, vốn tập trung vào sản xuất pin và mô-đun, có thể không bị ảnh hưởng đáng kể ngay lập tức.

Tương tự, BYD, công ty chỉ lắp ráp gói pin ở nước ngoài, cũng có thể chưa chịu tác động trực tiếp. Tuy nhiên, tác động lâu dài và cách thức các công ty có thể xin được giấy phép vẫn còn là một ẩn số lớn.

Cái giá của phụ thuộc

Trung Quốc đã tạo ra một lợi thế đáng kể trong công nghệ pin EV thông qua những đổi mới vượt trội như "Super E-Platform" của BYD hay pin LFP nâng cấp của CATL, mang lại phạm vi di chuyển ấn tượng và thời gian sạc nhanh.

Việc kiểm soát xuất khẩu công nghệ này không chỉ bảo vệ lợi thế cạnh tranh mà còn đảm bảo vị thế của Trung Quốc trong cuộc đua phát triển xe điện toàn cầu.

Các quốc gia và hãng xe lớn đang bắt đầu phản công khi Mỹ thông qua Đạo luật Giảm Lạm Phát (IRA) với hàng tỷ USD hỗ trợ sản xuất pin và khai thác lithium trong nước. Phía EU thì khởi động chương trình Net-Zero Industry Act, ưu tiên tài trợ các nhà máy pin phi Trung Quốc. Hàn Quốc, Nhật Bản cũng đẩy mạnh đầu tư vào công nghệ pin thể rắn và hợp tác khai thác lithium tại Nam Mỹ.

Tuy nhiên, dù tiền bạc có thể đổ vào, thì kinh nghiệm và trình độ kỹ thuật trong sản xuất pin của Trung Quốc vẫn vượt trội. CATL và BYD hiện vẫn đi trước phần còn lại từ 5 đến 10 năm về cả hiệu suất, giá thành và độ ổn định của công nghệ.

Nếu từng có một thời thế giới lo lắng về việc phụ thuộc vào dầu mỏ Trung Đông, thì pin EV đang trở thành "dầu mỏ mới", và Trung Quốc chính là "OPEC" của thế kỷ 21.

Việc Trung Quốc kiểm soát công nghệ không chỉ ảnh hưởng đến lợi nhuận của các hãng xe điện, mà còn đe dọa chiến lược an ninh năng lượng và kinh tế của nhiều quốc gia. Trong một thế giới nơi biến đổi khí hậu đòi hỏi chuyển đổi sang phương tiện điện nhanh chóng, sự phụ thuộc vào Trung Quốc đặt cả hành tinh vào thế… tiến thoái lưỡng nan.

Quyết định này của Trung Quốc là một lời nhắc nhở rõ ràng về sự phức tạp của chuỗi cung ứng toàn cầu và vai trò ngày càng tăng của công nghệ trong các cuộc cạnh tranh địa chính trị. Các hãng xe và quốc gia nước ngoài giờ đây phải đối mặt với một thách thức kép: vừa phải đảm bảo nguồn cung pin ổn định, vừa phải nhanh chóng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để giảm bớt sự phụ thuộc vào các công nghệ quan trọng của Trung Quốc.

Với động thái siết chặt xuất khẩu công nghệ pin EV, Trung Quốc đang gửi đi một thông điệp rõ ràng: Họ không chỉ là nhà cung cấp linh kiện, mà là người kiểm soát luật chơi. Trong cuộc đua điện hóa toàn cầu, bất kỳ ai muốn thắng – đều phải tính đến vai trò của Bắc Kinh.

*Nguồn: CNN, Fortune, BI

Xem bản gốc