Phát biểu tại hội thảo “Tăng cường vai trò của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia hiệu quả, thực chất vào thị trường quốc tế” ngày 30/12, đại diện cơ quan thương vụ Việt Nam tại một số thị trường lớn trên thế giới nhấn mạnh đây là thời điểm hội tụ nhiều điều kiện để các doanh nghiệp trong nước, bao gồm cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) mở rộng hoạt động ra thị trường toàn cầu.
HỘI TỤ CÁC ĐIỀU KIỆN CẦN THIẾT
Thông tin tại hội thảo, ông Đỗ Ngọc Hưng, Tham tán thương mại Việt Nam tại Mỹ, cho biết với vị thế đối tác thương mại lớn thứ 8 của Mỹ trên toàn cầu và lớn nhất trong khu vực ASEAN, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn tiếp tục có cơ hội để mở rộng hoạt động tại nền kinh tế lớn nhất thế giới này.
Theo đó, hàng hóa Việt Nam chỉ mang tính chất bổ trợ chứ không trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước của Mỹ, là điều kiện phù hợp để tiêu dùng Mỹ tiếp cận hàng hóa Việt Nam với chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện và giá cả cạnh tranh.
Số liệu cho thấy thị trường bán buôn, bán lẻ tại Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng, lượng hàng tồn kho tại Mỹ đang giảm mạnh trong những tháng cuối năm, trong đó có những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu. Ngoài các sản phẩm phù hợp với thị hiếu tiêu dùng của người dân Mỹ, các doanh nghiệp Việt Nam cũng được các nhà bán lẻ và nhập khẩu hàng hóa của nước này đón nhận.
Ông Hưng cho biết trong các buổi làm việc với cơ quan đại diện ngoại giao, đại diện các tập đoàn bán lẻ của Mỹ khẳng định Việt Nam là một đối tác chiến lược lâu dài.
Dự kiến trong quý 1/2025, Walmart - Tập đoàn bán lẻ lớn nhất thế giới, sẽ phối hợp với Bộ Công Thương để tổ chức phổ biến thông tin cho 150-200 các nhà bán buôn, bán lẻ Việt Nam để đưa sản phẩm lên hệ thống phân phối và sàn giao dịch điện tử của Walmart. Theo thống kê, hàng năm Walmart tiêu thụ khoảng 2 tỷ USD các sản phẩm được Việt Nam xuất khẩu sang thị trường nước ngoài.
Không chỉ tại Mỹ, các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cũng có đầy đủ cơ hội để thâm nhập vào Hàn Quốc, một thị trường lớn hàng đầu khác ở khu vực châu Á. Theo thương vụ Việt Nam tại Hàn Quốc, nước này có dung lượng tiêu thụ hàng hóa khá cao, với kim ngạch nhập khẩu mỗi năm lên tới khoảng 500-600 tỷ USD. Các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa thâm nhập sâu vào thị trường này nên còn nhiều dư địa để phát triển.
Ông Phạm Khắc Tuyên, Tham tán Thương mại Việt Nam tại Hàn Quốc, cho biết tình hình xuất nhập khẩu Việt Nam sang Hàn Quốc phục hồi nhanh sau đại dịch, dự kiến năm 2024 xuất khẩu đạt 23,4 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2023. Kim ngạch thương mại song phương năm 2024 dự kiến đạt 82 tỷ USD, tăng 7% so với năm 2023.
“Kim ngạch của một số mặt hàng chủ lực của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, thủy sản chủ yếu xuất phát từ hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp vừa và nhỏ”, ông Phạm Khắc Tuyên ghi nhận những kết quả tích cực của các SME khi thâm nhập thị trường Hàn Quốc.
Việt Nam cũng có hiệp định thương mại tự do với Hàn Quốc thông qua các văn kiện song phương và đa phương. Các mặt hàng như dệt may, thủy sản, đồ gỗ cũng có tỷ lệ tận dụng chứng chỉ xuất sứ (℅) khá cao, ở mức từ 80-90%. Việt Nam cũng vị trí địa lý thích hợp khi chỉ cách Hàn Quốc 4 giờ bay. Luồng vận chuyển hàng hóa từ Việt Nam sang Hàn Quốc diễn ra thường xuyên và ổn định, giúp hạ đáng kẻ chi phí logistics.
Ngoài ra, trong quá khứ, doanh nghiệp Hàn Quốc luôn coi Trung Quốc là thị trường quan trọng nhất. Tuy nhiên, do những căng thẳng chính trị cũng như thất bại khi thâm nhập thị trường này nên Hàn Quốc đã bắt đầu chuyển hướng sang những thị trường tiềm năng khác, trong đó có Việt Nam.
CẦN THẬN TRỌNG KHI TIẾN RA THỊ TRƯỜNG QUỐC TẾ
Dù nhận định việc mở rộng hoạt động ra nước ngoài sẽ đem lại nguồn lực phát triển mới, đại diện các thương vụ cảnh báo doanh nghiệp Việt Nam không vì nguồn lợi nhuận lớn mà bỏ qua những rủi ro tiềm tàng. Theo ông Phạm Khắc Tuyên, dù Hàn Quốc có dung lượng tiêu thụ hàng hóa lớn, nhưng lại giàu tính cạnh tranh với doanh nghiệp từ nhiều quốc gia khác nhau mong muốn có chỗ đứng tại thị trường này.
Theo đó, Hàn Quốc có cơ cấu giống Việt Nam khi ngoài các tập đoàn lớn dẫn dắt nền kinh tế thì có cộng đồng SME lớn và mạnh mẽ, chiếm khoảng 96% tổng số doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng có nhiều doanh nghiệp từ các khu vực khác như Trung Mỹ và Nam Mỹ đang muốn tiến vào thị trường quốc gia Đông Á này, tạo ra áp lực cạnh tranh lớn cho doanh nghiệp Việt Nam.
"Giống với các thị trường phát triển khác, các SME của Việt Nam muốn gia nhập thị trường Hàn Quốc sẽ phải đáp ứng các tiêu chuẩn về kỹ thuật và an toàn vệ sinh chặt chẽ, thậm chí còn ở mức cao hơn so với tại Mỹ và khu vực châu Âu", ông Tuyên nhấn mạnh; đồng thời cho biết các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang thiếu kiến thức về xu hướng tiêu dùng và thiếu các điều kiện về pháp lý khi đăng ký sản phẩm và giải quyết tranh chấp”.
Bổ sung thêm, ông Đỗ Ngọc Hưng cảnh báo doanh nghiệp SME của Việt Nam cũng sẽ gặp thách thức về nguồn lực khi đối phó với các biện pháp phòng vệ thương mại được các quốc gia phát triển đưa ra.
Đồng thời doanh nghiệp Việt Nam cũng cần cẩn trọng khi làm việc với các đối tác nước ngoài. Theo đó, nếu trong trường hợp các doanh nghiệp Việt Nam không có đủ nguồn lực, có thể làm việc trực tiếp với các cơ quan đại diện ngoại giao để tiến hành xác minh thông tin pháp lý và điều kiện tài chính của các đối tác nước ngoài trước khi thực hiện giao dịch.
Ngoài ra, các SME muốn tham gia thị trường nước ngoài nên phát triển sự hiện diện trên các nền tảng thương mại điện tử như Walmart hay Amazon. Duy trì các kênh phân phối ở thị trường chung gian, tham gia hội chợ triển lãm quốc tế thông qua các chương trình do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cơ quan xúc tiến thương mại và nhà phân phối lớn trong và ngoài nước tổ chức.