Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Các tập đoàn công nghệ đặt cược vào năng lượng hạt nhân

Báo Tin tức 2 Tuần trước
Chú thích ảnh Quang cảnh nhà máy điện hạt nhân Bugey ở Saint-Vulbas, Pháp. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Bộ Năng lượng Mỹ, mức sử dụng điện toàn cầu có thể tăng tới 75% vào năm 2050, trong đó động lực chính là tham vọng AI của ngành công nghệ.

Các trung tâm dữ liệu cung cấp năng lượng cho AI và điện toán đám mây có thể sớm phát triển lớn đến mức chúng có thể sử dụng nhiều điện hơn cả một thành phố.

Trong bối cảnh cuộc đua AI ngày càng khốc liệt, nhiều tập đoàn công nghệ nhận thấy nhu cầu năng lượng ngày càng không phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững.

Sau nhiều năm tập trung vào năng lượng tái tạo, các công ty công nghệ lớn đang chuyển sang năng lượng hạt nhân vì khả năng cung cấp năng lượng hiệu quả và bền vững hơn. Google, Amazon, Microsoft và Meta là một trong những cái tên đình đám của làng công nghệ đang khám phá hoặc đầu tư vào các dự án điện hạt nhân, xuất phát từ cơn “khát năng lượng” của các trung tâm dữ liệu và mô hình AI. Diễn biến này đánh dấu khởi đầu một xu hướng trong toàn ngành.

Vào tháng 10, Amazon tuyên bố họ đang đầu tư vào các lò phản ứng hạt nhân nhỏ. Trước đó chỉ hai ngày, Google có thông báo tương tự. Đáng chú ý, vào tháng 9, chủ sở hữu nhà máy điện hạt nhân Three Mile Island tại Pennsylvania (Mỹ) cho biết rằng họ có kế hoạch khởi động lại lò phản ứng để Microsoft có thể mua điện cung cấp cho các trung tâm dữ liệu.

Đến tháng 12, công ty mẹ của Facebook là Meta tuyên bố đang tìm kiếm các nhà phát triển có thể đưa lò phản ứng hạt nhân vào hoạt động từ đầu những năm 2030 để hỗ trợ các trung tâm dữ liệu và cộng đồng xung quanh.

Giám đốc cấp cao về năng lượng và khí hậu tại Google - ông Michael Terrell - phân tích: “Năng lượng hạt nhân mang nhiều lợi ích. Đó là nguồn điện không phát thải carbon. Đó là nguồn điện có thể luôn bật và chạy mọi lúc. Và nó mang lại tác động kinh tế to lớn”.

Sau khi hạt nhân phần lớn bị xóa sổ trong quá khứ do lo ngại lan rộng về sự cố và rủi ro an toàn, nhiều chuyên gia nhận định rằng các khoản đầu tư gần đây của tập đoàn công nghệ lớn là bước khởi đầu để “hồi sinh hạt nhân”, có thể đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng ở Mỹ và trên toàn thế giới.

Xem bản gốc