Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Cách người Hàn Quốc chơi golf: Tận dụng sân cỏ công viên, đánh cả ngày chỉ mất hơn 150 nghìn đồng tiền phí

Markettimes 1 Tuần trước

Sự đơn giản và tính dễ tiếp cận của golf công viên đang giúp bộ môn thể thao này nổi lên như một xu hướng giải trí mới tại Hàn Quốc. Nhiều sân chơi mọc lên trên khắp cả nước để phục vụ nhóm người đam mê golf ngày càng đông đảo.

Để chơi golf ở công viên, bạn chỉ cần một cây gậy và bóng nhựa. Kích thước bóng lớn hơn và các lỗ cũng có độ khó giảm đi so với tiêu chuẩn, giúp việc ăn điểm có phần dễ dàng hơn.

Mỗi đội gồm ba hoặc bốn người, cố gắng đưa bóng vào lỗ với ít cú đánh nhất. Chi phí chơi golf công viên rất rẻ, miễn phí hoặc khoảng 6 USD/ngày (hơn 150 nghìn đồng).

“Sân golf công viên đã trở thành nguồn tài nguyên du lịch quan trọng cho thị trấn”, Thị trưởng Quận Hwacheon Choi Moon-soon tự hào nói. 

Cơ sở chơi golf công viên lớn nhất của quận, nằm dọc theo bờ sông, có 4 sân, được dán nhãn từ A đến D. Phí vào cửa là 5.000 won (3,58 USD) cho người lớn. Dân địa phương sẽ được hưởng ưu đãi. Thiết bị cho thuê có sẵn.

“Ban đầu, đến đây chủ yếu là người cao tuổi. Gần thì chúng tôi thấy nhiều thế hệ hơn tham gia môn thể thao này, bao gồm các nhóm bạn 20, 30, cũng như các gia đình có trẻ nhỏ”, quản lý sân nói. 

Hwacheon tổ chức 4 giải đấu thường niên, thu hút cả người tham gia từ Nhật Bản. Các cuộc thi cung cấp giải thưởng tiền mặt lên tới 30 triệu won.

Theo Liên đoàn Parkgolf Hàn Quốc, sự bùng nổ của môn golf công viên tại quốc gia này có thể bắt nguồn từ đầu những năm 2000 khi một thành phố của Hàn Quốc quảng bá môn thể thao như một sáng kiến ​​vì sức khỏe và cộng đồng. Số lượng người chơi ở Hàn Quốc hiện đã vượt quá 150.000, gần gấp đôi so với một thập kỷ trước. 

Hàn Quốc hiện có ít nhất 530 cơ sở chơi golf công viên trên khắp cả nước và sự phổ biến không hề có dấu hiệu chậm lại. Vào những ngày cuối tuần, cảnh tượng mọi người trên tàu điện ngầm và đường phố Seoul, vai khoác chiếc túi đựng gậy dần trở nên quá quen thuộc. 

“Trong số các quốc gia, Hàn Quốc là nước nhiệt tình nhất với môn golf công viên”, một phát ngôn viên của hiệp hội khoe và cho biết môn thể thao này phát triển nhanh đến nỗi một số người chơi gặp khó khăn trong việc đặt lịch.

Do sự phổ biến ngày càng tăng của các sân golf nằm trong công viên, chính quyền nhiều tỉnh ở địa phương đang tích cực mở các sân mới hoặc mở rộng các sân hiện có. Bằng cách tận dụng các bờ sông từng được cải tạo, họ có thể xây dựng khu vực chơi golf giá rẻ một cách nhanh chóng và tiết kiệm.

Được biết, sân golf công viên ra đời ở Hokkaido (Nhật Bản) vào năm 1983. Đến năm 1998, nó lần đầu xuất hiện ở Hàn Quốc, tại một trung tâm phúc lợi cao cấp ở Jinju, tỉnh Nam Gyeongsan.

Ngoài ra, từ khoảng năm 2020, các trình mô phỏng golf công viên ảo -- thiết lập trong nhà với màn hình hiển thị sân -- cũng trở nên phổ biến. Masil Park Golf, một thương hiệu với 30 chi nhánh trên toàn quốc, ra mức phí khoảng 8.000 won cho mỗi buổi chơi. Các buổi mô phỏng truyền thống thường có giá khoảng 25.000 won.

Vào năm 2023, Masil Park Golf bắt đầu tổ chức các giải đấu golf công viên ảo kết nối người chơi trên khắp cả nước. “Chúng tôi đặt mục tiêu tăng cường các địa điểm luyện tập trong nhà an toàn và tiếp tục truyền bá văn hóa chơi golf công viên”, người đứng đầu công ty lưu ý.

Tương tự ở Hàn Quốc, người Mỹ cũng có cách tiếp cận bộ môn golf rất…đặc biệt. Họ đi chân trần, mặc những bộ quần áo đơn giản và thậm chí, “bình dân hóa” bộ môn thể thao vốn được coi là rất đắt đỏ. 

“Chúng ta nên biến việc chơi golf trở thành một thú vui không quá hình thức”, Mike Miles, cựu golf thủ 60 tuổi, chủ sân golf The Yards, nói.

Theo The New York Times, những sân golf bình dân kiểu The Yards là “mối đe dọa” đối với loại hình golf truyền thống ra đời cách đây 10 năm, song nhiều người vẫn chấp nhận “làn gió mới” - thứ giúp “bình dân hóa” thú vui triệu đô của giới nhà giàu.

“Đưa hương vị mới vào golf sẽ giúp bộ môn nàyđáp ứng được những nhu cầu mang tính phát triển”, Joe Beditz, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của National Golf Foundation cho biết.

Theo Ashleigh McLaughlin, cựu vận động viên golf kiêm Giám đốc điều hành của Youth on Course, lối chơi golf truyền thống đang được mở rộng chứ không hề bị thay thế.

“Giống như nhiều nơi trên thế giới, golf đang được đánh thức nhờ tính đa dạng và sự hòa nhập. Mọi người có thể chơi golf, tận hưởng chúng theo nhiều cách khác nhau, chẳng hạn như đi chân trần, nghe nhạc và không mặc áo polo. Sẽ chẳng có ai phán xét về những thứ đó cả”, McLaughlin, một người chơi golf cho hay.

Nhờ làn gió mới của những sân golf bình dân như kiểu The Yards, người Mỹ trở nên cởi mở hơn với môn thể thao này. Họ gọi đây là phong trào golf kiểu mới, nơi người chơi có thể thoải mái đi chân trần, uống bia, trò chuyện rôm rả và không bị phán xét trang phục.

“Chúng tôi đã trở thành một điểm chơi golf quốc tế mà không cần đồ ăn, thức uống sang trọng hay hệ thống ống nước trong nhà. Trước đây, khi chưa nhiều người biết đến Sweetens Cove và việc kinh doanh vẫn còn đình trệ, tôi không nghĩ rằng ngày này sẽ xảy ra”, ông chủ một sân golf bình dân nói.

Nhờ làn sóng chơi golf mới nổi, phục vụ sân chơi theo đó trở thành công việc có thu nhập hậu hĩnh tại Mỹ. Ngoài lương cứng, những nhân viên này, trong đó có bà mẹ đơn thân Lauren Balcioni, nhận được rất nhiều tiền tip từ khách hàng. Chia sẻ với BI, cô cho biết mình có thể dễ dàng kiếm 600 USD (hơn 14 triệu đồng) tiền tip trong một ca làm việc và có thể đi làm vào cuối tuần.

Theo: The NY Times, Nikkei Asia 

Xem bản gốc