Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang tác động gì đến dòng vốn FDI vào Việt Nam?

Vneconomy 1 Tháng trước

Ông Donald Trump đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay, đồng thời đảng Cộng hòa cũng giành quyền kiểm soát cả Thượng viện và Hạ viện. Kết quả của cuộc bầu cử đã mở ra một kỷ nguyên mới cho “Làn sóng đỏ” của Đảng Cộng Hòa với trọng tâm là cắt giảm thuế cho doanh nghiệp và tăng thuế quan đối với hàng nhập khẩu.

Sự thay đổi này sẽ định hình lại vị thế của các đối tác thương mại lớn của Mỹ, bao gồm Việt Nam, quốc gia ghi nhận thương mại song phương với Mỹ đạt 110 tỷ USD vào năm 2023.

Trước những diễn biến này, VnDirect vừa có những phân tích toàn diện các chính sách do Trump đề xuất và tác động tiềm tàng đến vị thế thương mại, vốn đầu tư FDI cũng như dư địa điều hành chính sách tài khóa và tiền tệ của Việt Nam. 

THUẾ QUAN MỸ: CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC NÀO CHO VIỆT NAM?

Mức thuế 60% được ông Trump đề xuất đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và mức thuế phổ thông 10-20% đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ nước khác có thể có tác động đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Việt Nam.

Theo VnDirect, việc áp thuế nhập khẩu có thể gia tăng áp lực lên lạm phát Mỹ, đè nặng lên nhu cầu tiêu dùng, qua đó ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu của Việt Nam khi Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất, chiếm khoảng 29% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam.

Trong số đó, không loại trừ nguy cơ phía Việt Nam đối mặt với sự gia tăng điều tra phòng vệ thương mại từ Mỹ do thâm hụt thương mại lớn giữa Mỹ và Việt Nam (104,6 tỷ USD vào năm 2023; 90,6 tỷ USD trong 10 tháng năm 2024) và xu hướng FDI Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam ngày càng tăng. Chỉ riêng năm 2023, Mỹ đã khởi xướng 59 vụ điều tra phòng vệ thương mại đối với Việt Nam, chiếm gần 25% tổng số vụ phòng vệ thương mại do nước ngoài điều tra đối với hàng xuất khẩu Việt Nam.

Trước những diễn biến khó lường về khả năng Trump áp thuế nhập khẩu, VnDirect chia ra ba kịch bản tác động tới triển vọng xuất khẩu của Việt Nam, tương ứng với các mức thuế khác nhau.

Kịch bản cơ sở: Trung Quốc bị áp thuế 60% và các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế 10-20%. Giả sử tất cả các yếu tố khác không đổi, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ duy trì ổn định ở mức 8% so với cùng kỳ. Ngay cả khi ông Trump áp dụng mức thuế phổ thông 10-20% lên các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ (ngoài Trung Quốc), việc Việt Nam có lợi thế về chênh lệch thuế quan với Trung Quốc được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam ít nhất giữ được thị phần trong rổ hàng nhập khẩu từ Mỹ.

Kịch bản tích cực: Trung Quốc bị áp thuế 60% và không áp dụng thuế quan phổ thông. Tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ vượt 8%, được củng cố bởi chênh lệch thuế đáng kể so với Trung Quốc, cùng với lợi thế cạnh tranh về vị trí chiến lược, các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, chi phí nhân công và lực lượng lao động dồi dào.

Kịch bản tiêu cực: Trung Quốc bị áp thuế 60%, các quốc gia xuất khẩu sang Mỹ bị áp thuế 10-20% và Việt Nam bị áp thuế bổ sung. Ở kịch bản tiêu cực này, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ giảm đáng kể so với mức kỳ vọng 8%.

Tác động tiêu cực có thể sẽ không chỉ đến từ việc bị áp thêm thuế mà còn đến từ rủi ro bị điều tra phòng vệ thương mại tăng lên. Cùng lúc đó, Việt Nam sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh giành thị phần tại thị trường Mỹ từ các nước xuất khẩu có lợi thế cạnh tranh tương tự. Mức độ nghiêm trọng của tác động sẽ phụ thuộc vào từng loại mặt hàng xuất khẩu, mức thuế suất hiện hành và thời điểm bị áp thuế.

Tác động của việc tăng thuế đối với mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam nếu xảy ra sẽ khác nhau tùy theo mức thuế áp dụng, thời điểm thực hiện, tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Mỹ trong tổng giá trị xuất khẩu của sản phẩm đó, và 4) cạnh tranh từ các sản phẩm thay thế nội địa Mỹ và các đối thủ xuất khẩu khác trong cùng phân khúc.

VnDirect đánh giá tác động tiềm tàng của việc tăng thuế (nếu xảy ra) đối với sáu nhóm hàng xuất khẩu chính từ Việt Nam sang Mỹ: sản phẩm điện tử, dệt may và da giày, máy móc & thiết bị, gỗ & sản phẩm gỗ, thủy sản và Sắt thép các loại. Các mặt hàng này chiếm gần 80% giá trị nhập khẩu của Mỹ từ Việt Nam vào năm 2023.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang tác động gì đến dòng vốn FDI vào Việt Nam? - Ảnh 1

Nhìn chung,  trong khi xuất khẩu hàng tiêu dùng có thể bị ảnh hưởng do áp lực lạm phát cao hơn, các sản phẩm xuất khẩu phục vụ doanh nghiệp Mỹ sẽ được hưởng lợi từ chính sách giảm thuế doanh nghiệp và dỡ bỏ các quy định hạn chế. 

VIỆT NAM NHIỀU CƠ HỘI HƠN RỦI RO

VnDirect tin rằng căng thẳng thương mại Mỹ-Trung leo thang có thể gây ảnh hưởng đến việc thu hút vốn FDI vào Việt Nam. Mặc dù Trung Quốc ghi nhận nguồn vốn FDI vào Việt Nam gia tăng đáng kể, chiếm 13,3% tổng vốn FDI đăng ký mới của Việt Nam trong 10T24, vẫn không thể loại trừ khả năng FDI từ Trung Quốc có nguy cơ giảm do các biện pháp phòng vệ thương mại ngày càng tăng từ Mỹ (liên quan tới nguồn gốc, xuất xứ của hàng xuất khẩu).

Tuy nhiên, sự thay đổi cục bộ này có thể tạo cơ hội cho Việt Nam gia tăng thu hút FDI từ các đồng minh khác của Mỹ, như Hàn Quốc, Đài Loan và Nhật Bản.

Với việc Trung Quốc là “đối tượng nhắm đến chủ chốt” của ông Trump, các quốc gia đồng minh của Mỹ có thể sẽ xem xét gia tăng dịch chuyển chuỗi cung ứng sang Việt Nam để giảm thiểu rủi ro liên quan đến cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung. Điều này được kỳ vọng sẽ dẫn đến làn sóng đa dạng hóa FDI cho Việt Nam về lâu dài.

Căng thẳng thương mại Mỹ - Trung leo thang tác động gì đến dòng vốn FDI vào Việt Nam? - Ảnh 2

Nhìn chung, VnDirect tin rằng thay vì đưa ra các quyết định đầu tư dựa trên một nhiệm kỳ tổng thống Mỹ vốn chỉ kéo dài 4 năm, việc rót vốn FDI sẽ đến từ phụ thuộc vào chiến lược dài hạn của nhà đầu tư cũng như những giá trị cốt lõi mà quốc gia được đầu tư mang lại. Việc Việt Nam sở hữu môi trường đầu tư hấp dẫn, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, lực lượng lao động dồi dào cũng như vị trí địa lý chiến lược sẽ là những thế mạnh giúp Việt Nam duy trì sức hút đối với dòng vốn FDI trong tương lai.

Để chuẩn bị trước những thay đổi trong chính sách thương mại của Mỹ, Việt Nam cần phải củng cố vị thế là đối tác thương mại đáng tin cậy thông qua việc tăng cường minh bạch trong lĩnh vực thương mại và có những nỗ lực được ghi nhận trong việc giảm thâm hụt thương mại của Mỹ với Việt Nam thông qua tăng nhập khẩu, đàm phán và ký kết các hiệp định thương mại lớn, chẳng hạn như các hiệp định liên quan đến khí đốt LNG và mua máy bay từ các nhà sản xuất Mỹ.

Bên cạnh đó, để giảm thiểu nguy cơ trở thành trung tâm trung chuyển hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ, Việt Nam cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm đối phó với những mặt hàng Trung Quốc có dấu hiệu “né thuế Mỹ”.

Ngoài ra, việc tiếp tục thúc đẩy quan hệ ngoại giao là cần thiết trong thời điểm rủi ro địa chính trị và nguy cơ phân cực gia tăng.

Tính đến thời điểm hiện tại, mặc dù Việt Nam vẫn bị phân loại là “Nền kinh tế phi thị trường”, việc chúng ta được xác định không thao túng tiền tệ là một tín hiệu tốt. Hơn hết, nếu Việt Nam tiếp tục khẳng định mình là đối tác thương mại đáng tin cậy sẽ giúp giảm thiểu nguy cơ việc Mỹ áp các biện pháp phòng vệ thương mại hà khắc lên Việt Nam, và sự thay đổi chính quyền Mỹ lần này có thể đem đến nhiều cơ hội, hơn là rủi ro với Việt Nam.

Xem bản gốc