Vụ Hè Thu năm nay, gia đình bà Hoàng Thị Hiếm, ở xóm Làng Can, xã Lương Can, huyện Hà Quảng cấy hơn 4.000m2 lúa, đến nay, phần lớn đều bị thiệt hại do ảnh hưởng của mưa bão.
“Thiệt hại quá nặng nề do cây lúa bị ngập úng đúng thời điểm trổ bông nên không thể phục hồi được” - bà Hiếm xót xa.
Hiện tại, đơn vị đang tích cực tham mưu UBND huyện triển khai các biện pháp khắc phục. Đồng thời, áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích bị thiệt hại không có khả năng khắc phục, Phòng sẽ hướng dẫn người dân chuẩn bị đất chuyển đổi sang trồng các loại cây thay thế phù hợp.
Bà Đường Thị HuệPhó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hà Quảng
Cùng với gia đình bà Hiếm, xóm Làng Can có khoảng 30 hộ dân bị ngập úng gần 5ha cây trồng. Trong đó có hơn 2ha nguy cơ mất trắng; số còn lại có khả năng hồi phục chỉ khoảng 30%, nhưng năng suất bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Thông tin từ UBND xã Lương Can cho biết, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, mưa lớn dài ngày đã làm khoảng 14ha cây trồng của xã bị ảnh hưởng, thiệt hại trên 70% diện tích (trong đó có gần 6ha lúa, 4ha ngô và trên 4ha rau màu). Ngay sau khi mưa tạnh, nước lũ rút, Đảng ủy, chính quyền xã Lương Can đã chỉ đạo cán bộ khuyến nông và các xóm khẩn trương thống kê diện tích thiệt hại.
Cùng với đó, chính quyền xã vận động Nhân dân tăng cường thăm đồng, tập trung khắc phục đối với diện tích bị ảnh hưởng nhẹ như dựng cây lúa bị đổ, khơi thông dòng chảy, tiêu úng; phân loại diện tích lúa bị ngập để có biện pháp khắc phục kịp thời... Sau đó, mới thực hiện bón bổ sung phân kali để tăng khả năng chống đổ, giúp cây lúa phục hồi.
“Đối với diện tích bị mất trắng, xã tuyên truyền truyền, vận động bà con tích cực cải tạo đất, thực hiện trồng sớm các cây rau màu vụ đông thay thế”, ông Triệu Văn Cường, Chủ tịch UBND xã Lương Can cho biết.
Còn theo bà Đường Thị Huệ, Phó trưởng Phòng NN&PTNT huyện Hà Quảng: Qua thống kê, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn huyện có gần 400ha lúa và hoa màu bị ngập úng, trong đó nhiều diện tích có khả năng mất trắng, ảnh hưởng đến nguồn cung lương thực cho địa phương. Hiện tại, đơn vị đang tích cực tham mưu UBND huyện triển khai các biện pháp khắc phục. Đồng thời, áp dụng cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân khôi phục lại sản xuất nông nghiệp. Đối với diện tích bị thiệt hại không có khả năng khắc phục, Phòng sẽ hướng dẫn người dân chuẩn bị đất chuyển đổi sang trồng các loại cây thay thế phù hợp.
Trước ảnh hưởng của mưa lũ, Sở NN&PTNT Cao Bằng đã thành lập các đoàn kiểm tra đánh giá mức độ thiệt hại tại các địa bàn trọng điểm. Trên cơ sở đó, đề nghị các địa phương tuyên truyền, vận động người dân tăng cường vệ sinh đồng ruộng, chú ý việc tiêu thoát nước. Đồng thời, hướng dẫn bà con khẩn trương làm đất, chuẩn bị hạt giống trồng và ưu tiên trồng những loại rau ăn lá, củ quả ngắn ngày... để sớm có sản phẩm, có nguồn thu nhập trước mắt. Tiếp tục sử dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình mục tiêu quốc gia hỗ trợ cây, con giống; có chính sách hỗ trợ kinh phí kịp thời cho các hộ dân bị ảnh hưởng nặng, từng bước phục hồi sản xuất.
Bà Đoàn Thị Thuấn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và chăn nuôi, Sở NN&PTNT tỉnh Cao Bằng cho biết: Để khắc phục hậu quả do thiên tai và bù đắp sản lượng bị thiệt hại, đối với lúa, hoa màu, người dân cần tranh thủ thời tiết thuận lợi khẩn trương thu hoạch ngay lúa mùa sớm. Chủ động vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị đất để sản xuất vụ Xuân 2025. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, kịp thời theo dõi, phát hiện và chủ động phòng chống một số sâu bệnh phổ biến bảo đảm năng suất các loại cây trồng.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cao Bằng, do ảnh hưởng của cơn bão số 3, toàn tỉnh có khoảng 2.000ha cây trồng bị ngập úng, dập nát và hư hỏng. Trong đó có 900ha lúa, 1.133ha hoa màu. Các địa phương bị thiệt hại nặng, gồm: Bảo Lạc, Bảo Lâm, Nguyên Bình, Hòa An, Hòa An...