(Xây dựng) - Quy hoạch tỉnh Cao Bằng nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn. Đồng thời, xây dựng tỉnh Cao Bằng ngày càng vững mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh.
Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh phát biểu tại cuộc họp. |
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh chủ trì cuộc họp rà soát Quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1486/QĐ-TTg ngày 24/11/2023. Phạm vi, ranh giới quy hoạch tỉnh bao gồm toàn bộ diện tích tự nhiên tỉnh là 6.700,3km2, gồm 1 thành phố và 9 huyện.
Mục tiêu tổng quát Quy hoạch tỉnh Cao Bằng nhằm khai thác và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 để phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững hơn. Đồng thời, xây dựng tỉnh Cao Bằng ngày càng vững mạnh về kinh tế, vững chắc về quốc phòng an ninh.
Chỉ tiêu cụ thể: Về kinh tế tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) bình quân thời kỳ 2021 - 2030 đạt 9,72%/năm. GRDP bình quân/người khoảng 102 triệu đồng/người (giá hiện hành). Thu ngân sách tăng bình quân trên 12%/năm. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025 giảm bình quân trên 4,0%/năm; duy trì mức giảm tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2030.
Tại cuộc họp, một số đại biểu đã tập trung tham luận, thảo luận về một số nội dung có trong Quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ nhưng chưa phù hợp với các quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan. Thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu trong hồ sơ quy hoạch chưa đảm bảo chính xác có thể gây khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh. Tiến độ triển khai lập và trình ban hành kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh rất chậm. Những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh thuộc các lĩnh vực giao thông, đất đai, tài nguyên, môi trường; đất khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, đất năng lượng…
Quy hoạch tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. |
Tỉnh Cao Bằng sẽ sớm trình văn bản xin ý kiến các Bộ, ngành Trung ương kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh. Ngoài ra, xem xét điều chỉnh, bổ sung cụ thể danh mục các dự án hạ tầng, du lịch, văn hoá. Nghiên cứu xây dựng chi tiết kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; đề xuất nguồn vốn và phân kỳ đầu tư thực hiện các chương trình dự án trong thời kỳ quy hoạch. Thực hiện các phương án phát triển mạng lưới giao thông, kinh tế cửa khẩu, kinh tế nông, lâm nghiệp, thủy sản; phát triển du lịch; ngành công nghiệp, khu, cụm công nghiệp; thăm dò khai thác, sử dụng khoáng sản… nhằm hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Xuân Ánh đề nghị: Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu cho UBND tỉnh thành lập Tổ công tác triển khai Quy hoạch tỉnh và kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh; tổng hợp, ghi chép đầy đủ các ý kiến đóng góp tại cuộc họp của lãnh đạo các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố trình UBND tỉnh. Các huyện, thành phố thành lập Tổ công tác giúp UBND huyện tập trung rà soát điều chỉnh các quy hoạch, đảm bảo và chịu trách nhiệm về tính chính xác đối với thông tin, dữ liệu, số liệu, tài liệu và sự phù hợp, thống nhất giữa quy hoạch tỉnh với các quy hoạch khác đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Các Sở, ban, ngành, huyện, thành phố tổ chức rà soát, báo cáo kịp thời về các nội dung thông tin chưa chính xác; chưa phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành có liên quan và có ý kiến về UBND tỉnh trước ngày 30/12/2024.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh đối với các nội dung nhiệm vụ, công việc được giao liên quan đến quy hoạch. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện của các sở, ngành, địa phương; tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt thẩm quyền (nếu có) để chỉ đạo kịp thời.