Nền kinh tế Mỹ đang ở trong một “trạng thái mong manh”, khi chính quyền sắp tới của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể sẽ thực thi những chính sách có tác dụng đẩy mạnh và cả những chính sách gây hạn chế tăng trưởng kinh tế, đồng thời khiến thâm hụt ngân sách chính phủ tăng mạnh hơn - CEO David Solomon của ngân hàng Goldman Sachs nhận định.
Phát biểu tại một sự kiện ở New York ngày 14/1, ông Solomon nói ông “rất lạc quan” và kỳ vọng rằng việc nới lỏng mạnh mẽ các quy chế giám sát như ông Trump đã hứa sẽ kích thích đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại Mỹ. Nhưng ông cũng cảnh báo về những tác động tiềm tàng của kế hoạch siết chặt kiểm soát nhập cư, bao gồm trục xuất hàng triệu người nhập cư trái phép.
Nhà điều hành cấp cao nhất của nhà băng hàng đầu Mỹ nói xu hướng tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn dài chủ yếu phản ánh kỳ vọng của thị trường về việc khối nợ công khổng lồ của Mỹ tiếp tục tăng lên. Hôm thứ Ba, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm vượt 4,79%, cao nhất kể từ tháng 11/2023.
“Tôi rất lạc quan, nhưng chúng ta đang ở vào một vị thế mong manh”, ông Solomon phát biểu.
Vị CEO cho rằng các quy chế giám sát mà chính quyền Tổng thống sắp mãn nhiệm Joe Biden đặt ra đã khiến giới CEO Mỹ trì hoãn kế hoạch đầu tư. Chính quyền ông Trump sắp tới “đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng họ muốn cắt giảm các quy chế giám sát. Chủ trương đó rất có lợi cho tăng trưởng và đầu tư, và tôi nghĩ đó là một điều tích cực”, ông nói thêm.
Ông Solomon nhận định việc gia hạn chương trình cắt giảm thuế được thông qua trong nhiệm kỳ trước của ông Trump, trong đó có nhiều hạng mục hết hạn trong năm nay, cũng “có thể có tác dụng kích thích tăng trưởng kinh tế”.
“Nhưng với các chính sách khác mà chính quyền sắp tới đang nói đến, chúng ta thực sự phải chờ xem họ thực thi thế nào”, ông Solomon nói, đề cập tới việc ông Trump đe dọa áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu và thắt chặt kiểm soát người nhập cư.
Ông Solomon khẳng định bảo vệ biên giới là một việc quan trọng, “nhưng khi nói về trục xuất người nhập cư trái phép, một điều vô cùng cần thiết là chúng ta phải cân bằng việc đó với việc duy trì tăng trưởng lượng người nhập cư”.
“Xét về tổng thể các thay đổi chính sách sắp tới, một số chính sách có thể rất có lợi cho tăng trưởng, nhưng một số lại có khả năng kìm hãm tăng trưởng. Tôi cho rằng chúng ta sẽ phải theo dõi rất cẩn trọng xem tương quan ảnh hưởng giữa các chính sách đó như thế nào”, ông nói.
Thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ đã bán tháo trong những tháng gần đây, khiến lợi suất tăng nhanh. Sau báo cáo việc làm mạnh hơn dự báo công bố vào tuần trước, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ càng tăng cao hơn. Nhưng theo ông Solomon, xu hướng tăng của lợi suất không phải ánh kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cứng rắn hơn trong chính sách tiền tệ hay mối lo về sự dai dẳng của lạm phát.
“Nợ công của Mỹ đang lớn. Tỷ lệ thâm hụt ngân sách so với GDP đang lớn. Nếu nhìn vào những đề xuất chính sách hiện nay, tôi cho rằng điều rất quan trọng là chúng ta cần đưa chi tiêu, thâm hụt và mức nợ về tầm kiểm soát”, vị CEO cảnh báo.
Ông nói thêm: “Điều mà các nhà đầu tư trái phiếu đang muốn nói là trong thời gian còn lại của thập kỷ này, Chính phủ Mỹ còn chi tiêu nhiều và điều đó đang đẩy lãi suất dài hạn lên cao. Đã lâu, chúng ta không chứng kiến lãi suất dài hạn tăng cao như vậy. Đó là một sự thay đổi mà chúng ta cần theo dõi”.