Một nhà thiết kế máy bay chiến đấu hàng đầu của Trung Quốc tiết lộ rằng các tiêm kích tương lai sẽ tích hợp hệ thống không người lái, trí tuệ nhân tạo (AI) và nhiều công nghệ tiên tiến khác, đồng thời cần được sản xuất theo cách tương tự như điện thoại di động.
Trong chuyến thăm Hồng Kông gần đây của tàu sân bay Thâm Quyến thuộc Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, tiêm kích dựa trên tàu sân bay J-15T mới phát triển đã ra mắt công chúng trên boong tàu, thu hút sự chú ý rộng rãi.
Ông Tôn Thông, viện sĩ Viện Hàn lâm Kỹ thuật Trung Quốc và nhà thiết kế trưởng của tiêm kích J-15, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với CCTV News rằng các hệ thống không người lái và AI chắc chắn sẽ được tích hợp vào máy bay chiến đấu. Ông nhấn mạnh J-15 tập trung vào khả năng cơ động và sử dụng vũ khí, trong khi J-35 sẽ ưu tiên thông tin hóa và tốc độ, đảm bảo phản ứng nhanh từ phát hiện, giao chiến đến rút lui.
“Theo đà phát triển công nghệ, các tiêm kích trên tàu sân bay của Trung Quốc sẽ ngày càng thông minh hơn”, ông Tôn Thông khẳng định.
Ông cũng cho rằng cần đẩy nhanh tốc độ sản xuất máy bay, tương tự như cách sản xuất điện thoại di động. “Sản xuất tiêm kích như điện thoại nghĩa là mọi chức năng sẽ dựa trên phần mềm, với nền tảng và chức năng được thiết kế độc lập. Khi nâng cấp nền tảng, tích hợp chức năng sẽ tạo ra sản phẩm mới,” ông giải thích.
Tôn Thông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rút ngắn chu kỳ phát triển máy bay, vốn thường kéo dài 15-20 năm. “Nếu các quốc gia khác giới thiệu công nghệ mới mỗi 5 năm, chúng ta sẽ bị tụt hậu với tốc độ hiện tại,” ông cảnh báo.
Vương Á Nam, tổng biên tập tạp chí Kiến thức Hàng không Vũ trụ tại Bắc Kinh, nhận định với Global Times rằng quan điểm của Tôn Thông rất tiến bộ, đặt ra mục tiêu phát triển rõ ràng. Ông cho rằng tiêm kích tương lai cần các giao diện chuẩn hóa để hỗ trợ nâng cấp “cắm là chạy” và kiến trúc mở với khả năng tương thích linh hoạt.