Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chàng trai nghèo được cả làng góp tiền cho đi học, đến khi thành tỷ phú năm nào cũng biếu quà Tết, có người được lì xì gần 350 triệu đồng

Markettimes 5 Ngày trước

Lưu Cường Đông, chủ tịch hội đồng quản trị của Tập đoàn JD, đang gửi quà Tết và tiền mặt cho dân làng ở quê nhà Quang Minh, Tô Châu. Mỗi hộ dân sẽ nhận được quà trị giá từ 6.000 đến 8.000 tệ, trong đó, hàng trăm người trên 60 tuổi được nhận phong bì tiền mặt trị giá 10.000 tệ (hơn 34 triệu đồng). Giáo viên tiêu biểu tại quê nhà sẽ được 100.000 tệ (hơn 340 triệu đồng)

Hôm 7/1, 11 chiếc xe chở trước quà năm mới đã có mặt tại làng Quang Minh. Điểm bố trí trao quà trước trụ sở thôn đã hoàn tất.

“Chúng tôi đã họp chiều nay để sắp xếp việc phát quà Tết vào ngày 8/1, thời gian liên tục trong ba ngày”, ông Trương Lập Tân, bí thư thôn nói và cho biết quà năm nay nhiều hơn năm trước. Tại điểm phát quà có dán một bức thư chúc Tết của Lưu Cường Đông.

Lưu Cường Đông là chủ tịch hội đồng quản trị của tập đoàn JD.com, với khối tài sản ròng 6,6 tỷ USD. Đây không phải lần đầu tiên ông phát tiền và quà Tết cho người dân quê nhà. Từ Tết 2015, ông đã cùng vợ Chương Trạch Thiên trở về quê, phát cho hơn 650 người trên 60 tuổi mỗi người 10.000 tệ.

Tết 2018, ông gửi tặng hơn 800 hộ gia đình trong làng những gói quà từ thực phẩm đến đồ gia dụng, trong khi Tết 2024, Lưu Cường Đông cho đi hơn 1.000 chiếc áo lông và hơn 1.000 hộp quà.

Tình cảm sâu sắc vậy bởi sở dĩ, suốt những năm tháng tuổi thơ, vị tỷ phú này đã có mối quan hệ sâu sắc với dân làng. Nhà nghèo không có tiền học đại học, ông Đông được cả làng góp 500 tệ và 76 quả trứng để chắp cánh ước mơ. Ân tình được ông mãi khắc cốt ghi tâm. 

Sau khi thành công trong sự nghiệp, ông đã sử dụng ảnh hưởng của mình để giúp Tô Châu thu hút đầu tư, giải quyết vấn đề việc làm. Các trung tâm dịch vụ khách hàng của các công ty như Dangdang, Jumei cũng được đưa về Tô Châu. 

Được biết, ông Đông đã đầu tư 4,5 tỷ tệ để phát triển công viên công nghệ thông tin JD.com tại Tô Châu. Hai năm trước, ông còn quyên góp 100 triệu tệ giúp phát triển giáo dục tại địa phương. Cư dân mạng đã không ngừng khen ngợi trước câu chuyện “Ơn nhỏ trả nghĩa lớn, 500 tệ đổi lấy 4,5 tỷ tệ”. 

Ông Lực, một người dân 71 tuổi ở thôn Quang Minh, cho biết dù sau này Lưu Cường Đông không còn phát tiền hay quà Tết nữa, ông vẫn rất biết ơn. 

“Không phát cũng là điều hợp lý, đó đều là tiền anh ấy vất vả kiếm được. Những gì anh ấy đã làm, 10 năm cũng không thể quên”, ông nói.

Lưu Cường Đông không phải vị tỷ phú duy nhất tôn vinh truyền thống lấy ơn trả ơn. Trần Sinh, vị đại gia hơn 60 tuổi - Chủ tịch tập đoàn đồ uống Tiandi No 1 Beverage, cũng xây tặng biệt thự cho cả làng vì năm xưa được mọi người góp tiền cho đi học. 

screenshot-2025-01-10-at-09.29.38.pngTrần Sinh xây biệt thự tặng cả làng 

“Làng của chúng ta cuối cùng cũng có người đầu tiên đỗ đại học, vì thế, chúng ta nhất định phải cho thằng bé đi học”, một người đại diện khi đó nói, sau đó đưa cho Trần Sinh một tập tiền lẻ nhàu nát, tổng cộng là 21 nhân dân tệ - số tiền tương đương với thu nhập 1 tháng của viên chức nhà nước thời bấy giờ. 

Cầm số tiền đó của dân làng, Trần Sinh bật khóc cảm ơn tấm lòng của họ và khăn gói lên Bắc Kinh với lời tự hứa rằng khi thành công sẽ trả ơn cho làng mình hàng trăm nghìn lần.

Khi đã thành tỷ phú, Trần Sinh quay về ngôi làng năm xưa. Những năm đầu, ông tích cực quyên góp tiền để xây trường học và lát xi măng cho các con đường để dân làng đi lại thuận tiện. 

Đến năm 2012, vị chủ tịch còn đầu tư 100 triệu tệ xây dựng một cơ sở chăn nuôi lợn trong làng với hơn 250 chuồng. Công ty của ông cung cấp lợn giống, thức ăn và vaccine cho đàn lợn đồng thời cam kết thu mua lợn sau khi xuất chuồng. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của dân làng từ chỗ chỉ đạt 3.300 tệ vào trước năm 2012 đã tăng lên gần 100.000 tệ/năm, tất cả là nhờ “cần câu cơm” mà Trần Sinh trao cho họ. 

Sau khi giải quyết vấn đề thu nhập, Trần Sinh tính đến chuyện nhà ở cho dân làng. Ông tâm sự rằng mỗi khi trở về, nhìn thấy ngôi làng đổ nát và những người dân làm việc chăm chỉ nhưng vẫn không đủ tiền xây nhà mới, ông lại thấy xót xa. Chính vì thế, năm 2013, ông chi 200 triệu tệ để xây 258 biệt thự sang trọng trên đất do chính quyền cấp. Mỗi căn biệt thự rộng 280 m2, gồm 5 phòng ngủ, 2 phòng khách, 1 nhà xe và vườn.

Với tầm nhìn dài hạn, vị đại gia còn xây thêm một số dãy biệt thự nhỏ ở quê nhà để phát triển du lịch nông thôn. Việc này có thể đem lại cho người dân nơi đây thu nhập khoảng 30.000 tệ mỗi năm. 

Theo: QQ, Paper

Xem bản gốc