Đây là phát biểu của ông Nguyễn Tiến Thoả, nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam (VVA) tại Toạ đàm “Bảo đảm điện cho tăng trưởng – Yêu cầu và giải pháp", do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vừa tổ chức sáng 7/5.
Phát biểu tại Toạ đàm, Đại biểu Quốc hội Phan Đức Hiếu cho biết, năm 2025 Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu tăng trưởng trên 8% GDP. Năng lượng, đặc biệt năng lượng điện, là yếu tố đầu vào rất quan trọng trong sản xuất kinh doanh và để đạt mục tiêu tăng trưởng như trên cần thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tiêu dùng. Điều này khiến cho nhu cầu về năng lượng và điện tất yếu sẽ tăng lên.
Tuy nhiên, nhu cầu năng lượng không chỉ tăng về mặt sản lượng hoặc mức tiêu thụ năng lượng mà hiện giờ nền kinh tế còn có yêu cầu cao hơn về chất lượng của nguồn năng lượng.
Với các thách thức đặt ra của ngành năng lượng gồm đảm bảo an ninh năng lượng, đảm bảo đủ điện cho nền kinh tế và đảm bảo chất lượng nguồn điện thì trong thời gian tới giá điện phải khác đi.
Liên quan đến giá điện và điểm nghẽn về giá điện, ông Nguyễn Tiến Thoả, Nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, giá điện hiện nay có 3 bất cập lớn:
Thứ nhất, mang tính bao trùm và có thể coi là điểm nghẽn, đó là: Giá điện chưa thực hiện theo cơ chế giá thị trường, trong nhiều năm qua không được tính đúng tính đủ các chi phí đầu vào để sản xuất ra 1 kWh điện. Bên cạnh đó, giá điện chưa được khắc phục tình trạng mua cao bán thấp diễn ra trong nhiều năm.
Thứ hai, giá điện phải gánh quá nhiều mục tiêu: Thường giá điện phải bảo đảm để hỗ trợ ngành điện phát triển tăng trưởng ổn định, khuyến khích thu hút đầu tư nhưng cũng phải bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, phải kiểm soát lạm phát, bảo đảm an sinh xã hội, bảo đảm sử dụng điện tiết kiệm.
Trên thực tế, những mục tiêu này hội tụ trong giá điện lại không đồng thuận 100% với nhau mà có những xung đột, giằng co nhau trong quá trình thực hiện. Để xử lý mối quan hệ, bảo đảm hài hòa giữa các mục tiêu này trong giá điện là rất khó, một số mục tiêu không thực hiện được.
Thứ ba, cơ chế bù chéo trong giá điện như bù chéo giữa các hộ sinh hoạt với nhau, bù chéo giữa giá điện sinh hoạt và giá điện sản xuất, bù chéo giá điện giữa các vùng miền khác nhau. Cơ chế này đã kéo dài quá lâu khiến chúng ta không thể thực hiện được cơ chế giá thị trường đối với điện.
Theo Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam, từ những bất cập đó, gây ra những hệ quả. Điển hình là điện không được tính đúng tính đủ thì sẽ lỗ, giá điện sẽ không phản ánh đúng giá trị của 1 kWh điện đã sản xuất ra. Như vậy, giá điện sẽ trở thành giá bao cấp cho toàn xã hội, dẫn đến việc khó khuyến khích thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nguồn và lưới điện. Đồng thời, không tạo áp lực mạnh để thực hiện chiến lược sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đặc biệt trong sản xuất kinh doanh, đổi mới công nghệ.
Một điểm rất quan trọng nữa là ngành điện luôn bị dòng tiền âm, chúng ta có thể hiểu là lỗ. Điều đó có nghĩa là không cân đối được dòng tiền cho nên rất khó giúp ngành điện tái sản xuất, tái đầu tư và phát triển bền vững. Việc này cũng đe dọa đến mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng mà chúng ta đã đề ra.
Chủ tịch Hội Thẩm định giá cho rằng, cần phải thực hiện giải pháp dài hạn. Đó là phải chuyển điều hành giá điện sang thực hiện theo cơ chế giá thị trường thông qua việc tính đúng, tính đủ giá điện và phải sửa biểu giá điện hiện hành để xử lý những bất cập.
“Tôi nghĩ rằng, công thức tính giá điện hiện nay cần phải bỏ chi phí khác đi. Chi phí khác bản chất là chi phí chưa được tính đúng tính đủ mà chúng ta phân bổ dần. Có những loại chi phí gọi là chi phí khác, ví dụ như chênh lệch tỉ giá. Cho nên công thức tính giá điện theo cơ chế thị trường phải tính lại, ví dụ như chi phí phát, chi phí truyền tải, chi phí bán lẻ, quản lý… Cần tính đủ chi phí và phải có lợi nhuận nhất định”, ông Nguyễn Tiến Thoả nói.
Bên cạnh đó, phải bỏ bù chéo với giá điện và xử lý bằng chính sách khác về giá điện giữa các vùng miền cho phù hợp. Một điểm nữa là hiện nay trong giá điện vẫn thể hiện chính sách xã hội, cho nên trong điều hành tới cần tách bạch chính sách xã hội ra khỏi giá điện.
“Chúng ta không bỏ chính sách an sinh xã hội, không bỏ những người yếu thế. Để tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được với dịch vụ cơ bản này thì chúng tay phải dùng chính sách khác”, Chủ tịch Hội Thẩm định giá nhấn mạnh.
Việc cộng an sinh vào trong giá sẽ làm méo mó giá điện, do đó không nên cộng an sinh vào trong giá. Trước mắt, nếu làm được việc này, sẽ rất có ích với ngành điện. Ngành điện sẽ có điều kiện để bảo đảm cung ứng điện cho tăng trưởng kinh tế như mục tiêu mà Chính phủ và Quốc hội đã đề ra.