Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chiếm lợi nhuận tỷ USD, nhóm big 4 vẫn lép vế trong cuộc đua tăng vốn

Doanh nhân trẻ Việt Nam 1 Tháng trước
 TL.

Việc tăng vốn điều lệ luôn được các ngân hàng đặt lên hàng đầu, nhằm nâng cao năng lực tài chính, song nhóm big 4 ngân hàng vẫn gặp khó khăn trong tăng vốn. Ảnh: TL.

Ngân hàng tư nhân 'vượt mặt' Big 4 

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, tăng vốn điều lệ là nhu cầu bức thiết để đáp ứng quy định về tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn. Kể từ cuối tháng 10/2023, tỷ lệ tối đa vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng chính thức giảm xuống mức 30%. 

Các ngân hàng đã và đang ồ ạt phát hành trái phiếu để giải tỏa áp lực nhưng thực tế cho thấy cuối quý II/2024, tỷ lệ này ở nhóm ngân hàng thương mại nhà nước là 24,45%, còn nhóm ngân hàng thương mại cổ phần vẫn vượt xa quy định với mức 40,82%.  

Như vậy, nhu cầu bổ sung vốn trung và dài hạn của các nhà băng vẫn còn rất lớn. Bên cạnh đó là áp lực nợ xấu bủa vây, số dư nợ xấu của 28 ngân hàng niêm yết đã tăng thêm 14,4% so với đầu năm, trái ngược với xu hướng giảm từng ghi nhận vào quý IV/2023.  

Sau khi tăng thêm hơn 100.000 tỷ đồng vốn điều lệ trong năm 2023, các ngân hàng thương mại tiếp tục công bố kế hoạch tăng vốn thêm khoảng 167.000 tỷ đồng trong năm 2024. Hiện tại, mục tiêu này cũng đang diễn ra rầm rộ khiến thứ hạng trên bảng xếp hạng vốn điều lệ liên tục thay đổi và dự kiến cuộc đua sẽ còn nóng bỏng hơn nữa.  

Đáng chú ý, các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước (Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV) hiện vẫn là những điểm sáng với lợi nhuận tỷ USD. Thế nhưng, việc tăng vốn điều lệ của Big4 so với nhóm tư nhân lại diễn ra quá chậm.

Cụ thể, nếu như năm 2013, Big 4 là những nhà băng có vốn điều lệ cao nhất hệ thống, gấp khoảng 2-3 lần các ngân hàng còn lại trong Top 10. Thế nhưng sau 10 năm, bảng xếp hạng đã có sự xáo trộn mạnh. Cuối năm 2023, Ngân hàng nhà Nước (NHNN) đã có Quyết định về việc nâng vốn điều lệ cho VPBank thành gần 80 tỷ đồng. Với mức "vốn khủng" trên, VPBank đã chính thức trở thành ngân hàng có vốn điều lệ lớn nhất và bỏ xa các ngân hàng còn lại trong hệ thống. 

Mới đây, sau khi tăng vốn lên mức 70.450 tỷ đồng, vốn điều lệ của Techcombank vươn lên vị trí thứ 2, vượt mặt cả ba ngân hàng trong nhóm Big4 là BIDV, Vietcombank và VietinBank.

Đà tăng vốn điều lệ này cũng chưa thể dừng lại trong các năm tới. Theo số liệu của NHNN, đến hết tháng quý II/2024, hệ số an toàn vốn (CAR) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN đạt 12%. Trong đó nhóm NHTM nhà nước đạt 9,98%, nhóm NHTM cổ phần đạt 11,98%, trong khi nhóm ngân hàng nước ngoài đạt 21,59%. 

 TL.

Các ngân hàng ồ ạt chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn điều lệ, trong khi lợi nhuận có triển vọng tiếp tục tăng trưởng, nên cổ phiếu “vua” nằm trong nhóm được kỳ vọng sẽ tăng giá và thu hút dòng tiền. Ảnh: TL.

 'Sóng' cổ tức ngân hàng  

Để tăng vốn điều lệ, nhiều ngân hàng đang liên tục thông báo ngày chốt quyền chia cổ tức bằng cổ phiếu ở mức cao. Ngày 10/9, ngân hàng TPBank đã có thông báo về ngày đăng ký cuối cùng hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu năm 2023 với tỷ lệ 20% (cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận 20 cổ phiếu mới) là 24/9/2024.

TPBank sẽ phát hành thêm 440,3 triệu cổ phiếu mới để trả cổ tức cho cổ đông. Sau phát hành, vốn điều lệ của ngân hàng này sẽ tăng từ 22.016 tỷ đồng lên tối đa 26.420 tỷ đồng, tương ứng với số cổ phiếu lưu hành là gần 2,642 tỷ đơn vị.

Trước đó, ngân hàng OCB cũng thông báo, ngày 30/8 là ngày cuối cùng chốt danh sách cổ đông hưởng quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ 20%, tức cổ đông sở hữu 5 cổ phiếu tại ngày chốt quyền sẽ được nhận thêm 1 cổ phiếu mới. Theo kế hoạch, ngân hàng sẽ phát hành gần 411 triệu cổ phiếu để trả cổ tức cho cổ đông. Nguồn phát hành là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế đến cuối năm 2023. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của OCB dự kiến sẽ lên gần 24.658 tỷ đồng. 

Điểm tích cực là khi thực hiện chia cổ tức như vậy sẽ giúp thị giá cổ phiếu giảm theo một tỷ lệ tương ứng. Thị giá thấp hơn có thể thu hút nhà đầu tư nhỏ lẻ, vốn có nguồn lực tài chính hạn chế, có cơ hội mua vào cổ phiếu ngân hàng. Khi đó, với cơ cấu cổ đông đa dạng hơn và nhiều hơn, sẽ tạo điều kiện cho các ngân hàng thuận tiện hơn khi phát hành thêm cổ phiếu mới trong tương lai, cũng như xác định giá bán phù hợp cho các cổ đông chiến lược.

Đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế trong nước đang gặp ít nhiều khó khăn, nguồn lực tài chính của các nhà đầu tư trong nước còn hạn chế, việc sở hữu chéo bị kiểm soát chặt chẽ, các ngân hàng cần tăng cường tìm kiếm nguồn vốn đầu tư từ các định chế tài chính quốc tế, cổ đông chiến lược nước ngoài.

Giới phân tích nhìn nhận, trong khi lợi nhuận có triển vọng tiếp tục tăng trưởng, cổ phiếu “vua” nằm trong nhóm được kỳ vọng sẽ tăng giá và thu hút dòng tiền. Đáng chú ý, nhóm cổ phiếu ngân hàng đã được các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng trở lại. Nhìn chung, trong ngắn hạn, các cổ phiếu ngân hàng có thể có nhịp điều chỉnh nếu kết quả kinh doanh quý III/2024 chưa thực sự khởi sắc, nhưng sẽ là thời điểm thích hợp để mua những cổ phiếu tiềm năng cho mục tiêu đầu tư dài hạn như VCB, ACB, STB, TCB, VPB...

Xem bản gốc