Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chơi lớn như Temu: Vừa vào Việt Nam, chưa đăng ký hoạt động nhưng chiết khấu tới 30% cho chương trình Affiliate Marketing, phả hơi nóng vào các ông lớn TMĐT

Markettimes 4 Tuần trước

Temu tung chính sách "chưa từng có tiền lệ"

Sàn thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc chưa đăng ký kinh doanh với cơ quan quản lý Việt Nam, nhưng đang trở thành "key word" hot nhất gần đây. Theo đó, sàn này công bố thông tin về mức hoa hồng "khủng" từ chương trình tiếp thị liên kết của Temu.

Khi cài đặt ứng dụng Temu, người dùng có thể nhận được 50.000 đồng vào tài khoản mua hàng trên đó. Nếu chia sẻ link đăng ký tài khoản của mình và có người sử dụng link đó để đăng ký, bạn sẽ nhận tiếp 150.000 đồng. Số tiền thưởng có thể cao hơn nhiều nếu mời được một người dùng có kênh Tiktok hay YouTube với lượng theo dõi (follower) lớn. Ngoài ra, khách hàng có thể giới thiệu những sản phẩm bán trên sàn và nhận về hoa hồng chia sẻ từ doanh thu của người bán, tối đa 30%.

Sàn này còn tạo mô hình chia hoa hồng nhiều cấp. Ví dụ, khi có tài khoản tham gia chương trình affiliate theo đường dẫn, người chia sẻ sẽ được một số tiền nhất định. Nếu thành viên cấp dưới kiếm thêm đối tác, người bậc trên hưởng tiếp 20% hoa hồng.

Thuật ngữ affiliate marketing không phải điều hiếm với các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam. Chương trình này cho phép những người dùng trở thành đối tác của các sàn, nhận được hoa hồng khi có người nhấp vào link, banner giới thiệu với chính sách đã được cam kết.

Một chuyên gia trong lĩnh vực tiếp thị liên kết nói chính sách của Temu là điều chưa từng có, không chỉ con số khủng mà còn là hệ thống tiếp thị chéo, nhiều tầng.

Ngoài chi trả hoa hồng cao, thị trường hiện cũng chưa có nền tảng nào đưa ra chương trình affiliate "3 trong 1, hai tầng" như Temu. So với các chương trình affiliate marketing của các đối thủ sàn khác như Shopee, Lazada, Tiktok Shop, mức hoa hồng cho khách hàng mới của Temu cao hơn. Nhờ vậy, nền tảng này được chia sẻ rầm rộ trên các mạng xã hội hai ngày qua.

Tuy nhiên, để rút tiền thưởng, người dùng mới cần hoàn tất quá trình đăng ký và thực hiện mua một đơn hàng đầu tiên trong 60 ngày. Nếu khách hàng hủy đơn hàng hoặc không hoàn tất quá trình mua sắm trong thời gian quy định, số tiền hoa hồng sẽ không được chuyển vào tài khoản của người giới thiệu.

Một chuyên gia trong ngành này nhận định, chiến lược này trông như là đốt tiền, nhưng thực ra đã được tính toán kỹ.

Temu phả hơi nóng vào các sàn TMĐT 

Chính sách mới của Temu cũng có thể khơi mào cuộc chiến giữa các sàn thương mại điện tử, vốn đã dịu đi gần đây do bản đồ thị phần được phân định rõ ràng.

shein-temu-copy-6327-1729609915.jpg

Theo dự báo của một số chuyên gia, các kênh truyền thống và sàn trong nước sẽ khó giữ thị phần trước đối thủ mới từ Trung Quốc. Các sàn quốc tế như Temu, Shein có khả năng giảm giá đáng kể nhờ quy mô toàn cầu, tối ưu chuỗi cung ứng, và chi phí logistics nên có một lượng lớn khách hàng.

Khi Temu liên tục tung chiêu, các sàn ở Việt Nam có thể phải ra các chính sách mới, tung nhiều mã giảm giá, khuyến mãi để cạnh tranh lại. Người thiệt nhất là các shop Việt Nam sẽ bị các sàn tăng phí, áp chính sách mới để sàn có ngân sách cho các chiến dịch tiếp thị, quảng cáo.

Ở góc nhìn tích cực hơn, những nền tảng hiện hữu đã thành công trong việc "giáo dục" người dùng, xây dựng thói quen mua sắm và lòng trung thành qua các chương trình khuyến mãi, ưu đãi riêng biệt. Do đó, Temu sẽ cần phải nỗ lực rất nhiều để có thể cạnh tranh, tạo sự khác biệt.

Ngoài ra, một vấn đề của nền tảng từ Trung Quốc là Temu chỉ đáp ứng thanh toán qua thẻ tín dụng hay Apple Pay sẽ khiến khách hàng khó khăn hơn trong bối cảnh thói quen thanh toán khi nhận hàng (COD) ở Việt Nam đã giảm nhưng còn khá cao.

Xem bản gốc