Ngày 7/1/2025, Phiên toàn thể mùa Xuân - Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam lần thứ 17 (VESF 2025) đã diễn ra với chủ đề “Giải pháp đột phá đạt mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững trong kỷ nguyên mới”. Sự kiện do Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cùng Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam (VINASME) và Tạp chí Kinh tế Việt Nam/VnEconomy tổ chức.
Thảo luận tại Diễn đàn, ông Dominic Scriven, Chủ tịch Dragon Capital nhận định về mục tiêu tăng trưởng GDP hai chữ số của Chính phủ và cho rằng với mục tiêu này sẽ phải rất nỗ lực.
Về các giải pháp cho thị trường vốn, theo ông Dominic Scriven, có một nghịch lý rất lớn trên thị trường vốn Việt Nam. Lãi suất trái phiếu Chính phủ 1,8%/năm, trong khi một doanh nghiệp muốn vay vốn bằng cách phát hành trái phiếu thì phải chấp nhận giá rất cao, lãi suất trái phiếu doanh nghiệp hiện không còn mức 8%, mà trung bình từ 9-12%.
"Chênh lệch rủi ro đối với các chủ thể mà không phải là nhà nước là quá cao. Việt Nam tôi nghĩ không nên chấp nhận điều đó", Chủ tịch Dragon Capital nói.
Từ nghịch lý đó, ông Dominic Scriven đề xuất các biện pháp như đưa các doanh nghiệp bảo hiểm tham gia vào thị trường vốn. Những nhà đầu tư tổ chức trên thị trường vốn hiện nay chiếm rất rất nhỏ. Và chúng ta chỉ cần hình dung các công ty bảo hiểm nhân thọ ở Việt Nam tổng tài sản rất lớn 20 tỷ USD có sẵn mà mỗi năm thêm 5 tỷ USD tiền mới của người dân.
"Họ đang làm gì với số tiền đó? Họ đem mua trái phiếu Chính phủ giá thấp vì thói quen, hay Bảo hiểm xã hội cũng không có tham gia vào thị trường vốn ngoài việc cho ngân sách Nhà nước vay. Đây là lượng vốn rất lớn sẵn có từ các định chế, chưa nói đến lượng vốn mới bằng cách quy định tung ra quỹ hưu trí bổ sung tự nguyện. Đây là những điều có thể làm khác", Chủ tịch Dragon Capital đề xuất.
Về chính sách tài khóa của Việt Nam, vị này cho rằng đang rất an toàn và Việt Nam vui mừng có một ngân sách mạnh mẽ, có sức chống chịu thách thức.
"Tuy nhiên, năm ngoái tổng thu ngân sách nhà nước tăng 18%, mức tăng cao hơn thu nhập tăng của người dân. Mức tăng này có phải quá cao không? Một tốc độ có ảnh hưởng đến sức lực của các thành phần khác không? Mức vay nợ công Quốc hội có đặt giới hạn 65% GDP, bây giờ mức vay dưới 40% của GDP, đây là dư địa để Việt Nam dùng chính sách tài khóa một cách linh hoạt hơn, sáng tạo hơn, sáng kiến hơn", Chủ tịch Dragon Capital nhấn mạnh.
Trước đó, tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng cho biết năm 2024 đã khép lại với những kết quả ấn tượng. Việt Nam hoàn thành 15/15 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, với tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,09%, quy mô nền kinh tế đạt 476,3 tỷ USD, xếp thứ 33 trên thế giới. Chỉ số CPI đạt 3,63%, thấp hơn mức 4% mà Quốc hội đề ra.
“Đặc biệt, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong năm 2024 đạt khoảng 800 tỷ USD, với xuất siêu lên tới 24 tỷ USD, phá vỡ mọi kỷ lục trước đây”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Về thu ngân sách, Việt Nam đã thu vượt dự toán 336,5 nghìn tỷ đồng, đạt tổng thu ngân sách hơn 2.030 nghìn tỷ đồng, tăng 19,8% so với dự toán và 18% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm thứ tư liên tiếp ngân sách Nhà nước vượt dự toán đề ra.
Tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm 1%, đưa tỷ lệ hộ nghèo trên cả nước xuống còn 1,93%. Bội chi ngân sách duy trì ở mức dưới 4% GDP.
Trong lĩnh vực hạ tầng, năm 2024 Việt Nam đã hoàn thành xây dựng 2.021 km đường cao tốc. Mục tiêu đến năm 2025 là 3.000 km và đến năm 2030 đạt 5.000 km đường cao tốc. Bên cạnh đó, Việt Nam đang chuẩn bị cho các dự án trọng điểm như đường sắt cao tốc Bắc - Nam, các tuyến đường sắt kết nối liên vùng, cùng với hệ thống cảng biển và sân bay hiện đại.
Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp như miễn giảm thuế, phí, lệ phí với tổng số khoảng 800 nghìn tỷ đồng.
“Thông qua diễn đàn ngày hôm nay, chúng tôi sẽ lắng nghe và tiếp thu ý kiến từ các địa phương và đại biểu để hoàn thiện các giải pháp phát triển kinh tế, hướng tới mục tiêu tăng trưởng đạt hai con số trong năm 2025 và những năm tiếp theo, nhưng phải đảm bảo tính bền vững”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh