Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế ông Andrew Parsons vừa có buổi làm việc với Ủy ban Paralympic Việt Nam và khẳng định "sẽ nỗ lựcđể hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật Việt Nam tiếp cận thể thao"!
Sáng nay thứ Năm ngày 15/ 5, tại Hà Nội, lãnh đạo Ủy ban Paralympic Việt Nam đã có buổi tiếp và làm việc với ông Andrew Parsons - Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế. Về phía Ủy ban Paralympic Việt Nam có: Ông Huỳnh Vĩnh Ái - Chủ tịch; ông Nguyễn Doãn Tuyến - Phó Chủ tịch; ông Trần Đức Thọ - Tổng Thư ký, Chánh Văn phòng; ông Mai Thế Hưng và ông Hoàng Dự - Ủy viên Ban Thường vụ; bà Hồ Thanh My - Trưởng ban Quốc tế. Ngoài ra có 2 chuyên gia: Antony và Michaen Proto (người Australia là cộng tác viên tại Ủy ban Paralympic Việt Nam).
Báo cáo về thực trạng của thể thao người khuyết tật Việt Nam tại buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam ông Huỳnh Vĩnh Ái nhấn mạnh: “Đất nước Việt Nam có hàng triệu người tàn tật và di chứng sau cuộc chiến tranh, hơn 6 triệu người khuyết tật (chiếm tỉ lệ 6,11% dân số cả nước) đã để lại gánh nặng khó khăn trong xã hội. Hoạt động thể dục thể thao chính là môi trường tốt đẹp để người khuyết tật Việt Nam có sức khỏe, có nghị lực, có thêm bản lĩnh, tự tin để hòa nhập xã hội, khẳng định mình trong cuộc sống, trong bối cảnh đó tổ chức Thể thao Người khuyết tật Việt Nam ra đời”.

Ủy ban Paralympic Việt Nam với tên gọi ban đầu là Hiệp hội Thể thao người khuyết tật Việt Nam ra đời năm 1995. Suốt chặng đường 30 năm qua, phong trào thể dục, thể thao của người khuyết tật phát triển mạnh ở nhiều địa phương. 45/63 tỉnh, thành có quan tâm chỉ đạo phát triển phong trào; 33-35 tỉnh, thành thường xuyên có vận động viên tham dự các Hội thi, giải đấu toàn quốc, thu hút 1.300 vận động viên tham gia ở mỗi năm, số người khuyết tật tham gia hoạt động thể dục thể thao trên 25.000 người.
Về thể thao thành tích cao: các vận động viên người khuyết tật Việt Nam đã giành nhiều huy chương tại các kỳ Đại hội Thể thao Đông Nam Á; Đại hội Thể thao châu Á và cả 3 kỳ Paralympic gần đây.
Tiêu biểu tại Đại hội Thể thao thế giới (Paralympic) lần thứ 15 diễn ra tại Rio De Janeiro - Brazil năm 2016, Đoàn Việt Nam đã xuất sắc giành 1 huy chương vàng do công lực sỹ Lê Văn Công ở môn cử tạ; 1 huy chương bạc và 2 huy chương đồng, xếp hạng 55/162 quốc gia và vùng lãnh thổ, đây là thành công lớn nhất của Thể thao người khuyết tật Việt Nam sau 20 năm thành lập...

Bên cạnh đó, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam Huỳnh Vĩnh Ái cũng nêu những khó khăn của thể thao người khuyết tật hiện nay và phương hướng phát triển trong thời gian tới.
Tại buổi làm việc, Ủy ban Paralympic Việt Nam đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị với Chủ tịch Uỷ ban Paralympic thế giới như: Hỗ trợ cơ sở vật chất, thiết bị dụng cụ thể dục thể thao để phát triển thể thao cộng đồng; Hỗ trợ kinh phí hoạt động hàng năm duy trì bộ máy của Ủy ban; Hỗ trợ hoạt động phong trào Paralympic thông qua các dự án; Hỗ trợ các vận động viên tham dự các giải quốc tế để lấy chuẩn hướng đến Paralympic 2028 tại Mỹ; Hỗ trợ về chuyên môn cho bác sĩ khám bệnh thương tật được tập huấn quốc tế để về phục vụ khám thương tật trong nước.
Trả lời những kiến nghị, đề xuất trên, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons cho biết: “Tôi rất vui mừng khi lần đầu tiên được đến Việt Nam. Đất nước của các bạn là một đất nước tuyệt vời. Trên thế giới hiện nay có 15% là người khuyết tật. Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ cho các tổ chức thành viên để từ đó các tổ chức thành viên hỗ trợ cho các vận động viên, hỗ trợ các giải đấu.
Mỗi kỳ Paralympic hay các kỳ ASIAN Paragames là một cơ hội rất tốt, chất xúc tác cho các vận động viên. Bên cạnh đó, thông qua các giải đấu, các hoạt động thể thao sẽ giúp người khuyết tật thay đổi, hoà nhập với cộng đồng. Được làm việc với Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam, ông Huỳnh Vĩnh Ái giúp tôi hiểu được các hoạt động thể dục, thể thao của người khuyết tật Việt Nam, thấy được những khó khăn của người khuyết tật Việt Nam.
Trong thời gian tới, thông qua các trợ lý, tôi cố gắng hỗ trợ tốt nhất cho người khuyết tật Việt Nam được tiếp cận với thể thao và thông qua các hoạt động thể thao để hoà nhập. Còn đối với việc hỗ trợ hoạt động phong trào Paralympic thông qua các Dự án, Việt Nam cần đề xuất trực tiếp với người quản lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đối với vấn đề phân loại thương tật là một trong việc khó nhất, Việt Nam hoàn toàn có thể tự làm được trong nước”.

Kết thúc buổi làm việc, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Việt Nam Huỳnh Vĩnh Ái đã bày tỏ sự vui mừng và cảm động được đón tiếp Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons đến thăm, làm việc với Ủy ban Paralympic Việt Nam và mong rằng, chuyến công tác này sẽ giúp Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam cũng như về Thể thao người khuyết tật Việt Nam. Qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện cho Thể thao người khuyết tật Việt Nam phát triển.
Theo Lịch làm việc, Chủ tịch Ủy ban Paralympic Quốc tế Andrew Parsons sẽ đến chào xã giao lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch vào buổi chiều cùng ngày.