Trao đổi với VnEconomy, ông Nghiêm Xuân Đa, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), cho biết các sản phẩm thép của Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ sẽ không bị ảnh hưởng bởi mức thuế 46% trong sắc lệnh thuế mới nhất của Hoa Kỳ, bởi hiện nay các sản phẩm thép của Việt Nam đã nằm trong phạm vi điều chỉnh của Section 232 – theo các Tuyên bố (Proclamations) 9705, 9980, 10896.
Trong khi đó, Phụ lục II của sắc lệnh mới có hiệu lực ngày 2/4 vừa qua đã miễn trừ các mặt hàng đã bị đánh thuế theo Section 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962. Theo đó, các loại hàng hóa được liệt kê trong Phụ lục II của sắc lệnh thuế Ad Valorem này, phù hợp với quy định của pháp luật, sẽ không phải chịu thuế suất Ad Valorem theo lệnh này, bao gồm:
Thứ nhất, tất cả các mặt hàng và sản phẩm phái sinh từ thép và nhôm thuộc diện chịu thuế theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, được quy định trong các Tuyên bố sau: Tuyên bố 9704 ngày 8 tháng 3 năm 2018 (Điều chỉnh nhập khẩu nhôm vào Hoa Kỳ), Tuyên bố 9705 ngày 8 tháng 3 năm 2018 (Điều chỉnh nhập khẩu thép vào Hoa Kỳ), Tuyên bố 9980 ngày 24 tháng 1 năm 2020 (Điều chỉnh nhập khẩu các sản phẩm phái sinh từ nhôm và thép vào Hoa Kỳ), Tuyên bố 10895 ngày 10 tháng 2 năm 2025 (Điều chỉnh nhập khẩu nhôm vào Hoa Kỳ), và Tuyên bố 10896 ngày 10 tháng 2 năm 2025 (Điều chỉnh nhập khẩu thép vào Hoa Kỳ);
Thứ hai, tất cả các mặt hàng có thể phải chịu thuế theo các hành động trong tương lai theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962.
Điều này có nghĩa là, nếu thép Việt Nam đã chịu các mức thuế riêng biệt theo Section 232, thì sẽ không bị áp thêm mức thuế “46%” mới theo sắc lệnh tháng 4/2025.

Đánh giá về việc thép Việt Nam nằm ngoài vùng quy định của sắc lệnh thuế 46% mới, Chủ tịch VSA cho rằng chính sách đánh thuế 46% của Trump sẽ có tác động tích cực đối với ngành thép Việt Nam, bởi “Nếu Việt Nam bị áp cả thuế Section 232 và thuế Ad Valorem 46%, thì xuất khẩu thép Việt Nam sẽ gần như tê liệt. Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bị “đánh thuế kép”. Đây là điểm quan trọng nhất”.
Như vậy, với việc được miễn khỏi thuế Ad Valorem, xuất khẩu thép Việt Nam sẽ giảm thiểu thiệt hại đáng kể.
Theo Chủ tịch VSA, mức thuế 25%, các doanh nghiệp thép trong nước đã chịu từ 2018, nhưng tới nay chúng ta vẫn giữ vững được đà xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ. Do đó, với sắc thuế mới, các doanh nghiệp thép Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì đơn hàng sang Hoa Kỳ, trong khi nhiều ngành khác gặp khó khăn do thuế cao.
“Với lợi thế này, tôi cho rằng tâm lý nhà đầu tư ổn định hơn. Cổ phiếu ngành thép có thể phản ứng tích cực nhờ thông tin miễn thuế”, ông Nghiêm Xuân Đa nhận định; đồng thời cũng lưu ý doanh nghiệp ngành thép không vì lợi thế này mà chủ quan, bởi những rủi ro, thách thức với xuất khẩu thép Việt Nam do Thuế Section 232 với mức 25% áp dụng cho thép Việt Nam của Hoa Kỳ vẫn còn hiệu lực. Doanh nghiệp thép Việt Nam vẫn chịu áp lực về giá nên lợi nhuận giảm nếu không dịch chuyển được chi phí sang khách hàng.
Ngoài ra, ngành thép Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều rào cản phòng vệ thương mại khác như các vụ kiện chống bán phá giá, trợ cấp của Hoa Kỳ với các sản phẩm thép cán nguội, ống thép, thép mạ kẽm... khác của Việt Nam.
“Với những biến động liên tục và mạnh mẽ của thị trường thế giới và các chính sách thuế, có thể thấy dòng chảy thương mại sẽ thay đổi. Vì vậy, thép Việt Nam sẽ phải đối diện nhiều hơn với sự cạnh tranh gay gắt ở các thị trường Asean, Châu Âu và các khu vực khác”, Chủ tịch VSA cảnh báo.
Dựa trên kết quả điều tra theo Điều 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành các Tuyên bố (Proclamation) 9705 (vào 2018); 9980 (năm 2020) và 10896 (2025) nhằm điều chỉnh nhập khẩu thép vào Hoa Kỳ.
Những tuyên bố này khẳng định rằng việc nhập khẩu thép với số lượng lớn có thể ảnh hưởng đến an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Mục tiêu của các tuyên bố này nhằm bảo vệ ngành công nghiệp sản xuất thép trong nước và đảm bảo khả năng sản xuất thép trong các tình huống khẩn cấp liên quan đến an ninh quốc gia.
Theo đó, Proclamation 9705 đã áp dụng thuế nhập khẩu 25% đối với hầu hết các mặt hàng thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia, ngoại trừ Canada và Mexico. Hoa Kỳ tiếp tục đàm phán với các quốc gia như Argentina, Australia, Brazil, Canada, Mexico, Hàn Quốc và Liên minh Châu Âu để tìm giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Proclamation 9980 áp dụng thuế nhập khẩu 10% đối với tất cả các mặt hàng nhôm nhập khẩu vào Hoa Kỳ Hoa Kỳ tiếp tục đàm phán với các quốc gia như Canada và Mexico để tìm giải pháp thay thế nhằm giảm thiểu ảnh hưởng đến an ninh quốc gia.
Tuyên bố 10896 (2025) áp dụng mức thuế bổ sung 25% đối với tất cả các mặt hàng thép nhập khẩu từ các quốc gia bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Ukraine, bắt đầu từ 12:01 sáng theo giờ Đông vào ngày 12 tháng 3 năm 2025. Để thực hiện tuyên bố này, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã cập nhật Biểu thuế Nhập khẩu Hài hòa (HTSUS), có hiệu lực từ ngày 12 tháng 3 năm 2025.
Các quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng bởi mức thuế này bao gồm Argentina, Australia, Brazil, Canada, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, Mexico, Hàn Quốc, Vương quốc Anh và Ukraine. Các mặt hàng thép nhập khẩu từ những quốc gia này sẽ chịu mức thuế bổ sung 25% theo quy định của Tuyên bố 10896.