Chùa Hàng Còng An Giang với sắc hồng rực rỡ là điểm đến tham quan độc đáo được nhiều du khách lựa chọn ghé thăm khám phá trong hành trình rong ruổi mảnh đất Thất Sơn.
Mùa hè năm nay nếu bạn có kế hoạch tham quan chùa Hàng Còng An Giang chắc chắn sẽ ngạc nhiên với diện mạo vô cùng khác biệt của ngôi chánh điện, màu vàng và xanh quen thuộc trước đây đã được sơn lại màu hồng vô cùng rực rỡ.
Chùa Hàng Còng là một trong những địa điểm du lịch tâm linh nổi tiếng tại mảnh đất Thất Sơn. Ảnh: RanC Trần
1. Thông tin tổng quan về chùa Hàng Còng An Giang
Chùa Hàng Còng có tên thật là Prochum Meáp Chhưm Kiriram hay Krăng Krốch, có vị trí tọa lạc tại ấp An Hòa, xã Châu Lăng, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đây là ngôi chùa duy nhất tại xứ thốt nốt có hàng cây còng cổ thụ nối dài từ cổng đến tận trong khuôn viên với bề dày lịch sử hàng trăm năm. Cũng chính vì điều này mà người dân dường như quên mất tên thật mà thường gọi ngôi chùa với cái tên thân thuộc “Hàng Còng”.
Chùa Hàng Còng sở hữu sắc hồng rực rỡ nổi bật giữa khuôn viên cây xanh tươi tốt. Ảnh: Huy Bảo
“Prochum Meáp Chhưm Kiriram” có nghĩa là “ngôi chùa ở giữa núi”, còn “Krăng” là gò cao và “Krốch” là bưởi rừng. Tên gọi này ra đời bởi vào năm 1608, ngôi chùa được xây dựng ở trên một gò cao, được bao xung quanh bởi núi và những rừng bưởi.
Chùa Hàng Còng ở An Giang tính đến nay đã hơn 400 tuổi. Ảnh: Thuy Lieu
Trước đây, để đi vào chùa, người dân phải đi tắt qua ruộng lúa rất vất vả. Đến năm 1965, sư trụ trì lúc ấy là hòa thượng Khunh Sa Ríth đã kêu gọi mọi người hiến đất ruộng để làm đường đi. Sau khi con đường hoàn thành, các sư thầy trồng rất nhiều cây còng để tạo cảnh quan đẹp cho ngôi chùa.
Chùa Hàng Còng thu hút nhiều du khách ghé thăm tham quan, chụp ảnh. Ảnh: Thuy Lieu
Tính đến nay, chùa Hàng Còng An Giang đã có tuổi đời hơn 400 năm, từng trải qua rất nhiều lần trùng tu mới có được diện mạo khang trang như ngày nay. Ngôi cổ tự thu hút nhiều du khách ghé thăm dạo mát dưới hàng cây còng cổ thụ, chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc Khmer cổ ấn tượng và cảm nhận bầu không khí yên bình, thanh tịnh bên lề phố thị tấp nập.
Hàng cây còng nổi tiếng tại ngôi cổ tự. Ảnh: Henry Dương
2. Hướng dẫn di chuyển đến chùa Hàng Còng An Giang
Theo kinh nghiệm du lịch chùa Hàng Còng An Giang, bạn có thể dễ dàng di chuyển đến địa điểm này bằng các phương tiện như xe máy, ô tô, taxi…
Lộ trình dành cho những vị khách di chuyển đến chùa Hàng Còng bằng phương tiện cá nhân:
- Chùa Hàng Còng cách trung tâm thị trấn khoảng 7 km. Xuất phát tại trung tâm thành phố Châu Đốc, bạn di chuyển thẳng thị trấn Tri Tôn. Đến ngã ba Ba Chúc thì rẽ phải, (tức đường đi Ba Chúc) đi thêm chừng 2 - 3 cây số sẽ thấy cổng chùa nằm trên trục đường chính.
Một lưu ý nhỏ là cổng chùa Hàng Còng An Giang không rực rỡ sắc màu như những ngôi chùa Khmer khác mà nhuốm màu thời gian với những lớp rêu phong giăng kín và hơi khuất sau nhà dân nên trong lúc di chuyển, bạn nhớ quan sát kỹ để không đi quá nhé.
Bạn có thể dễ dàng di chuyển đến chùa Hàng Còng từ trung tâm thành phố Châu Đốc. Ảnh: Tuấn Lê
>>Xem thêm: Cẩm nang du lịch An Giang siêu chi tiết
3. Ghé thăm chùa Hàng Còng An Giang – Ngôi cổ tự hơn 400 năm tuổi tại mảnh đất Thất Sơn
3.1. Chiêm ngưỡng vẻ đẹp kiến trúc độc đáo
Công trình tôn giáo hơn 400 năm tuổi là sự kết hợp hài hòa giữa vẻ đẹp thiên nhiên và kiến trúc độc đáo.
Cổng chùa Hàng Còng tuy không sở hữu sắc màu rực rỡ như những ngôi chùa Khmer khác nhưng lại gây ấn tượng với nét kiến trúc cổ kính mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa. Đặc biệt, cổng chùa không tôn tạo quá nhiều mà vẫn giữ nguyên vẹn dáng vẻ từ thưở sơ khai nên khi ngắm nhìn, bạn sẽ cảm nhận được những dấu vết rêu phong nhuốm màu thời gian, điều này khiến cho công trình càng thêm phần huyền bí, thu hút.
Cổng chùa Hàng Còng không sở hữu diện mạo rực rỡ như những ngôi chùa Khmer khác. Ảnh: Báo Người Lao Động
Sau khi được tu sửa, ngôi chùa khoác lên mình diện mạo mới với sắc hồng rực rỡ. Ảnh: quynhphan_1983
Đối với những vị khách từng tham quan chùa Hàng Còng trong chuyến du lịch An Giang trước đây có lẽ sẽ để ý chánh điện tại ngôi cổ tự từng có màu vàng truyền thống. Tuy nhiên, cách đây vài năm khi chùa được tu sửa, công trình đã khoác lên mình diện mạo mới với sắc hồng rực rỡ, nổi bật giữa không gian xanh tươi của cây cối trong vườn. Tuy được trùng tu nhưng chùa vẫn giữ được nét kiến trúc tinh xảo của người Khmer xưa trong từng hoa văn trên tháp, trên mái nhà…
Trước đây, ngôi chùa từng sơn màu vàng truyền thống. Ảnh: Báo Người Lao Động
Trong khuôn viên chùa có các tháp chứa tro cốt của người đã khuất được xây dựng công phu. Ảnh: Huy Bảo
Những đường nét hoa văn thể hiện vẻ đẹp kiến trúc tinh xảo của người Khmer xưa. Ảnh: Huy Bảo
3.2. Tản bộ dưới hàng cây còng cổ thụ
Điểm nhấn ấn tượng nhất tại chùa Hàng Còng An Giang chắc chắn là hàng cây còng với bề dày lịch sử hàng trăm năm.
Cây còng có rất nhiều tên gọi khác nhau như me tây, muồng tím, muồng ngủ; trên thế giới, cây còn được biết đến với các “danh xưng” như Saman, Rain Tree, Monkey Pod, Filinganga. Còng là loại cây dễ trồng và chịu hạn cũng như mưa dầm rất tốt. Vỏ cây có màu nâu đen; lá mọc đối xứng, thường khép lại trước khi mặt trời lặn hoặc trời chuyển mưa; hoa màu hồng hoặc tím nhạt, có mùi rất thơm.
Đừng bỏ lỡ cơ hội tản bộ vãn cảnh trên cung đường rợp bóng mát tại chùa Hàng Còng bạn nhé. Ảnh: Tăng Trúc Anh
Tại chùa Hàng Còng, hàng cây còng kéo dài từ cổng cho đến tận khuôn viên chùa, tạo thành một cung đường tản bộ rợp bóng mát vô cùng thơ mộng. Hiện nay, trong chùa có khoảng 70 cây còng cổ thụ, gốc to đến mức 2 - 3 người ôm mới xuể. Vào mùa thay lá, thân còng hiện rõ vẻ xác xơ, già cỗi nhưng vẫn mang vẻ đẹp lạ thường khiến bao du khách say mê.
Check-in "cháy máy" với hàng cây còng thơ mộng. Ảnh: Trần Hà Bảo Ngân
Nếu có cơ hội tham gia tour du lịch miền Tây, đừng bỏ lỡ cơ hội ghé thăm ngôi cổ tự, trải nghiệm tản bộ trên cung đường rợp bóng bóng mát và check-in “cháy máy” với hàng cây còng cổ thụ thơ mộng bạn nhé.
4. Các hoạt động văn hóa cộng đồng ở chùa Hàng Còng An Giang
Chùa Hàng Còng An Giang hiện nay là một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa, cộng đồng của người dân địa phương. Trong chùa có các tháp chứa tro cốt của người đã khuất, tùy vào điều kiện mà mỗi gia đình có thể xây tháp riêng hoặc gửi vào tháp chung do nhà chùa dựng sẵn.
Chùa Hàng Còng hiện nay là nơi diễn ra nhiều hoạt động văn hóa cộng đồng. Ảnh: Ivivu
Ngoài ra, tùy vào thời điểm, chùa còn tổ chức các lớp học sơ cấp Bali và dạy chữ Khmer cho các tăng, sư sãi nhằm góp phần duy trì và phát triển văn hóa dân tộc.
5. Ghé thăm “cổng trời” Koh Kas
Theo cẩm nang du lịch chùa Hàng Còng An Giang, nếu bạn có dự định tham quan ngôi cổ tự hơn 400 năm tuổi thì đừng quên tranh thủ ghé qua “cổng trời” Koh Kas – địa điểm check-in “hot hit” được nhiều người săn đón tại Tri Tôn.
“Cổng trời” chỉ cách chùa Hàng Còng khoảng 2 km là địa điểm sống ảo được nhiều người săn đón. Ảnh: Trần Hà Bảo Ngân
“Cổng trời” hay cổng chùa Koh Kas chỉ cách chùa Hàng Còng khoảng 2 km là công trình cổ nằm giữa những cánh đồng xanh bát ngát, nổi bật với những đường nét chạm khắc tinh xảo mang đậm dấu ấn kiến trúc Khmer vùng Nam Bộ. Địa điểm này thường thu hút rất đông du khách ghé thăm vãn cảnh và săn ảnh sống ảo “cháy máy”.
>>Xem thêm: Về ‘xứ thốt nốt’ chiêm ngưỡng biểu tượng linh thiêng của đạo Hồi tại miền Tây - Thánh đường Masjid Al-Ehsan An Giang
Nếu có dự định vi vu mảnh đất Thất Sơn trong năm nay thì đừng bỏ lỡ trải nghiệm ghé thăm chùa Hàng Còng An Giang và tản bộ dưới hàng cây còng trăm tuổi thơ mộng bạn nhé.
Thu Hằng