Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chứng khoán Mỹ bán tháo sau tin Fed, giá dầu tăng nhờ lượng tồn trữ giảm

Vneconomy 3 Tuần trước

Thị trường chứng khoán Mỹ đổ dốc mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (18/12), với chỉ số Dow Jones giảm phiên thứ 10 liên tiếp - chuỗi phiên giảm dài nhất trong 50 năm - sau khi Cục Dự trữ Liên bang (Fed) đưa ra triển vọng lãi suất khiến nhà đầu tư thất vọng. Giá dầu thô tăng do số liệu thống kê hàng tuần cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ giảm.

Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 1.123,03 điểm, tương đương giảm 2,58%, còn 42.326,87 điểm. Kể từ chuỗi 11 phiên giảm ghi nhận vào năm 1974, chỉ số blue-chip này đến nay chưa có chuỗi phiên giảm nào dài như vậy. Đây cũng là phiên giảm mạnh nhất của Dow Jones kể từ tháng 8 và đánh dấu lần thứ hai kể từ đầu năm đến nay chỉ số này mất hơn 1.000 điểm trong một phiên giao dịch.

Chỉ số S&P 500 trượt 2,95%, còn 5.872,16 điểm. Đối với S&P 500, đây là phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 8, khiến thành quả tăng từ đầu năm đến nay của chỉ số giảm còn 23%.

Chỉ số Nasdaq sụt 3,56%, còn 19.392,69 điểm.

Trong một động thái không nằm ngoài dự báo, Fed hạ lãi suất cho vay qua đêm 0,25 điểm phần trăm về vùng 4,25-4,5%. Tuy nhiên, trong dự báo cập nhật hàng quý, Fed dự kiến sẽ chỉ có 2 đợt giảm lãi suất trong năm 2025, ít hơn so với dự báo giảm lãi suất 4 lần trong năm tới đưa ra hồi cuối quý 3.

Tại họp báo sau cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài 2 ngày, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói việc Fed hạ lãi suất trong những tháng gần đây cho phép ngân hàng trung ương lớn nhất thế giới “thận trọng hơn khi cân nhắc những điều chỉnh tiếp theo về lãi suất chính sách”.

Trước cuộc họp này của Fed, mối hy vọng của nhà đầu tư rằng Fed sẽ duy trì tốc độ giảm lãi suất như năm 2024 trong năm 2025 là một động lực quan trọng đưa các chỉ số chứng khoán ở Phố Wall lập nhiều kỷ lục từ đầu năm. Kỳ vọng thay đổi dẫn tới áp lực bán tháo cổ phiếu.

Sau tuyên bố của Fed, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh, khiến sức ép lên giá cổ phiếu càng lớn. Lợi suất của trái phiếu kho bạc Mỹ đã vượt mức chủ chốt 4,5% trong phiên này.

“Tài sản rủi ro và những cổ phiếu có mức định giá cao có vẻ không gặp thuận lợi vì triển vọng lãi suất sẽ giảm ít hơn. Điều tôi rút ra được từ cuộc họp báo của ông Powell là sẽ không có một chu kỳ hạ lãi suất quyết liệt nữa. Diễn biến của thị trường tương đối đồng điệu với triển vọng mới này”, CEO Jeffrey Gundlach của công ty DoubleLine Capital nhận định với hãng tin CNBC.

Chuỗi phiên giảm này của Dow Jones bắt đầu sau khi chỉ số lần đầu tiên đóng cửa trên mức 45.000 điểm vào hôm 4/12. Tổng mức giảm của chỉ số trong chuỗi phiên giảm này đến nay là 6%.

“Fed không còn mang tới niềm vui cho thị trường nữa. Các nhà hoạch định chính sách nhìn thấy lạm phát cao hơn và tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn trong năm 2024. Họ chẳng có lý do nào để mềm mỏng xét tới triển vọng đó. Giai đoạn nới lỏng lãi suất dễ dàng đã qua vì lãi suất hiện tại không còn thắt chặt quá mức nữa. Đây là thời điểm hợp lý để tạm dừng”, trưởng chiến lược David Russell của công ty TradeStation phát biểu.

Trước phiên này, nguyên nhân chính khiến Dow Jones trượt dài là sự dịch chuyển của dòng tiền khỏi các cổ phiếu thuộc nền kinh tế cũ sang cổ phiếu công nghệ - nhóm cổ phiếu chiếm tỷ trọng trong Dow Jones, chỉ số đã hơn 100 năm tuổi, thấp hơn so với trong hai chỉ số chính còn lại.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,2 USD/thùng, tương đương tăng 0,27%, chốt ở mức 73,39 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,5 USD/thùng, tương đương tăng 0,71%, chốt ở mức 70,58 USD/thùng.

Dầu tăng giá sau khi báo cáo tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn trữ dầu thô và các sản phẩm chưng cất của nước này giảm trong tuần kết thúc vào ngày 13/12. Tổng lượng sản phẩm xăng dầu được cung ứng ra thị trường - một thước đo về nhu cầu tiêu thụ năng lượng - trong kỳ báo cáo là 20,8 triệu thùng/ngày, tăng 662.000 thùng so với tuần trước đó.

Nhà phân tích cấp cao Phil Flynn của công ty Price Futures Group xem đây là một tín hiệu mới trong bối cảnh suốt 2 tuần qua, trên thị trường dầu gần như không có chút lạc quan nào về nhu cầu.

Tuy nhiên, khả năng Fed giảm lãi suất chậm lại có thể gây áp lực giảm lên giá dầu. Trong phiên này, sau khi Fed phát tín hiệu giữ lãi suất cao hơn lâu hơn, mức tăng của giá dầu Brent và WTI đều thu hẹp lại so với mức tăng khoảng 1 USD/thùng vào đầu phiên giao dịch.

Ngoài ra, đồng USD tăng giá sau cuộc họp của Fed cũng tạo sức ép mất giá lên dầu. Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt khác bùng nổ lên mức hơn 108 điểm, cao nhất từ đầu năm, từ mức xấp xỉ 107 điểm vào phiên trước.

Xem bản gốc