Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (8/1), dù nhà đầu tư một lần nữa phải đánh giá lại khả năng cắt giảm lãi suất trong năm 2025 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trong bối cảnh áp lực lạm phát dai dẳng. Giá dầu thô sụt hơn 1% vì thống kê cho thấy lượng dầu tồn trữ của Mỹ tăng mạnh và đồng USD duy trì xu hướng tăng.
Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 - thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ - tăng 0,16%, đạt 5.918,25 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,06%, còn 19.478,88 điểm. Chỉ số Dow Jones vượt trội so với hai chỉ số còn lại, tăng 106,84 điểm, tương đương tăng 0,25%, chốt ở mức 42.635,2 điểm.
Biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed cho thấy gần như tất cả các thành viên của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết định chính sách tiền tệ trong Fed - nhận thấy rằng triển vọng lạm phát đã tăng lên. Thông tin này làm gia tăng thêm mối lo của nhà đầu tư rằng Fed sẽ cắt giảm lãi suất với số lần ít hơn dự báo trong năm nay.
“Thảo luận về triển vọng chính sách tiền tệ, các thành viên cho thấy quan điểm rằng ủy ban đã đạt tới hoặc đang ở gần điểm phù hợp để giảm bớt tốc độ nới lỏng chính sách”, biên bản có đoạn viết.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giằng co ở mức cao trong suốt phiên giao dịch ngày thứ Tư, phản ánh tâm lý lo ngại rằng Fed sẽ giảm lãi suất ít đi trong năm 2025. Có thời điểm, lợi suất của kỳ hạn 10 năm đạt 4,73%, mức cao nhất kể từ cuối tháng 4 năm ngoái. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ đã liên tục tăng trong thời gian gần đây, khi nhà đầu tư cho rằng chính sách thuế và thuế quan của Tổng thống đắc cử Donald Trump có thể dẫn tới việc lạm phát ở Mỹ leo thang trở lại trong những năm sắp tới.
Bán tháo trên thị trường trái phiếu được đẩy mạnh sau khi hãng tin CNN đưa tin ông Trump đang cân nhắc áp tình trạng khẩn cấp tinh tế quốc gia để làm căn cứ pháp lý cho việc áp thuế quan lên tất cả các quốc gia trên thế giới, bao gồm cả đồng minh lẫn đối thủ của Mỹ.
“Từ khi ông Trump đắc cử tổng thống lần thứ hai tới nay, lãi suất không ngừng tăng lên. Vấn đề ở đây là lạm phát. Nhìn vào tất cả các chính sách của ông ấy, dù đó là áp thuế quan, giảm thuế hay trục xuất lao động nhập cư trái phép, tất cả đều có tính chất gây lạm phát”, chiến lược gia trưởng Bill Strazzullo của công ty Bell Curve Trading nhận định với hãng tin Reuters.
Các số liệu kinh tế Mỹ mạnh hơn dự báo trong những tuần gây đây cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng. Các báo cáo công bố ngày thứ Năm cho thấy số việc làm mới trong khu vực kinh tế tư nhân tăng ít hơn so với dự báo, nhưng số người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu cũng tăng không nhiều như kỳ vọng.
Sau các báo cáo này, nhà đầu tư hướng mối quan tâm tới báo cáo việc làm tổng thể tháng 12 mà Bộ Lao động Mỹ dự kiến công bố vào ngày thứ Sáu.
Thị trường hiện đang đặt cược khả năng gần như 100% Fed có 1 lần giảm lãi suất trong năm 2025, và khả năng 60% có một đợt giảm thứ hai - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn CME.
“Các nhà dự báo đang gặp khó khăn ngày càng lớn trong việc dựng mô hình về đường đi của lãi suất, tăng trưởng và lạm phát, vì những bấp bênh xung quanh chính sách của ông Trump. Thị trường có thể biến động nếu báo cáo việc làm công bố vào ngày thứ Sáu mang tới bất ngờ”, chiến lược gia trưởng Jeffrey Roach của công ty LPL Financial nhận xét với hãng tin CNBC.
Chứng khoán thế giới giảm điểm trong phiên ngày thứ Tư, với chỉ số MSCI All Country World Index trượt 0,12%, còn 845,95 điểm.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao tháng 3 tại London giảm 0,89 USD/thùng, tương đương giảm 1,2%, còn 76,16 USD/thùng. Giá dầu WTI giao tháng 2 tại New York giảm 0,93 USD/thùng, tương đương giảm 1,3%, còn 73,32 USD/thùng.
Giá dầu có lúc tăng hơn 1% trong phiên giao dịch, nhưng sau đó quay đầu giảm khi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng xăng tồn trữ của nước này tăng 6,3 triệu thùng trong tuần trước, đạt 237,7 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 1,5 triệu thùng mà các nhà phân tích đưa ra trong một cuộc khảo sát của Reuters. Lượng tồn trữ các sản phẩm chưng cất tăng 6,1 triệu thùng, đạt 128,9 triệu thùng, so với mức dự báo tăng 600.000 thùng.
Tuy nhiên, lượng dầu thô tồn trữ giảm 959.000 thùng, còn 414,6 triệu thùng, so với mức dự báo giảm 184.000 thùng.
Nói chung, lượng xăng dầu tồn trữ tăng là một dấu hiệu cho thấy nhu cầu yếu, dẫn tới áp lực giảm đối với giá dầu. Xu hướng tăng của đồng USD cũng đang gây sức ép mất giá đối với dầu. Dù vậy, một số nhà phân tích cho rằng thời tiết lạnh giá sẽ làm gia tăng nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu để sưởi ấm, nên giá dầu có thể sẽ được hỗ trợ.
“Tôi sẽ cảm thấy lo lắng nếu lượng tồn trữ tiếp tục tăng mạnh trong mấy tuần tới đây. Nhưng các đợt lạnh có thể sẽ gây áp lực giảm nguồn cung dầu và làm tăng nhu cầu dầu sưởi”, trưởng chiến lược Josh Young của công ty Bison Interests nhận định với Reuters.