Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chứng khoán Mỹ tụt điểm vì nỗi lo lãi suất, giá dầu giảm mạnh vì khả năng thừa cung

Vneconomy 5 Ngày trước

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (15/11), khi đà tăng sau bầu cử suy yếu và nhà đầu tư trở nên lo lắng hơn về đường đi của lãi suất. Giá dầu thô sụt hơn 2% và khép lại một tuần giảm mạnh vì mối lo rằng nguồn cung dầu của thế giới sẽ vượt quá nhu cầu tiêu thụ năng lượng này.

Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones mất 305,87 điểm, tương đương giảm 0,7%, còn 43.444,99 điểm. Chỉ số S&P 500 trượt 1,32%, còn 5.870,62 điểm. Chỉ số Nasdaq mất 2,24%, còn 18.680,12 điểm.

Cổ phiếu các công ty dược phẩm đồng loạt bị bán tháo, gây áp lực lên Dow Jones và S&P 500. Trong đó phải kể đến những cái tên như cổ phiếu Amgen giảm 4,2% hay Moderna giảm 7,3%. Hôm thứ Năm, Tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố ông dự định đề cử ông Robert F. Kennedy - một nhân vật có quan điểm hoài nghi về vaccine - vào ghế Bộ trưởng Bộ Y tế và Dịch vụ nhân sinh. Quỹ ETF SPDR S&P Biotech chứng kiến mức giảm 5% trong phiên ngày thứ Sáu và ghi nhận tuần giảm mạnh nhất kể từ năm 2020.

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu ngành chính thuộc S&P 500 giảm mạnh nhất phiên này là nhóm công nghệ thông tin, với mức giảm hơn 2%. Nvidia, Meta Platforms, Alphabet và Microsoft đều chốt phiên trong sắc đỏ. Riêng cổ phiếu Tesla là một ngoại lệ trong nhóm cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn Magnificient 7, tăng 3% khi đóng cửa. Tesla là một cổ phiếu “giao dịch Trump” nổi bật thời gian qua, khi mối quan hệ đã trở nên thân thiết giữa CEO Elon Musk của Tesla với ông Trump được cho là sẽ mang lại nhiều lợi ích cho công ty này trong thời chính quyền Trump 2.0.

“Chúng tôi cho rằng bối cảnh kinh tế vĩ mô vẫn đang báo hiệu tích cực cho các tài sản rủi ro. Nhưng trong ngắn hạn, tình hình vi mô sẽ có một số biến động, nhất là có thể có một số dịch chuyển chính sách dưới thời một chính quyền mới”, chiến lược gia trưởng Kristy Akullian của BlackRock nhận định với hãng tin CNBC. “Chúng tôi dự báo thị trường chứng khoán Mỹ tiếp tục tăng điểm, nhưng sự tăng điểm đó không diễn ra theo một đường thẳng”.

Nhà đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall đang cảm thấy ít nhiều lo lắng sau những phát biểu gần đây về lãi suất của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang (Fed) Jerome Powell. Hôm thứ Năm, ông Powell nói Fed “không vội hạ lãi suất”, rằng tăng trưởng kinh tế còn mạnh sẽ cho phép các nhà hoạch định chính sách có thêm thời gian để xác định nên giảm lãi suất đến đâu và với tốc độ như thế nào.

Trong một cuộc trao đổi với tờ báo Wall Street Journal, Chủ tịch Fed chi nhánh Boston, bà Susan Collins bày tỏ quan điểm thận trọng ở một mức độ cao hơn, rằng không gì đảm bảo chắc chắn Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 12.

Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng chưa đến 60% Fed hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng tới, giảm mạnh từ mức hơn 80% vào ngày hôm trước. Trong khi đó, khả năng Fed không hạ lãi suất trong lần họp này đã tăng lên mức hơn 40%.

Các số liệu kinh tế Mỹ công bố trong tuần này nhìn chung cho thấy nhịp tăng trưởng còn vững và tốc độ giảm của lạm phát đang có dấu hiệu chững lại. Trong đó, thống kê công bố vào ngày thứ Sáu cho thấy doanh thu bán lẻ tháng 10 tăng 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhỉnh hơn so với mức dự báo tăng 0,3% mà các nhà kinh tế đưa ra trong một cuộc khảo sát của hãng tin Dow Jones.

Đà tăng mạnh sau bầu cử đã đưa cả ba chỉ số chứng khoán Mỹ lập kỷ lục vào hôm thứ Hai tuần này, nhưng đà tăng đã suy yếu sau đó. Cả tuần, S&P 500 giảm 2,1%; Nasdaq trượt 3,2% và Dow Jones mất 1,2% điểm số.

Trong khi đó, bitcoin vẫn giữ được xung lực tăng. Lúc gần 9h sáng nay (16/11) theo giờ Việt Nam, giá bitcoin theo dữ liệu từ trang Coinmarketcap.com đứng ở mức hơn 91.000 USD, tăng gần 20% so với cách đó 1 tuần. Trong tuần này, có thời điểm giá bitcoin vượt 93.000 USD, cao chưa từng thấy.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,52 USD/thùng, tương đương giảm 2,09%, còn 71,04 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 1,68 USD/thùng, tương đuong giảm 2,45%, còn 67,02 USD/thùng.

Cả tuần, giá dầu Brent giảm 4% và giá dầu WTI giảm khoảng 5%.

Báo cáo thống kê từ Trung Quốc hôm thứ Sáu cho thấy các nhà máy lọc dầu của nước này trong tháng 10 chế biến lượng dầu thô ít hơn 4,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng của các nhà máy ở Trung Quốc cũng tăng chậm lại và cuộc khủng hoảng bất động sản chưa có dấu hiệu được cải thiện. Tất cả những dữ liệu này đều đặt ra mối lo ngại về sức khỏe của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, cũng như mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu bởi Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.

“Những trở ngại ở Trung Quốc vẫn tiếp diễn. Dù Trung Quốc có kích thích kinh tế như thế nào, nền kinh tế nước này vẫn sẽ chịu tổn thất nếu chính quyền Trump áp thuế quan mới lên hàng hóa Trung Quốc”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nhận xét với hãng tin Reuters.

Tuần này, các tổ chức dự báo lớn đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nguồn cung dầu sẽ thừa hơn 1 triệu thùng/ngày so với nhu cầu trong năm 2025 ngay cả khi liên minh OPEC+ tiếp tục giảm sản lượng.

“Nhu cầu dầu toàn cầu đang yếu đi. Chúng tôi đã nhận thấy điều này từ trước và nguyên nhân chủ yếu là tăng trưởng kinh tế Trung Quốc chậm lại, cũng như việc sử dụng ô tô điện tăng lên trên toàn thế giới”, CEO Fatih Birol của IEA phát biểu tại thượng đỉnh COP29 về chống biến đổi khí hậu.

Trước IEA, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cũng giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu năm nay và năm tới, trên cơ sở nhu cầu suy yếu ở Trung Quốc, Ấn Độ và các khu vực khác.

Xem bản gốc