Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chứng khoán Mỹ và dầu thô cùng bị bán tháo vì mối lo kinh tế

Vneconomy 15 Giờ trước

Thị trường chứng khoán Mỹ giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (21/2), khi dữ liệu kinh tế Mỹ làm dấy lên mối lo ngại về sự giảm tốc của tăng trưởng và sự dai dẳng của lạm phát. Giá dầu thô giảm gần 3% cũng vì lý do này, bên cạnh sự suy giảm của phần bù rủi ro Trung Đông.

Lúc đóng cửa, Dow Jones mất 748,63 điểm, tương đương giảm 1,69%, còn 43.428,02 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất của chỉ số blue-chip này từ đầu năm. Hai phiên giảm liên tiếp khiến Dow Jones mất gần 1.200 điểm.

Chỉ số S&P 500 giảm 1,71%, còn 6.013,13 điểm. Đây cũng là phiên giảm thứ hai liên tiếp của thước đo rộng nhất của giá cổ phiếu ở Phố Wall, sau khi chỉ số đóng cửa ở mức cao kỷ lục trong phiên ngày thứ Tư.

Chỉ số Nasdaq sụt 2,2%, chốt ở mưc 19.524,01.

Tốc độ bán tháo được đẩy mạnh vào cuối phiên vì các nhà giao dịch không muốn nắm giữ nhiều cổ phiếu qua cuối tuần - khoảng thời gian mà Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể đưa ra nhiều tuyên bố khiến thị trường biến động khi bước sang tuần giao dịch mới. Trong hơn 1 tháng cầm quyền đầu tiên, ông Trump đã đưa ra hàng loạt động thái về thuế quan và các chính sách khác, dẫn tới sự bất định cao trên thị trường tài chính và nền kinh tế toàn cầu.

Các số liệu công bố vào ngày thứ Sáu làm dấy lên mối lo ngại mới về nền kinh tế và thúc đẩy giới đầu tư đổ xô mua cổ phiếu, dẫn tới lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm mạnh.

Chỉ số niềm tin tiêu dùng của Đại học Michigan giảm xuống mức 64,7 điểm trong tháng 2, tương đương cú sụt gần 10% so với tháng trước và giảm sâu hơn nhiều so với dự báo. Niềm tin sụt giảm khi người tiêu dùng Mỹ lo lắng nhiều hơn về lạm phát vì khả năng nhiều thuế quan mới được áp. Cũng trong cuộc khảo sát này, kỳ vọng của người tiêu dùng về mức lạm phát sau 5 năm là 3,5%, mức cao nhất kể từ năm 1995.

Ngoài ra, doanh số bán nhà đã qua sử dụng ở Mỹ giảm mạnh hơn dự báo trong tháng 1, với mức giảm 4,9%, còn 4,08 triệu căn - số liệu đã được điều chỉnh theo các yếu tố mùa vụ để phản ánh doanh số theo kỳ 1 năm. Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) dịch vụ của Mỹ cũng giảm dưới ngưỡng trung tính 50 điểm trong tháng 2, phản ánh sự suy giảm của lĩnh vực dịch vụ - theo số liệu từ S&P Global.

Cổ phiếu Walmart - một “hàn thử biểu” về sức chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ - giảm 2,5% trong phiên này, đánh dấu phiên giảm thứ hai liên tiếp sau khi “đế chế” bán lẻ này đưa ra dự báo ảm đạm về tiêu dùng và nền kinh tế.

Tại một hội thảo ở Miami, nhà đầu tư nổi tiếng Steve Cohen đưa ra một số bình luận bi quan về thị trường và nền kinh tế. “Chắc chắn đây là một giai đoạn mà tôi cho rằng thị trường đã đạt được sự tăng trưởng tốt nhất rồi. Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu có một cuộc điều chỉnh lớn”, ông Cohen nói, đề cập đến rủi ro suy giảm tăng trưởng mà thuế quan đặt ra đối với kinh tế Mỹ, cũng như một số nỗ lực cắt giảm chi tiêu của Chính phủ Mỹ.

Phiên này chứng kiến nhà đầu tư bán mạnh các cổ phiếu công nghệ có mức tăng trưởng lớn như Nvidia và Palantir, đồng thời mua những cổ phiếu truyền thống được cho là an toàn hơn. Nvidia và Palantir chốt phiên với mức giảm tương ứng 4,1% và 4,6%, trong khi Procter & Gamble tăng 1,8%; Genenral Mills và Kraft Heinz tăng hơn 3% mỗi cổ phiếu.

Cả tuần này, S&P 500 giảm khoảng 1,7%, trong khi Dow Jones và Nasdaq giảm 2,5% mỗi chỉ số.

“20 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất trong S&P 500 ngày hôm nay đều thuộc các nhóm cổ phiếu phòng thủ như tiêu dùng thiết yếu, tiện ích và y tế. Nhà đầu tư thường quay sang những nhóm cổ phiếu như thế này khi xuất hiện mối lo về tăng trưởng kinh tế”, chiến lược gia Larry Tentarelli của trang Blue Chip Daily Trend Report nhận định với hãng tin CNBC.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 2,05 USD/thùng, tương đương giảm 2,68%, chốt ở mức 74,43 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 2,08 USD/thùng, tương đương giảm 2,87%, còn 70,4 USD/thùng.

Dầu thô giảm giá mạnh trong phiên ngày thứ Sáu dưới sức ép tương tự như trên thị trường chứng khoán, khi nhà đầu tư lo lắng về những số liệu kinh tế ảm đạm ở Mỹ. Ngoài ra, theo nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital, việc thỏa thuận ngừng bắn ở dải Gaza được duy trì tốt và tình hình ở Trung Đông tương đối ổn định thời gian này cũng là một nguyên nhân gây áp lực giảm lên giá dầu.

Cả tuần, giá dầu Brent giảm 0,4%, trong khi giá dầu WTI giảm 0,5% dù được hỗ trợ bởi thông tin về vụ hỏng một đường ống dẫn dầu lớn nối giữa Nga và Kazakshstan do đường ống này bị Ukraine tấn công bằng thiết bị bay không người lái.

Triển vọng bấp bênh của một thỏa thuận hòa bình để chấm dứt cuộc chiến tranh giữa Nga và Ukraine cũng là một yếu tố khiến giá dầu giằng co trong tuần này.

Mối quan hệ giữa Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy và Tổng thống Donald Trump đã xấu đi trong tuần sau khi ông Zelenskiy cáo buộc Mỹ và Nga tự tiện đàm phán về cuộc chiến ở Ukraine mà không có sự tham gia của Kiev. Mối rạn nứt gia tăng khi ông Trump đổ lỗi cho Ukraine gây ra cuộc xung đột đã kéo dài 3 năm.

Tuy nhiên, sau một cuộc gặp với phái viên của ông Trump về vấn đề Ukraine vào hôm thứ Năm, ông Zelenskiy nói Ukraine đã sẵn sàng hành động nhanh để đi đến một thỏa thuận mạnh với Mỹ về đầu tư và an ninh.

“Ông Trump tiếp tục gây sức ép lên Ukraine và thị trường xem đó là cơ hội để Nga được nới các biện pháp trừng phạt. Nếu vậy, dòng chảy dầu Nga có thể quay lại thị trường”, ông Kilduff nhận xét.

Về nhu cầu dầu, các nhà phân tích của ngân hàng JPMorgan Chase dự báo thời tiết lạnh ở Mỹ và hoạt động sản xuất công nghiệp ở Mỹ tăng lên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán sẽ đẩy nhu cầu dầu tăng lên trong tuần tới.

Xem bản gốc