Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chứng khoán Mỹ xanh rực sau báo cáo lạm phát, giá dầu tăng vì EU siết trừng phạt Nga

Vneconomy 1 Tháng trước

Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, với chỉ số Nasdaq đóng cửa ở mức cao chưa từng thấy, khi số liệu lạm phát không nằm ngoài dự báo mở đường cho Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất vào tuần tới. Giá dầu thô cũng tăng mạnh nhờ tin Liên minh châu Âu (EU) gia tăng trừng phạt đối với hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Lúc đóng cửa, chỉ số S&P 500 tăng 0,82%, đạt 6.084,19 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,77%, đạt 20.034,89 điểm, đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử chốt phiên trên mức 20.000 điểm.

Riêng chỉ số Dow Jones giảm điểm phiên này, mất 99,27 điểm, tương đương giảm 0,22%, còn 44.148,56 điểm.

Công nghệ là nhóm cổ phiếu giữ vai trò trụ cột của thị trường trong phiên này. Cổ phiếu Alphabet, công ty mẹ của Google, có phiên tăng thứ hai liên tiếp nhờ bước đột phá về điện toán lượng tử khi trình làng một loại con chip mới. Phiên này, Alphabet đóng cửa với mức tăng 5,5%.

Một số cổ phiếu công nghệ vốn hóa lớn khác trong nhóm Magnificent như Meta Platforms, Nvdia, Tesla và Amazon cũng ghi nhận mức tăng ấn tượng. Trong đó, Nvidia tăng 3% và Tesla tăng gần 6%, nâng tổng mức tăng từ đầu năm tới này của mỗi cổ phiếu lên tương ứng 181% và 71%.

Ngoài lực tăng của cổ phiếu công nghệ, thị trường còn lạc quan bởi số liệu lạm phát tương đối dịu và không nằm ngoài dự báo. Thống kê đến từ Bộ Lao động Mỹ cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 11 tăng 0,3% so với tháng 10 và tăng 2,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Không tính hai nhóm hàng hóa có nhiều biến động là thực phẩm và năng lượng, CPI lõi tăng 0,3% trên cơ sở tháng và tăng 3,3% trên cơ sở năm.

Dữ liệu này cho thấy lạm phát tháng 11 tăng nhẹ so với tháng 10, nhưng phù hợp với kỳ vọng và các nhà giao dịch cho rằng lạm phát tăng như vậy chưa đủ mạnh để có thể khiến Fed không hạ lãi suất trong cuộc họp vào tuần tới. Trên thị trường lãi suất tương lai, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng gần 99% Fed hạ lãi suất vào ngày 17-18/12 - theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME.

“Chúng tôi dự báo Fed hạ lãi suất trong cuộc họp cuối cùng của năm nay. Không có gì đáng ngạc nhiên khi xu hướng của thị trường vẫn là đi lên, và sẽ không có gì khiến thị trường trệch khỏi hướng đi này trong thời gian từ nay đến hết năm”, chiến lược gia Tom Hainlin của công ty US Bank Asset Management nhận định với hãng tin CNBC.

Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 1,33 USD/thùng, tương đương tăng 1,84%, đóng cửa ở mức 75,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 1,7 USD/thùng, tương đương tăng 2,48%, chốt ở 70.29 USD/thùng.

Các đại sứ EU ngày thứ Tư nhất trí gói trừng phạt thứ 15 của khối này đối với Nga liên quan tới cuộc chiến tranh ở Ukraine - theo Hungaria, nước đang giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của EU.

“Tôi hoan nghênh việc áp dụng gói trừng phạt thứ 15 của EU, đặc biệt là các biện pháp nhằm vào đội tàu chở dầu bí mật của Nga”, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen viết trên mạng xã hội X.

Nga được cho là có những con tàu chở dầu bí mật để giúp nước này tránh giá trần 60 USD/thùng dầu mà các nước G7 áp lên dầu thô Nga xuất khẩu bằng đường biển từ năm 2022. Với sự hậu thuẫn của đội tàu đó, dòng chảy dầu Nga ra thị trường toàn cầu về cơ bản không bị gián đoạn.

Tuy nhiên, mức tăng của giá dầu trong phiên ngày thứ Tư bị hạn chế bởi báo cáo hàng tuần từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy lượng tồn kho xăng và các sản phẩm chưng cất của nước này trong tuần trước tăng mạnh hơn so với dự kiến.

Cùng với đó, báo cáo hàng tháng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) lần thứ 5 liên tiếp cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu trong năm 2024 và 2025. Tình trạng suy yếu của nhu cầu tiêu thụ dầu, nhất là nhu cầu của Trung Quốc, trong khi nguồn cung dầu ngoài liên minh OPEC+ tăng mạnh, là nguyên nhân phía sau việc cắt giảm dự báo này.

“OPEC đang dần chấp nhận thực tế mà họ phải đối mặt. Việc giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu cho thấy OPEC có nhiều việc phải làm để cân bằng cung - cầu trên thị trường dầu trong năm 2025”, nhà quản lý quỹ John Kilduff của công ty Again Capital nhận định với hãng tin Reuters.

Xem bản gốc