Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chuyển dịch năng lượng: Cần chiến lược dài hạn và giải pháp quyết liệt hơn

Vneconomy 2 Tuần trước

Tại diễn đàn “Tái định hình chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu: nhận diện xu hướng, thách thức và giải pháp cho Việt Nam” mới đây, ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách thúc đẩy phát triển, chuyển dịch năng lượng, đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia.

Sự phát triển năng lượng tái tạo tại Việt Nam đã ghi nhận những bước tiến đáng kể nhờ cơ chế, chính sách khuyến khích của Nhà nước, tuy nhiên, hiện vẫn có những điểm nghẽn pháp lý...

Phát biểu tại diễn đàn, ông Abhinav Goyal, Giám đốc Dịch vụ tư vấn Dự án Đầu tư và Cơ sở hạ tầng PwC Việt Nam, đánh giá chuyển dịch năng lượng mang lại cả cơ hội cũng như thách thức cho Việt Nam. Hiện nay, Việt Nam đang đứng trước nhu cầu cấp thiết về chuyển dịch năng lượng với tham vọng và mục tiêu rõ ràng về phát triển bền vững để chuyển dịch từ cơ cấu năng lượng chủ yếu dựa vào than đá sang năng lượng tái tạo.

Theo đó, công suất nhiệt điện than dự kiến đạt đỉnh vào năm 2030 và sau đó giảm dần về 0 trong giai đoạn 2030-2050. Dự kiến năng lượng tái tạo sẽ chiếm phần lớn, 31% và 62% trong tổng năng lượng vào năm 2030 và 2050.

CƠ HỘI LỚN, THÁCH THỨC NHIỀU

Chuỗi cung ứng của nguồn cung năng lượng có sự thay đổi. Mặc dù, chuỗi cung ứng vẫn dựa vào nhập khẩu, nhưng chuỗi cung ứng trong nước sẽ ngày càng được củng cố để đáp ứng được nhu cầu sử dụng năng lượng tái tạo đang gia tăng nhanh chóng.

Mặc dù ở Việt Nam, ngành công nghiệp sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời hoặc các tua bin gió vẫn đang phát triển mạnh mẽ, song vẫn đang phụ thuộc vào nhập khẩu.

“Khi nhu cầu năng lượng tái tạo đang phát triển mạnh mẽ, cơ hội đang trở nên rõ ràng hơn cho các doanh nghiệp Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng”, ông Goyal nhận định. Việc dịch chuyển năng lượng sẽ tác động trực tiếp và mang đến nhiều cơ hội cho các bên liên quan trong chuỗi cung ứng. Với các nhà phát triển dịch vụ và cung cấp công nghệ, họ có những cơ hội đáng kể khi có thể đưa ra các giải pháp năng lượng tái tạo trong các lĩnh vực mới.

Bên cạnh đó, sự dịch chuyển sang năng lượng tái tạo cũng mang đến cơ hội cho các nhà cung cấp và các đơn vị tham gia vào thị trường khi có các dịch vụ mới được phát triển, từ đó tạo nguồn doanh thu mới, giảm chi phí năng lượng và cải thiện thương hiệu.

Tuy nhiên, đại diện PwC Việt Nam nhìn nhận rằng có một số thách thức đáng kể do việc dịch chuyển này mang lại. Cụ thể, những hạn chế về mặt tài chính sẽ hạn chế các dự án lớn mở rộng quy mô. Cùng với đó, sự không chắc chắn về một số quy định gây gián đoạn chuỗi cung ứng, hoặc biến động chi phí nguyên vật liệu có thể dẫn đến các lỗ hổng trong chuỗi cung ứng.

Trong chuỗi cung ứng linh kiện của ngành năng lượng tái tạo, gần 90% nguồn cung của các dự án được nhập khẩu từ các quốc gia khác. Đây cũng là cơ hội mới để Việt Nam tăng cường sản xuất và tham gia sâu rộng hơn vào chuỗi cung ứng linh kiện này. Do đó, bằng cách tận dụng các giải pháp tài chính sáng tạo và đơn giản hóa quy trình phê duyệt, ông Goyal cho rằng Việt Nam có thể thu hút nhiều vốn đầu tư hơn để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng mạnh mẽ hơn.

Quy hoạch điện 8 cho thấy sự tiến bộ đáng kể trong chính sách của Việt Nam, cũng như quyết tâm của Chính phủ trong việc nội địa hóa chuỗi cung ứng, thông qua việc thành lập các trung tâm dịch vụ và công nghiệp tái tạo liên vùng. Mặc dù vậy, tỷ lệ nội địa hóa trong chuỗi cung ứng tại Việt Nam vẫn còn thấp. Do đó, ông Goyal kiến nghị cần phải áp dụng những biện pháp mạnh mẽ hơn để thúc đẩy sự tham gia của các doanh nghiệp Việt Nam trong chuỗi cung ứng.

Nhìn nhận những thách thức trong phát triển năng lượng tái tạo, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết đó là việc đầu tư đường dây truyền tải, phân phối để giải tỏa công suất là áp lực lớn cho EVN, nhất là trong bối cảnh năng lượng tái tạo phát triển nhanh những năm qua.

Bên cạnh đó, hiện điện gió và mặt trời cung cấp cho nền kinh tế 35 tỷ kWh, chiếm 12% trong tổng nhu cầu sử dụng điện cả nước. Tuy nhiên, năng lượng tái tạo phụ thuộc vào thời tiết như điện mặt trời theo giờ trong ngày; điện gió lại theo mùa. Qua theo dõi của công ty điều động điện quốc gia, có những ngày ghi nhận cả nước không có gió. Đây là thách thức khi đẩy mạnh năng lượng tái tạo mà không có hệ thống lưu trữ điện hợp lý.

KHUYẾN KHÍCH TƯ NHÂN ĐẦU TƯ VÀO NĂNG LƯỢNG SẠCH

Để thực hiện chiến lược chuyển dịch năng lượng tại Việt Nam được diễn ra thuận lợi, đạt tiến độ và mục tiêu đề ra, theo chuyên gia của PwC Việt Nam, Việt Nam cần xây dựng cơ chế khuyến khích và mở rộng các sản phẩm tài chính, bao gồm tài chính ưu đãi, tài chính đa phương từ các ngân hàng phát triển đa phương và tài chính hỗn hợp, cùng với sự bảo lãnh từ tín dụng xuất khẩu (ECA) và các cơ chế tài chính khí hậu sáng tạo.

Bên cạnh đó, Nhà nước có thể cân nhắc tính phù hợp của các cơ chế khuyến khích khác nhau, chẳng hạn như miễn giảm thuế, trợ giá hoặc tài trợ, miễn thuế nhập khẩu, ưu đãi thuê đất hoặc các biện pháp khuyến khích dựa trên hiệu suất cho sự phát triển chuỗi cung ứng.

Việt Nam cũng cần phát triển đối tác công-tư để tạo ra các mô hình tài chính cung cấp các tùy chọn đầu tư dài hạn và giảm rủi ro tài chính cho dự án. Ngoài ra, cần tận dụng các chương trình tài trợ quốc tế, ví dụ như chương trình Đối tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP), hợp tác với các tổ chức tài chính toàn cầu để thu hút chuyên môn và vốn vào thị trường năng lượng sạch của Việt Nam.

Đồng thời, đẩy nhanh quá trình thẩm định cho vay từ ngân hàng đối với dự án mới, đơn giản hóa và đẩy nhanh quy trình cấp phép dự án, đặc biệt trong lĩnh vực mới như điện gió ngoài khơi và lưu trữ năng lượng. Ở một số lĩnh vực mới, có thể có những quy định đặc thù để thử nghiệm với các dự án quy mô hợp lý nhằm nâng cao năng lực trong nước trước khi nhân rộng quy mô lớn.

Cùng với đó, tăng cường khung pháp lý để hoàn thiện thị trường điện cạnh tranh, các quy định về Cơ chế bán điện trực tiếp (DPPA) và khuyến khích sự tham gia với các bên liên quan để giải quyết các thắc mắc và đơn giản hóa việc tham gia mô hình DPPA của các nhà phát triển dự án và các đơn vị sử dụng điện lớn.

Đối với chuỗi cung ứng và dịch vụ phụ trợ, cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất trong nước, như: cung cấp các gói ưu đãi cho các công ty đầu tư, sản xuất vào năng lượng tái tạo, thúc đẩy liên doanh và phát triển chuỗi cung ứng năng lượng mới.

Theo khuyến nghị của ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc B.Grimm Power Việt Nam, Việt Nam cần hiểu rõ chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu và giải quyết các thách thức liên quan. Chuỗi cung ứng năng lượng bao gồm các giai đoạn từ sản xuất, vận chuyển, phân phối, đến tiêu thụ. Việt Nam đã bắt kịp xu hướng rất nhanh khi đã có những bước đi đầu tiên vào năm 2016 và từ năm 2018 đến nay, nhiều dự án năng lượng tái tạo đã đi vào hoạt động. Tuy nhiên, để phát triển bền vững, cần có các giải pháp quyết liệt hơn trong thời gian tới.

Cần khuyến khích đầu tư tư nhân vào năng lượng sạch. Mặc dù, Việt Nam đang tập trung kêu gọi nguồn lực quốc tế, nhưng các chính sách hiện tại vẫn còn bất cập và thiếu đồng bộ. Ông Tuấn cho rằng cơ chế cần rõ ràng hơn để tránh tình trạng gián đoạn, giúp các nhà đầu tư và ngân hàng không gặp khó khăn trong quá trình triển khai dự án...

Nội dung bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 45-2024 phát hành ngày 04/11/2024. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây: 

https://postenp.phaha.vn/chi-tiet-toa-soan/tap-chi-kinh-te-viet-nam

 Cần chiến lược dài hạn và giải pháp quyết liệt hơn - Ảnh 1
Xem bản gốc