(Xây dựng) - Ngày 6/12, tại thành phố Cần thơ, Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị “Báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của điều lệ Giải báo chí Quốc gia và tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Nam”.
Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu tại Hội nghị. |
Hiện nay, chuyển đổi số là xu hướng phát triển tất yếu của thời đại, và trong công cuộc chuyển đổi số, báo chí với sứ mệnh truyền tải thông tin nhanh chóng, chính xác, kịp thời, đóng vai trò vô cùng quan trọng, tạo nội lực thực hiện cuộc cách mạng chuyển đổi số thành công.
Đối với nền báo chí nói chung hiện nay, chuyển đổi số như “cánh tay nối dài”, giúp gắn kết và thiết lập mối quan hệ với công chúng, nhanh chóng truyền tải thông tin kịp thời và đến gần hơn với độc giả, khán thính giả. Vậy, có thể khẳng định, sự tác động của quá trình chuyển đổi số đối với báo chí là tất yếu, là sự sống còn trong tiến trình phát triển chung của thời đại.
Nhà báo Trương Văn Chuyển, Tổng Biên tập Báo Cần Thơ, Chủ tịch Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ cho rằng: Cũng như báo chí các khu vực khác, lực lượng báo chí ở Tây Nam Bộ có truyền thống đoàn kết và luôn phối hợp truyền thông vì sự phát triển chung của cả vùng. Ngoài các chuyên trang, chuyên mục mang tính đặc thù riêng, các Báo, Đài ở khu vực Tây Nam Bộ đều có chuyên trang, chuyên mục có nội dung chung về Tây Nam Bộ. Trong đó, có những chuyên trang, chuyên mục nổi bật về liên kết vùng kinh tế trọng điểm, về kết nối giao thông, quy hoạch đô thị…
Nhìn chung, thời gian qua, các cơ quan Báo, Đài khu vực Tây Nam Bộ thực hiện khá tốt công tác tuyên truyền liên kết vùng, thông tin về hợp tác, liên kết vùng được đưa đến bạn đọc kịp thời, rõ ràng, dễ hiểu. Đồng thời, các Báo, Đài cũng kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong quá trình hợp tác, liên kết phát triển vùng… làm cơ sở để Trung ương, chính quyền địa phương, các ngành chức năng hoạch định chiến lược phát triển tốt hơn vùng Tây Nam Bộ.
Thông tin về hợp tác, liên kết vùng được khai thác đa chiều và phong phú, không chỉ là “tiếng nói” từ Trung ương, mà còn xuất phát từ các địa phương khác trong vùng; là quan điểm, ý kiến của lãnh đạo, quản lý các địa phương, của các nhà khoa học, các chuyên gia, các tầng lớp nhân dân… Hình thức thể hiện thông tin phong phú, đa dạng và sáng tạo. Đặc biệt, thời gian gần đây các Báo, Đài khai thác tốt ưu thế của truyền thông đa phương tiện để tuyên truyền về hợp tác, liên kết vùng sâu sắc, hiệu quả hơn.
“Nhìn ở khía cạnh tổng thể, thông tin của các cơ quan báo chí trong vùng vẫn chưa sâu sát, kịp thời so với với thực tiễn đời sống phong phú của vùng Tây Nam Bộ. Hạn chế trên một phần do sự hợp tác, liên kết giữa các cơ quan báo chí trong vùng chưa thật sự chặt chẽ. Vì thế, cần tiếp tục nâng cao nhận thức về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan báo chí trong việc liên kết cung cấp thông tin vì sự nghiệp phát triển chung của khu vực Tây Nam Bộ. Đồng thời, đề xuất các địa phương trong vùng tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện nghiệp vụ hiện đại cho các cơ quan báo chí trong vùng, nhằm đảm bảo công tác thông tin vì sự phát triển hiệu quả hơn nữa”, ông Trương Văn Chuyển đề xuất.
Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ phát biểu tại Hội nghị. |
Theo Nhà báo Lê Xuân Trung, Phó Tổng Biên tập Báo Tuổi Trẻ, hiện nay, báo chí đa phương tiện mở ra không gian sáng tạo không giới hạn cho nhà báo, cơ quan báo chí thể hiện đề tài báo chí với nhiều loại ngôn ngữ, nhiều loại hình trên nhiều nền tảng.
Báo chí đa phương tiện chất lượng cao cần phát huy thế mạnh “3 đa + 3 truyền”. Cụ thể, “3 đa”, bao gồm: Đa ngôn ngữ (text, ảnh, đồ họa, audio, video, livestream); Đa loại hình (báo in, báo mạng, báo nói, báo hình, hỗn hợp) và đa nền tảng (các nền tảng cũ + web, app, mạng xã hội).
Còn “3 truyền”, gồm: Truyền thông tin kịp thời, chính xác cho công chúng; Truyền thông điệp rõ ràng cho công chúng cảm nhận đầy đủ qua dẫn chứng, phân tích và các giải pháp tích cực và Truyền cảm hứng tạo động lực cho công chúng chia sẻ, hành động cùng góp phần thực hiện giải pháp.
Tại Hội nghị, Hội Nhà báo Việt Nam đã nêu những tiêu chí báo chí chất lượng cao đáp ứng yêu cầu điều lệ giải báo chí quốc gia lần thứ XIX năm 2024. Theo đó, tập trung tuyên truyền, cổ động, tập hợp nhân dân thực hiện đường lối lãnh đạo của Đảng; chính sách pháp luật của Nhà nước. Bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, của địa phương, phản ánh kịp thời và sâu sắc tình hình thực tế, có tính phát hiện, phục vụ thiết thực sự nghiệp đổi mới, sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phản ánh trung thực đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại của đất nước, việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong năm 2024;
Khuyến khích các tác phẩm báo chí về các điển hình tiên tiến, nhân tố mới, tấm gương người tốt việc tốt; các tác phẩm báo chí điều tra, góp phần phòng, chống các hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí; phản bác những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch; bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; các giải pháp tháo gỡ khó khăn của nền kinh tế; thông tin chính xác và có tính chỉ dẫn, định hướng cao về các sự kiện quốc tế quan trọng; khuyến khích các tác phẩm báo chí có tính chuyên sâu, chuyên biệt, có cơ sở khoa học và thực tiễn cao, có tính dự báo; thể hiện giá trị của báo chí tích cực, báo chí giải pháp, báo chí truyền cảm hứng và thúc đẩy nhận thức, hành vi tích cực của cộng đồng, xã hội; nêu cao tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giáo dục người dân hành động theo chuẩn mực, đạo đức pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Với tác phẩm, sản phẩm báo chí đa phương tiện và báo chí sáng tạo, ưu tiên nội dung số độc đáo, đặc sắc, có tính hấp dẫn cao của tác phẩm dự thi. Không xét tác phẩm có tính chất hư cấu (thơ, tranh vẽ, tiểu phẩm, ký văn học, câu chuyện văn nghệ, truyện ngắn, tạp văn…).
Quang cảnh hội nghị. |
Cũng tại Hội nghị, lãnh đạo Hội Nhà báo Việt Nam đề nghị các đại biểu thuộc 19 Hội Nhà báo tỉnh, thành phố phía Nam phát huy tinh thần xây dựng, tích cực tham luận và đóng góp ý kiến. Trong đó, tập trung làm rõ vai trò và nhiệm vụ của báo chí trong tuyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững đất nước. Từ đó, đề xuất, kiến nghị giải pháp mạnh mẽ hơn trong chuyển đổi số báo chí, phát triển đa dạng sản phẩm báo chí số trong hệ sinh thái số hiện nay.
Cùng với đó là đánh giá kết quả của Giải Báo chí Quốc gia qua 18 năm triển khai; đóng góp của Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao đối với việc nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho các phóng viên, nhà báo trong quá trình tác nghiệp, tăng cường chất lượng sản phẩm của cơ quan báo chí, phục vụ hiệu quả các kế hoạch công tác của đơn vị và nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Giới thiệu, hướng dẫn và làm rõ những điểm mới của Điều lệ Giải Báo chí quốc gia sửa đổi năm 2024; các quy trình, quy định trong thẩm định, tuyển chọn tác phẩm báo chí chất lượng cao tham dự Giải Báo chí Quốc gia, giải báo chí cấp tỉnh và các giải báo chí chuyên ngành khác.
Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia sửa đổi năm 2024 là một dấu mốc quan trọng, thể hiện sự đồng nhất với bước tiến mạnh mẽ của báo chí cách mạng Việt Nam trong tiến trình phát triển của báo chí thế giới. Điều lệ này đã đặt ra những yêu cầu cao hơn về chất lượng tác phẩm báo chí, đòi hỏi các hội viên, phóng viên, nhà báo phải không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, sáng tạo và đổi mới.
Trước đó, ngày 5/12, Đoàn công tác của Hội Nhà báo Việt Nam đã làm việc với lãnh đạo UBND thành phố Cần Thơ nhằm đánh giá về công tác nâng cao vai trò, chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội Nhà báo thành phố.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức Lợi ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động, kết quả tích cực của Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ thời gian qua. Hội đã thực hiện tốt việc tập hợp, đoàn kết các hội viên, người làm báo trên địa bàn, làm tốt công tác phát triển hội viên; tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ, chính trị tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp; không có hội viên vi phạm đạo đức nghề nghiệp, vi phạm pháp luật...
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam yêu cầu, thời gian tới, Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ cần tăng cường vai trò, vị trí, hình ảnh, chất lượng hoạt động của Hội trong hệ thống chính trị; phát triển, kết nạp hội viên trên địa bàn. Hội tiếp tục quan tâm mở các lớp bồi dưỡng về chính trị cho đội ngũ làm báo, giúp các nhà báo vững vàng hơn về chính trị, tư tưởng; hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nhà báo, cơ quan báo chí địa phương tích cực tham gia giải báo chí quốc gia để nâng tầm vị thế của các nhà báo, cơ quan báo chí địa phương…