(Xây dựng) - Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, có hơn 400 dự án xanh được ghi nhận tính đến năm 2024. Con số này đã vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 dự án tới năm 2025, thể hiện nỗ lực của toàn ngành Bất động sản.
Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy có hơn 400 dự án xanh được ghi nhận tính đến năm 2024, vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 dự án tới năm 2025. |
Ngành Bất động sản Việt Nam đang hòa cùng làn sóng chuyển đổi xanh trên toàn cầu. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và mối quan tâm của cộng đồng về môi trường, sức khỏe tăng cao, các bất động sản xanh sẽ có ưu thế cạnh tranh trước nhóm dự án truyền thống.
Chính phủ và doanh nghiệp các nước, trong đó có Việt Nam, ngày càng chú trọng đến phát triển vền vững. Tại Hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi Khí hậu lần thứ 26, Thủ tướng Phạm Minh Chính cam kết đưa mức phát thải ròng của Việt Nam về 0 vào năm 2050, cùng với 167 quốc gia khác. Cam kết này đã tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy xu hướng phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, trong đó có bất động sản.
Dù khởi động muộn hơn các nước trong khu vực, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng ghi nhận. Theo Hội đồng Công trình xanh Việt Nam (VGBC), đến cuối năm 2019, số lượng công trình xanh tại Việt Nam chỉ bằng 1/3 Thái Lan và 1/15 Singapore, với 70 dự án.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, số lượng dự án xanh tại Việt Nam đã tăng đáng kể. Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy có hơn 400 dự án xanh được ghi nhận tính đến năm 2024. Con số này đã vượt xa mục tiêu ban đầu là 80 dự án tới năm 2025, thể hiện nỗ lực của toàn ngành Bất động sản.
Ông Trần Ngọc Duy, Phó Giám đốc Bộ phận Quản lý Bất động sản, Savills Hà Nội: Để được công nhận là công trình xanh, ngoài đáp ứng các tiêu chí bền vững về xây dựng thiết kế, vật liệu thi công, các dự án cần phải đáp ứng hiệu suất môi trường, vận hành tiết kiệm năng lượng. Việc nắm bắt xu hướng và chuyển đổi xanh sẽ giúp các chủ đầu tư có lợi thế trong việc thu hút và giữ chân khách hàng, đạt tỷ lệ lấp đầy nhanh hơn và có thể chào bán, cho thuê với mức chi phí tốt hơn.
Bởi các dự án xanh không chỉ phục vụ mục tiêu chung của toàn cầu và Chính phủ về phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, mà còn phục vụ nhu cầu thực tế của người dân. Sau đại dịch Covid-19, người dân ngày càng quan tâm đến việc chăm sóc sức khỏe, môi trường sống và làm việc, cùng các yếu tố bền vững.
Chưa kể, mặc dù chi phí đầu tư xây dựng ban đầu cho các công trình xanh có thể cao hơn so với loại dự án truyền thống, việc vận hành bền vững mang lại hiệu quả hoạt động tốt hơn và tiết kiệm hơn, đặc biệt trong việc giảm chi phí năng lượng tiêu thụ.
Do đó, chuyên gia Savills cho rằng, để đạt được mục tiêu phát triển bền vững xuyên suốt quá trình dự án đi vào hoạt động, chủ đầu tư, Ban Quản lý và cư dân cần phối hợp chặt chẽ cùng thực hiện các giải pháp xây dựng và quản lý theo tiêu chuẩn xanh.
Theo dữ liệu từ Savills, các giải pháp tối ưu nguồn nước đã giúp các dự án văn phòng tiết kiệm 17% lượng nước tiêu thụ trên mỗi m2 diện tích sử dụng. Đối với các dự án nhà ở, con số này đạt mức giảm 3%, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên nước trong quản lý bất động sản.