(Xây dựng) - “Chuyển đổi xanh trong công trình xây dựng cần từ quy hoạch, kiến trúc, tổ hợp công trình xây dựng, đến những công trình xây dựng đơn lẻ. Đó là, sử dụng hiệu quả năng lượng đi đôi với giảm thiểu sử dụng năng lượng không thể tái tạo; giảm phát thải carbon bằng giải pháp sử dụng vật liệu thân thiện môi trường, công nghệ xây dựng sạch; thúc đẩy sử dụng bền vững và tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên theo tinh thần nương nhờ; tạo được môi trường bên trong và bên ngoài an toàn, tiện nghi, bảo vệ sức khỏe cho con người góp phần bảo tồn phát huy văn hóa bản địa và hội nhập tiên tiến trên tinh thần không hòa tan”.
Đây là nhận định của TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam trong phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024 diễn ra vừa qua, tại Hà Nội.
TS.KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội KTS Việt Nam trình bày tham luận trong phiên toàn thể Tuần lễ Công trình xanh Việt Nam 2024. |
Chuyển đổi xanh công trình xây dựng phải ráo riết, cụ thể, có định lượng
Trên thế giới hiện có khoảng hơn 80 nước đang áp dụng các bộ tiêu chuẩn đánh giá công trình xanh. Chuyển đổi công trình xanh lấy tiêu biểu theo khung từ một số tiêu chuẩn được xem là tiên tiến như sau: Khung LEED của Hoa Kỳ, gồm 8 hạng mục với các tiêu chí cụ thể đo lường thành định lượng mức độ đáp ứng. Khung đánh giá BREEAM của Anh, cung cấp khung đánh giá định lượng đa chiều về tính bền vững, gồm 12 hạng mục. Khung BCA Green Mark Singapore, gồm 5 hạng mục chính, đánh giá định lượng toàn diện…
Ở Việt Nam, Nghị quyết số 06-NQ/TW về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có quan điểm chỉ đạo quy hoạch, xây dựng, quản lý phát triển bền vững đô thị theo hướng xanh, văn minh giàu bản sắc với mục tiêu: Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa, đặc trưng được giữ gìn, phát huy.
Thực tế thì chưa có hệ tiêu chí nào bắt buộc chuyển đổi xanh công trình xây dựng từ quy định chung của Nhà nước. Việc đăng ký đạt chuẩn công trình xanh được áp dụng và công nhận từ bộ tiêu chí đánh giá nào là do chủ đầu tư tự thực hiện. LOTUS là hệ thống tiêu chí đánh giá công trình xanh đầu tiên được phát triển dành riêng cho Việt Nam, do Hội đồng công trình xanh thực hiện. Hình thành từ năm 2007, đến năm 2010 thì được áp dụng thử, đã được học tập từ hệ thống quốc tế tiên tiến, kết hợp các điều chỉnh phù hợp điều kiện Việt Nam. LOTUS gồm các tiêu chí bắt buộc (prerequisites) và các tiêu chí tự nguyện (credits), được chia thành các hạng mục. LOTUS có 6 hạng mục chính; có lập quy trình đánh giá và 4 cấp chứng nhận.
Việt Nam đang có tốc độ đô thị hình thành với tỷ lệ về số lượng trong Top đầu thế giới (đến năm 2024 đã có đến 902 đô thị), tốc độ đô thị hóa khá nhanh. Tuy nhiên, công trình xanh mới được chứng chỉ khoảng hơn 300, cùng một số công trình đạt nhưng chưa có đánh giá.
Theo TS.KTS Phan Đăng Sơn thì đô thị nào trong mục tiêu chiến lược cũng có yêu cầu “xanh - sinh thái”. Nhưng giải pháp thực sự vẫn chủ yếu dừng ở dạng mô tả, chưa đi kèm giải pháp có hệ thống. Các vùng nông thôn và vùng ngoài đô thị, chuyển đổi xanh về thực hành thì tốt hơn các vùng đô thị.
Do đó, chỉ ra định hướng chuyển đổi xanh hiệu quả với công trình xây dựng ở Việt Nam, TS.KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, chuyển đổi xanh công trình xây dựng cần phải được ráo riết thực hiện bằng những chương trình theo định hướng cụ thể, rõ ràng và có định lượng. Việc đánh giá phải được ràng buộc pháp lý chặt chẽ.
Với công trình, tổ hợp công trình hình thành mới cần xác định mục tiêu bền vững và cụ thể. Lựa chọn khung đánh giá phù hợp; sử dụng công nghệ và sáng tạo; kiểm định, đánh giá liên tục quá trình triển khai; kiểm soát và vận hành kết nối liên hệ… Với công trình, tổ hợp đã hình thành từ trước khi chuyển đổi xanh: Cần có sự đánh giá hiện trạng; sử dụng công nghệ và sáng tạo để triển khai; các bước kiểm soát suốt quá trình triển khai và khẳng định được vai trò mới trong kết nối quy hoạch.
Kiến trúc xanh - xu hướng tất yếu của kiến trúc thế kỷ XXI
Kiến trúc xanh là kiến trúc được áp dụng một cách sáng tạo, hiệu quả các giải pháp thiết kế mà xây dựng, vận hành cho đến loại bỏ đều đáp ứng thân thiện với thiên nhiên, môi trường. Sử dụng hiệu quả tối ưu năng lượng, tài nguyên, vật liệu. Tạo tiện nghi và sức khỏe tốt cho người sử dụng. Hài hòa phù hợp với cảnh quan sinh thái tự nhiên, bản sắc văn hóa, điều kiện xã hội, tính nhân văn.
Kiến trúc xanh cần đáp ứng tính bản địa gắn với phong tục tập quán địa phương. (Nguồn: Internet) |
TS. KTS Phan Đăng Sơn cho rằng, công trình xanh thì phải thỏa mãn những yếu tố thân thiện môi trường toàn diện hơn kiến trúc xanh, nhưng yếu tố gắn với xã hội và con người về mặt nhân văn lại không cần đáp ứng rõ và đầy đủ như kiến trúc xanh. Kiến trúc xanh thỏa mãn yêu cầu thẩm mỹ và công năng tốt, giải quyết hiệu quả về tính bản sắc, tiên tiến về hình thái – nội dung, đạt hiệu ứng rõ ràng về đáp ứng tính bản địa gắn với phong tục tập quán địa phương.
Hội Kiến trúc sư Việt Nam ngay từ 2011 đã xác định 5 tiêu chí kiến trúc xanh phù hợp cho điều kiện bản địa. Đến nay đang là bộ tiêu chí chính thống, duy nhất đưa ra được các đánh giá, quy chuẩn bao quát và toàn diện, do một tổ chức nghề nghiệp chuyên ngành công bố. Các tiêu chí gồm: Địa điểm bền vững; sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; chất lượng môi trường trong nhà; kiến trúc tiên tiến, bản sắc; tính xã hội – nhân văn bền vững; hệ thống giải pháp đồng bộ cho kiến trúc xanh tại Việt Nam.
Trong điều kiện tự nhiên, khí hậu, thủy văn các vùng miền rất khác nhau, chịu ảnh hưởng của sự biến đổi khí hậu không giống nhau, bản sắc văn hóa khác nhau, con người lối sống khác nhau, các giải pháp kiến trúc xanh cần gắn chặt điều kiện cụ thể tại các vùng đó.
Vì vậy, TS.KTS Phan Đăng Sơn đề xuất một số gợi hướng mang tính chất khung chung cho thể loại công trình xây dựng mới như: Giải pháp với việc xác lập địa điểm bền vững; giải pháp cho sử dụng tài nguyên, năng lượng hiệu quả; giải pháp đảm bảo chất lượng môi trường bên trong nhà; giải pháp đáp ứng tính bản sắc và tiên tiến của kiến trúc; giải pháp đáp ứng tính xã hội và nhân văn.
Các xu hướng công nghệ áp dụng trong chuyển đổi xanh cho công trình: Tạo lập và vận hành công nghệ xanh; ra quyết định dựa trên dữ liệu lớn; mô hình hóa thông tin công trình (BIM); tích hợp năng lượng tái tạo; đổi mới vật liệu; thực tế ảo và thực tế tăng cường; công nghệ chuỗi khối; hệ thống thiết bị thông minh; bảo trì, dự đoán; hỗ trợ chứng chỉ và xếp hạng xanh.