Ông Đào Hồng Dương, Giám đốc phân tích Ngành và cổ phiếu, Công ty cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS) vừa đưa ra nhận định triển vọng về bốn ngành nghề gồm: Thép, Điện, Dầu khí và Ngân hàng.
Đầu tiên với thép, theo ông Đào Hồng Dương, kỳ vọng sản lượng ngành thép phục hồi, chủ yếu vẫn là tiêu thụ trong nước nhờ tác động tích cực của đầu tư công và sự phục hồi của thị trường bất động sản. Những yếu tố này có thể tạo cú bứt phá về sản lượng tiêu thụ thép trong năm nay. Yếu tố thứ hai là biến động từ Tradewar tạo lợi thế nhất định cho Hòa Phát, đặc biệt khi dự án Dung Quất 2 sắp đi vào vận hành. Thứ ba là kỳ vọng giá thép năm nay sẽ tích cực hơn.
Giá thép chịu tác động từ nhiều yếu tố nhưng tựu chung lại sẽ quy về mặt cung và cầu. Trong đó, ở phía cầu, thị trường bất động sản và tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ là hai yếu tố chính ảnh hưởng, còn phía cung chúng ta quan tâm nhiều tới nguồn cung thép của Trung Quốc.
Tuy nhiên, giá thép không hẳn là yếu tố duy nhất cần quan tâm khi đánh giá về kết quả kinh doanh của ngành này. Một chỉ tiêu khác có sức ảnh hưởng là biên lợi nhuận gộp. Như Hòa Phát, chúng ta cần quan tâm đến cả giá quặng, giá than. Khoảng chênh lệch giữa chi phí đầu vào và doanh thu có thể giúp lợi nhuận đạt mức tăng tích cực hơn.
Đối với ngành điện, ngành này đã có ba quý tích cực liên tiếp, trong nửa cuối năm 2024 và ba tháng đầu năm nay. Tốc độ tăng trưởng kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành điện có thể không quá cao về số tuyệt đối so với toàn thị trường, nhưng mức độ tương đối tích cực so với cùng kỳ. Kết quả này đến từ dự báo về sản lượng và mức giá bán bình quân, tạo ra bức tranh rất tốt cho các cổ phiếu niêm yết.
Với lợi nhuận trước thuế quý I, dự báo của VPBankS cho thấy kết quả phân hóa tương đối mạnh. Ví dụ như REE, PVPower (POW), hay PC1 có tốc độ tăng trưởng tương đối cao trong quý đầu năm 2025 (10-15%), trong khi phần còn lại nghiêm tốn hơn. Tuy nhiên, triển vọng chung cho cả năm 2025 đều có mức tăng tương đối tốt dù không đồng đều. Bởi, có một số doanh nghiệp chuyển từ lỗ thành lãi, hoặc những doanh nghiệp hoạt động đa ngành nghề còn liên quan đến các ngành khác.
Ở góc độ đầu tư, dù triển vọng tích cực, P/E và P/B của một số doanh nghiệp ngành điện hiện tại không phải là rẻ, điều này cũng phản ánh tương đối sát kỳ vọng của thị trường. Như REE hiện có P/E khoảng 17 lần và P/B ở mức 1,8 lần, POW có P/E khoảng 24 lần.
Tuy nhiên, đặc thù cổ phiếu ngành điện là dạng cổ phiếu phòng thủ, nên chúng ta cũng cần quan tâm đến một số chỉ tiêu khác, như thanh khoản, vốn hóa thị trường và loại cổ phiếu nào có thể được khối ngoại mua ròng.
Với nhóm dầu khí, VPBankS đánh giá lợi nhuận chung toàn ngành dầu khí chưa có sự bứt phá trong quý I, do vừa trải qua kỳ nghỉ dài, giá dầu giữ ở mức thấp, không biến động mạnh, đồng thời nhu cầu chưa thực sự bứt phá. Tuy nhiên, nếu nhìn vào định giá, cơ hội đầu tư có vẻ đã xuất hiện, thậm chí tốt hơn nhiều ngành nghề khác.
Về mặt giá, cổ phiếu dầu khí đã ghi nhận sự điều chỉnh tương đối mạnh, đi ngược với xu hướng chung của thị trường. Hầu hết mức định giá P/E và P/B của nhóm này đều giảm về mức thấp, so với mặt bằng chung thị trường và so với chính lịch sử của nhóm này. Trong khi đó, triển vọng lợi nhuận ngành này theo dự báo VPBankS có thể tăng khoảng 13% trong năm nay.
Ở thời điểm hiện tại, theo ông Dương, nhà đầu tư có thể bắt đầu quan tâm đến nhóm cổ phiếu dầu khí, với mức định giá tương đối tốt.
Cuối cùng là nhóm ngân hàng, nhóm này sẽ có kết quả kinh doanh tích cực trong quý 1 và cả năm 2025. Nếu như tăng trưởng GDP quyết tâm đạt trên 8% trong năm nay, tín dụng sẽ phải tăng ít nhất 16%, giúp kết quả kinh doanh của ngành ngân hàng duy trì đà tăng trưởng tối thiểu bằng mức năm ngoái.
Trong số các nhóm ngành, kết quả kinh doanh ổn định và tích cực nhất vẫn là ngân hàng. Vốn hóa của ngành cũng chiếm tỷ trọng cao nhất trong rổ chỉ số. Ở mức giá hiện tại, nhiều nhà đầu tư quan ngại về mức định giá của cổ phiếu nhóm này, khi đã duy trì xu hướng đi lên trong hai năm gần đây. Thậm chí nếu nhìn trong khung thời gian 5 năm, hầu hết cổ phiếu đều duy trì đà tăng. Dù vậy, với mức dự phóng tăng trưởng của VPBankS, mức định giá vẫn ở ngưỡng tương đối hấp dẫn.
Tuy nhiên, năm nay, triển vọng của các ngân hàng cũng sẽ có sự phân hóa mạnh hơn năm ngoái. Áp lực về biên lãi thuần (NIM), sự phục hồi của các mảng kinh doanh, việc đầu tư cho công nghệ sẽ tạo ra sự khác biệt.