Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chuyên gia: Chưa có thông tin tích cực từ đàm phán thuế, VN-Index có thể điều chỉnh nhẹ

Vneconomy 14 Giờ trước

Trở lại sau kỳ nghỉ lễ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận một tuần giao dịch khởi sắc với chỉ số Vn-Index tăng 41 điểm (+3,3%) lên mức 1.267,3 điểm. Đà tăng mạnh mẽ diễn ra trong 4 phiên đầu tuần, được thúc đẩy bởi tâm lý tích cực của giới đầu tư khi hệ thống giao dịch KRX chính thức đi vào vận hành thành công từ phiên ngày 5/5.

Đồng thời, những tín hiệu hạ nhiệt của thuế quan đã góp phần thúc đẩy tâm lý hứng khởi, bao gồm: Việt Nam chính thức bước vào vòng đàm phán thuế đối ứng với Mỹ từ ngày 7/5; Mỹ công bố thỏa thuận thương mại đầu tiên (với Anh) sau khi áp thuế đối ứng; Mỹ và Trung Quốc có cuộc đàm phán thương mại tại Geneva vào ngày 10-11/5.

Bên cạnh đó, thị trường còn được tiếp sức nhờ đà tăng mạnh của nhóm cổ phiếu họ Vin sau thông tin Vinpearl sẽ niêm yết 1,8 tỷ cổ phiếu trên HOSE với phiên giao dịch đầu tiên vào ngày 13/5 tới đây.

Có thể thấy, chỉ số Vn-Index đã có sự bứt phá ấn tượng trong 4 phiên đầu tuần và chỉ điều chỉnh nhẹ trong phiên cuối tuần sau khi gặp khó tại vùng kháng cự mạnh 1.270-1.280 điểm.

Nhận định về triển vọng trong ngắn hạn, ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của VnDirect cho rằng áp lực chốt lời sẽ gia tăng trong tuần tới khi những thông tin tích cực gần đây về các cuộc đàm phán thuế quan và tăng trưởng lợi nhuận Q1/2025 của doanh nghiệp đã được phản ánh phần lớn vào giá.

Trước mắt, chỉ số VN-Index sẽ gặp nhiều trở ngại tại vùng cản 1.270-1.280 và xa hơn là mốc tâm lý 1.300 điểm. Do đó, nếu không xuất hiện những thông tin hỗ trợ mạnh, ví dụ như tiến triển đáng kể trong đàm phán thương mại giữa Mỹ-Việt Nam, thì kịch bản chỉ số Vn-Index sớm bứt phá qua vùng cản mạnh kể trên là chưa cao. Thị trường cần nhịp nghỉ tích lũy sau đà tăng khá nhanh tuần vừa qua để hấp thụ lượng hàng giá rẻ.

Trong bối cảnh thị trường có thể đi ngang tích lũy hoặc điều chỉnh nhẹ, dòng tiền có thể luân chuyển mạnh giữa các nhóm cổ phiếu. Nhà đầu tư ngắn hạn nên cân nhắc chốt lời một phần những cổ phiếu đã tăng mạnh vừa qua để chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu chưa phục hồi đáng kể, ví dụ như bất động sản khu công nghiệp, dầu khí, thủy sản hoặc nhóm cổ phiếu có thông tin hỗ trợ mạnh như điện (tăng giá điện bán lẻ).

Đồng thời nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu ở mức vừa phải và hạn chế sử dụng đòn bẩy khi thị trường đang đứng trước các mức cản mạnh.

Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của VnDirect.  Ông Đinh Quang Hinh, Trưởng bộ phận vĩ mô và chiến lược thị trường của VnDirect. 

Về định giá, theo Chứng khoán MBS, chỉ số P/E (ttm) của thị trường hiện tại ở mức 12,9 lần, thấp 1 độ lệch chuẩn (13,48) kể từ tháng 5/2020, bên cạnh đó cho thấy thị trường đang ở mức định giá thấp hơn trung bình lịch sử (16,84) là cơ hội tiềm năng cho nhà đầu tư dài hạn.

Theo chuyên gia phân tích của MBS, dòng vốn toàn cầu đang ào ào chảy vào chứng khoán châu Á khi sự tăng giá mạnh mẽ của các đồng nội tệ trong khu vực, cùng khả năng duy trì lợi nhuận của doanh nghiệp châu Á, đã vượt trên nỗi lo về tác động tiêu cực từ chính sách thuế quan của Mỹ. Số liệu do Bloomberg tổng hợp cho thấy, các quỹ toàn cầu đã mua ròng 9,64 tỷ USD cổ phiếu tại các thị trường mới nổi châu Á (ngoài Trung Quốc) trong ba tuần qua, tạo nên chuỗi dòng vốn vào dài nhất kể từ tháng 3 năm 2024.

Điều đáng chú ý là lợi nhuận doanh nghiệp tại các thị trường này được dự báo sẽ chịu tác động ít hơn từ chính sách thuế quan của Trump so với các công ty Mỹ.

Đối với thị trường trong nước, mạch thông tin hỗ trợ thị trường lúc này diễn biến đàm phán Mỹ – Trung. Tình hình đàm phán thuế Việt – Mỹ chưa có thông tin chính thức, nên cũng không loại trừ sẽ tạo được kích thích tâm lý nếu kết quả đàm phán tích cực. Bên cạnh đó, tín hiệu đáng chú ý lúc này là dòng vốn ngoại đang quay trở lại các thị trường Châu Á trong đó có thị trường Việt Nam.

Về kỹ thuật, tròn 1 tháng kể từ khi thị trường tạo đáy, chỉ số Vn-Index đã lấy lại hơn 190 điểm (+18%), đã có rất nhiều nhóm cổ phiếu có mức tăng từ 20% – 30% như: Logistics/cảng biển, Vingroup, Bán lẻ, Hóa chất, Viettel, Bất động sản, do vậy áp lực chốt lời ngắn hạn sẽ diễn ra khi phía trước là khoảng GAP rất rộng từ 1.275 – 1.300 điểm.

Tâm lý nhà đầu tư đã thận trọng khi thanh khoản 2 tuần liên tiếp dưới ngưỡng 20.000 tỷ đồng. So với chỉ số S&P 500, chỉ số Vn-Index đã lấy lại ngưỡng MA200 và đang retest ngưỡng MA100.

Trong kịch bản cơ bản, thông tin thị trường mong đợi như Hệ thống KRX, hay kết quả kinh doanh quý I/2025 có thể đã qua khi được phản ánh vào giá, MBS cho rằng áp lực chốt lời ngắn hạn không đáng ngại khi thị trường đang đón nhận dòng vốn ngoại quay trở lại, đồng thời đàm phán thương mại có thể tạo thêm tín hiệu hỗ trợ.

Khả năng lấp 1 khoảng GAP khá rộng mặc dù khó nhưng vùng mục tiêu 1.280 – 1.290 điểm có thể là đích đến của thị trường trong tuần này. Hỗ trợ của thị trường đáng chú ý ở vùng MA200, tương đương 1.260 – 1.262 điểm. Trong kịch bản thận trọng, vùng hỗ trợ cho thị trường ở khu vực 1.240 điểm.

Các nhịp điều chỉnh là cơ hội để cơ cấu danh mục, tập trung ở nhóm cổ phiếu đang có sức bật tốt như: Vingroup, Dầu khí, Bất động sản, Bất động sản Khu công nghiệp, … hoặc nhóm cổ phiếu đang được chiết khấu so với ngưỡng 1.240 điểm như: Chứng khoán, Ngân hàng, Công nghệ, …

Xem bản gốc