Hỗ trợ nội dung miễn phí

Chúng tôi sử dụng quảng cáo để giữ cho nội dung của chúng tôi miễn phí cho bạn. Vui lòng cho phép quảng cáo và để các nhà tài trợ tài trợ cho việc lướt web của bạn.
Cảm ơn bạn!

Chuyện thích nghi với sự xuất hiện của loạt thương hiệu ngoại và các làn sóng công nghệ ở IVY Moda

Markettimes 3 Giờ trước
photo_2024-11-26_09-19-52.jpg

Những năm gần đây, có thể thấy ngành thời trang tại Việt Nam đã có nhiều đổi khác so với trước. Bên cạnh việc đại dịch Covid-19 thúc đẩy thói quen mua sắm online, mua sắm qua livestream, ta cũng chứng kiến sự tăng trưởng của các thương hiệu ngoại tại thị trường Việt Nam qua nhiều kênh, cả online và offline. Anh đánh giá thế nào về điều này, và IVY moda đã thích nghi với sự thay đổi của thị trường ra sao?

Với góc nhìn của tôi thì sự xuất hiện của các thương hiệu nước ngoài là một điểm sáng, bởi điều đó phản ánh sự hội nhập toàn cầu của thị trường thời trang Việt Nam, cũng như các hiệu nước ngoài đã nhận thấy tiềm năng của thị trường Việt Nam. Nếu như trước đây họ thường đến Malaysia, Thái Lan, Philippines, thì giờ đã có nhiều thương hiệu quốc tế coi Việt Nam là thị trường “màu mỡ” và tiềm năng. Khi các thương hiệu này có mặt tại Việt Nam, thì quy chuẩn trong ngành thời trang Việt cũng được nâng cao.

Ngược lại, ta cũng có thể thấy dấu hiệu tích cực khi rất nhiều thương hiệu thời trang tại Việt Nam bây giờ cũng đang kinh doanh ở Trung Quốc, Thái Lan và các nước Trung Đông… họ làm rất tốt ở các thị trường đó, thậm chí bán ở tầm giá ngang hàng với một số thương hiệu lớn, không hề kém cạnh. Có những chiếc đầm thương hiệu Việt được bán với mức giá 300-400 USD, những chiếc áo được bán với giá 200-300 USD…

Về phía IVY moda, khi nhiều thương hiệu nước ngoài vào Việt Nam, góc nhìn của chúng tôi là: “Làm thế nào để cùng level (đẳng cấp) với họ?”.

photo_2024-11-26_08-47-33.jpg

Những quy chuẩn, quy trình mà họ mang đến thị trường Việt Nam, như cách chăm sóc khách hàng, cách họ thiết kế một điểm bán, cách mà thiết kế làm phòng thay đồ… rất nhiều chi tiết mà khi quan sát, chúng tôi thấy rằng mình có thể học hỏi và đều làm được, để nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ.

Trên “mặt trận” online, theo góc nhìn của tôi, thực ra thương mại điện tử tại Việt Nam vẫn còn khá non trẻ so với rất nhiều nước đã phát triển với các thương mại điện tử rồi. 

Ví dụ ở Mỹ, quy trình nhận hàng, mua hàng trực tuyến rất khác của Việt Nam, người mua luôn trả trước. Khi nhận hàng, nếu họ không hài lòng, họ trả hàng và nhận hoàn tiền trong vòng 10 - 15 ngày làm việc. Còn ở Việt Nam các sàn thương mại điện tử vì muốn chiếm lĩnh thị trường nên cho phép khách hàng trả tiền khi nhận hàng (COD), điều này có mặt tốt là khách hàng thoải mái với thương mại điện tử hơn, nhưng mặt trái là rủi ro liên quan đến lừa đảo qua mạng, khi thông tin của khách hàng có thể bị lợi dụng để lừa đảo. Trong một quy trình bán hàng trực tuyến hoàn thiện thì tình trạng lừa đảo ít xảy ra hơn.

Còn với IVY moda, chúng tôi cũng áp dụng tất cả những quy chấn tốt nhất mà các thương hiệu bán lẻ nước ngoài đang áp dụng tại Việt Nam, ví dụ như họ mất ba ngày để giao hàng trong khu vực nội thành, chúng tôi cố gắng chỉ hai ngày. Những đơn hàng đến kho giao vận trước 1 giờ chiều thì sẽ phải ra khỏi kho vận trước 5 giờ chiều, để khách hàng có thể nhận được sản phẩm sớm nhất có thể… Chúng tôi luôn luôn cố gắng và không ngừng học hỏi để mang đến những trải nghiệm tốt nhất về sản phẩm và dịch vụ cho khách hàng.

IVY moda phân bổ bao nhiêu phần trăm nguồn lực cho bán hàng trực tiếp và bao nhiêu phần trăm cho trực tuyến, vì sao?

IVY moda hiện tại phân bổ 70% nguồn lực cho kênh offline  và 30% cho kênh online.

Chúng ta vẫn nói nhiều về việc khách hàng có sự dịch chuyển, nhưng họ không hề bỏ việc mua sắm offline, thực tế sẽ có nhiều rất nhiều kiểu khách hàng với tâm lý khác nhau. Ví dụ như có những khách hàng tìm đến sàn TMĐT vì giá, nhưng cũng có những khách hàng, khi đã bỏ ra khoản tiền lớn thì họ sẽ muốn xuống cửa hàng để trải nghiệm sản phẩm, trải nghiệm dịch vụ cũng như không gian bán hàng, giao tiếp với nhân viên và được chăm sóc trực tiếp, hơn là đơn thuần chỉ mua một sản phẩm. 

Đó là lý do vì sao IVY moda vẫn đang tiếp tục mở các cửa hàng vật lý, bởi chúng tôi tự tin mình vẫn đang làm tốt việc bán hàng tại cửa hàng. 

photo_2024-11-26_09-19-52-2-.jpg

Còn với việc phát triển app riêng của thương hiệu, mục tiêu của IVY moda là gì?

Với chúng tôi, điểm mạnh đầu tiên của app là khách hàng không cần một thẻ tích điểm vật lý, app cũng sẽ tích hợp cả việc mua hàng, kiểm tra đơn hàng và tích điểm cho cả đơn hàng online. Lợi ích thứ hai là khách hàng có thể mua hàng một cách nhanh chóng và dễ dàng nhất trên app. 

Lợi ích quan trọng hơn cả, là app cho phép IVY moda hiểu rõ hơn về sở thích và xu hướng mua sắm của từng khách hàng, họ mua sản phẩm gì nhiều nhất, họ thích sản phẩm gì và gu thời trang của họ thế nào để có phương án bán hàng riêng cho từng khách hàng.

Ví dụ như một khách hàng thường mua đầm, app sẽ đẩy sản phẩm đầm nhiều hơn lên trên newsfeed của họ để họ nhìn thấy đầm nhiều nhất, những khách hàng thích ghép bộ chân váy, áo cũng sẽ nhận được đề xuất phù hợp. 

Tuy nhiên, việc phát triển app cũng có những thách thức nhất định, khi khách hàng đã quen với giao diện và tính năng của các app thương mại điện tử lớn và nhiều người mong muốn app của chúng tôi cũng đi theo hướng đó. Song, IVY moda vẫn muốn giữ lấy DNA thương hiệu thời trang của mình bằng việc thiết kế app một cách tối giản, dễ nhìn và dễ sử dụng, không phải là những pop-up về voucher giảm giá, đếm ngược khuyến mãi, xu tích điểm…. mà sẽ phải phản ánh được bản sắc thời trang của IVY moda.

Ivy moda hiện nay có vận hành và ra quyết định dựa trên dữ liệu hay không? Và kênh bán nào thì việc thu thập dữ liệu để nắm bắt được chân dung, thói quen, nhu cầu khách hàng hiệu quả hơn?

Với IVY moda, chúng tôi luôn xem công nghệ là yếu tố quan trọng. Thực ra, IVY moda là là một trong những doanh nghiệp đầu tiên về thời trang tại Việt Nam áp dụng RFID. Mỗi một sản phẩm của IVY moda sẽ có một con chip. Nó giúp chúng tôi nắm rõ được vị trí và thông tin của từng sản phẩm trong hệ thống, trong chuỗi cung ứng, từ khi được xuất ra khỏi nhà máy ở Hưng Yên và sau đó đã qua những khâu nào, đi qua các cửa hàng nào... 

RSID được áp dụng lần đầu tiên tại Việt Nam bởi Zara, và không lâu sau đó, chúng tôi cũng đã áp dụng công nghệ này từ 2018 và đến bây giờ thì có lẽ cũng chưa có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam sử dụng công nghệ này.

Là một doanh nghiệp bán lẻ, đương nhiên chúng tôi cũng ra quyết định dựa trên dữ liệu. Dữ liệu của chúng tôi đến từ rất nhiều nguồn, từ social post, từ cửa hàng vật lý, từ kênh bán trực tuyến, từ các đối tác của IVY moda... 

Tuy nhiên, việc khai thác dữ liệu khách hàng bị đứt gãy từ kênh sàn TMĐT. Bởi vì sàn TMĐT coi khách mua hàng là khách của họ, thương hiệu không thể xác định được một khách hàng A mua hàng trực tuyến có phải là khách đã từng mua tại cửa hàng không, vì không có thông tin nào được cung cấp ngoài địa chỉ, như vậy sẽ rất khó để chúng tôi để chúng tôi định hình được điểm chạm của mình với khách hàng này. “Nỗi đau” này đã khiến chúng tôi đi đến quyết định phát triển CDP (Customer Data Platform) inhouse, nhưng sau một thời gian, chúng tôi đã quyết định dừng lại.

photo_2024-11-26_08-47-33-2-.jpg

Chúng tôi luôn thử nghiệm các công nghệ mới, tuy nhiên, là thử nghiệm thì có công nghệ phù hợp, có công nghệ chưa phù hợp. Có những công nghệ rất hữu ích, nhưng lại đi hơi sớm, hoặc hơi xa so với thị trường hiện tại, chúng tôi đã cân nhắc dừng lại, để tập trung nguồn lực vào những công nghệ phù hợp hơn với mô hình kinh doanh của mình, cũng như nhu cầu hiện tại của thị trường.

photo_2024-11-26_09-19-52-3-.jpg

Chương trình Cơ hội cho ai mùa 6 đã mở ra cánh cửa cho nhiều ứng viên trong các lĩnh vực mới, trong đó có KOL, KOC - có lẽ sẽ gắn bó khá chặt chẽ với ngành thời trang. Anh sẽ sử dụng các tiêu chí nào để đánh giá các ứng viên KOL, KOC là phù hợp để hợp tác với IVY moda?

Thực ra, IVY moda không đặt ra những  tiêu chuẩn cụ thể cho việc chọn KOC hay KOL, nhưng chúng tôi sẽ đánh giá cao các các ứng viên KOL, KOC có khả năng lan tỏa năng lượng tích cực, truyền tải tinh thần của thương hiệu tới khách hàng một cách có ý nghĩa.

Chúng tôi không chạy theo các KOL, KOC vì số lượng người theo dõi lớn, hay những bạn có những ồn ào không cần thiết. IVY moda chờ đợi ở các ứng viên có thể làm tăng nhận thức về thương hiệu, với những nội dung truyền thông sâu sắc, tích cực, dù rằng những nội dung này có thể không “ra số” ngay lập tức, nhưng sẽ lan rộng tinh thần và thương hiệu IVY moda đến với nhiều người xem hơn.

Tôi cũng sẽ đánh giá cao các ứng viên có sự trau chuốt trong lời nói, tạo ấn tượng tốt với người xem và có khả năng ứng biến, giữ vững tâm lý khi đối mặt áp lực. 

_nmd7702.jpg

Bên cạnh đó, đến với chương trình Cơ Hội Cho Ai lần này, chúng tôi cũng tìm kiếm các ứng viên trong lĩnh vực thương mại điện tử, am hiểu về các nền tảng số, social, media. Vì dù sao thương mại điện tử cũng là kênh xu hướng và đang có nhiều cơ hội. Dù đó có thể chưa phải là kênh bán hàng chủ đạo, nhưng chúng tôi cũng cần hiểu rõ về nó.

Nếu tìm được một nhân sự hiểu rõ về cách vận hành của các sàn này, kết hợp với những kinh nghiệm về branding, thấu hiểu cách thức làm thế nào để một doanh nghiệp, một thương hiệu có thể trường tồn… thì tôi cho rằng có thể tạo ra chiến lược về kinh doanh rất tốt trên các sàn thương mại điện tử. 

Việc xây dựng hình ảnh, đặc biệt là trên nền tảng số hiện nay cũng vô cùng quan trọng với thương hiệu, IVY moda đang thực hiện ra sao?

Thực ra ở Việt Nam trong ngành bán lẻ thời trang, tôi nghĩ khách hàng luôn mong muốn là họ biết rằng là người đứng sau thương hiệu là ai. Chúng tôi đưa ra rất nhiều các chương trình truyền thông marketing tại cửa hàng và tôi là người trực tiếp đứng với cửa hàng để gặp các khách hàng gặp khách hàng VIP của mình. Bởi tôi mong muốn họ biết đội ngũ nhân sự, những người mà đang vận hành trực tiếp IVY moda là ai.

Xây dựng thương hiệu cá nhân là điều mà tôi với tư cách CEO IVY moda và cũng như cá nhân tôi liên tục làm hằng ngày, thông qua các short video, bài báo chí, chiến dịch marketing, chiến dịch bán hàng… và chúng tôi luôn luôn public là những người tham gia vào các chiến dịch đó.

Theo thời gian, Gen Z sẽ trở thành tệp khách hàng quan trọng mà tất cả các thương hiệu cần quan tâm. IVY moda có thay đổi chiến lược trong việc xây dựng hình ảnh của mình, để hướng đến Gen Z hay không?

Tôi cho rằng thương hiệu luôn cần hiểu rằng là cái tệp khách hàng mục tiêu của mình là ai.

Quả thực, Gen Z sẽ trở thành tệp người tiêu dùng lớn trong tương lai gần, nhưng không vì thế mà chúng tôi thay đổi mục tiêu khách hàng của mình. Trước đây, chúng tôi cũng đã từng đặt ra câu hỏi liệu có nên mở rộng tệp khách hàng của mình ra với đối tượng trẻ hơn, nhưng sau này IVY moda nhận ra rằng: “Nếu chúng ta làm cho sản phẩm của tất cả mọi người thì có nghĩa là chúng ta đang không làm sản phẩm cho ai cả”. 

Nếu chúng tôi luôn đặt mục tiêu vào tệp khách hàng ở một nhóm tuổi nhất định, thì luôn luôn có một tệp khách hàng mới bước vào thương hiệu. Bởi vì khi họ đã đến tuổi đi làm, cần trang phục công sở, họ sẽ luôn luôn tìm đến những thương hiệu đồ công sở phù hợp nhất với phong cách của họ. Nhờ việc giữ vững DNA của mình, hàng năm, chúng tôi luôn có một tệp khách hàng mới rất lớn đến với thương hiệu. 

photo_2024-11-26_08-47-03.jpg

Việc xây dựng hình ảnh của thương hiệu IVY moda, hay của cá nhân tôi, không đi theo những xu hướng nhất thời, mục tiêu là để khách hàng có thể thấy rõ ràng nhất những giá trị tích cực mà thương hiệu có thể mang lại cho tất cả mọi người.

Cảm ơn chia sẻ của anh!

Xem bản gốc